Novaland: Phát hành công cụ nợ để cơ cấu lại các khoản nợ

VietTimes -- Tính đến ngày 30/06/2017, tổng quy mô vay và nợ thuê tài chính của Novaland là 15.120 tỷ đồng, bao gồm 6.348 tỷ đồng ngắn hạn và 8.772 tỷ đồng dài hạn.
Novaland: Phát hành công cụ nợ để cơ cấu lại các khoản nợ. (Ảnh: Internet)
Novaland: Phát hành công cụ nợ để cơ cấu lại các khoản nợ. (Ảnh: Internet)

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland; Mã: NVL) vừa công bố  thông tin tài liệu liên quan đến lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Theo đó, Tập đoàn này đã gửi tài liệu tới các cổ đông để xin ý kiến về 4 nội dung tờ trình, gồm:

(1)    Tờ trình – Dự thảo Nghị quyết: Thay đổi phương thức phát hành Cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi, Trái phiếu chuyển đổi và Cổ phần theo Chương trình lựa chọn cho người lao động;

(2)    Tờ trình – Dự thảo Nghị quyết: Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty;

(3)    Tờ trình – Dự thảo Nghị quyết: Bầu bổ sung Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT);

(4)    Tờ trình – Dự thảo Nghị quyết: Thông qua việc phát hành Công cụ nợ.

Nội dung các tờ trình cho thấy, cơ cấu lại các khoản nợ là một trong những múc đích quan trọng của tập đoàn này trong năm nay.

Cơ cấu nợ

Trong Tờ trình – Dự thảo Nghị quyết: Thay đổi phương thức phát hành Cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi, Trái phiếu chuyển đổi và Cổ phần theo Chương trình lựa chọn cho người lao động, Novaland đã điều chỉnh một số chi tiết liên quan đến phương thức phát hành cổ phiếu và trái phiếu.

Cụ thể, đối với việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức chuyển đổi thì so với Nghị quyết số 07/2017-NQ-NVLG, thông tin loại cổ phần đã được chuyển từ “Cổ phần ưu đãi cổ thức chuyển đổi” thành “Cổ phần ưu đãi cổ tức năm 2017”.

Mục đích phát hành chuyển từ “Bổ sung Vốn lưu động, đầu tư tài sản cố định của Công ty” thành “Tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ của Công ty”.

Cổ tức ưu đãi chuyển từ “Dự kiến mức cổ tức bằng tiền trả hàng năm sẽ không quá 10% trên giá chào bán (tương đương 5.000 đồng/cổ phần, nếu giá chào bán là 50.000 đồng/cổ phần ưu đãi), được trả vào ngày tròn năm của ngày phát hành. Mức cụ thể sẽ do HĐQT thỏa thuận, đàm phán với nhà đầu tư phù hợp với điều kiện thị trường và quyền lợi của các bên”, thành “Dự kiến mức cổ tức bằng tiền trả hàng năm sẽ không quá 10% trên giá chào bán (tương đương 5.000 đồng/cổ phần). Mức cụ thể sẽ do HĐQT thỏa thuận, đàm phán với nhà đầu tư phù hợp với điều kiện thị trường và quyền lợi của các bên”.

Giá chuyển đổi điều chỉnh từ “Tối thiểu 50.000 đồng/cổ phần” thành “Do HĐQT quyết định, tối thiểu 50.000 đồng/cổ phần và sẽ được điều chỉnh theo các sự kiện pha loãng cỏa Công ty nhằm đảm bảo lợi ích của Công ty và nhà đầu tư”.

Thời gian thực hiện được điều chỉnh từ “Quý II/2017” thành “Dự kiến nửa cuối năm 2017”.

Đối với việc phát hành Trái phiếu chuyển đổi, đồng tiền phát hành sẽ được chuyển từ “USD” – như tại Nghị quyết số 07/2017-NQ-NVLG, thành “USD hoặc VND”.

Lãi trái phiếu điều chỉnh từ “Do HĐQT quyết định, thành “Do HĐQT quyết định, phụ thuộc vào điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành”.

Mục đích điều chỉnh từ “Bổ sung VLĐ, đầu tư tài sản cố định của Công ty”, thành “Tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện việc cơ cấu lại các khoản nợ của Công ty”.

Giá chuyển đổi chuyển từ “Do HĐQT quyết định”, thành “Do HĐQT quyết định, tối thiểu 50.000 đồng/cổ phần và sẽ được điều chỉnh theo các sự kiện pha loãng của Công ty nhằm đảm bảo lợi ích của Công ty và nhà đầu tư”.

Phương thức chào bán chuyển từ “Chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, có năng lực tài chính, năng lực chuyên môn và có khả năng hỗ trợ cho sự phát triển của Công ty”, thành “Chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư có năng lực tài chính, năng lực chuyên môn và có khả năng hỗ trợ cho sự phát triển của Công ty”.

Thời gian thực hiện chuyển từ “Quý II/2017”, thành “Dự kiến nửa cuối năm 2017”.

Như vậy, mục đích chính của kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi lẫn phát hành trái phiếu của Novaland trong năm đều là: “Tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ của Công ty”.

Được biết, theo Báo cáo tài chính hợp nhất Quý II/2017 chưa kiểm toán, tính đến ngày 30/06/2017, tổng quy mô vay và nợ thuê tài chính của Novaland là 15.120 tỷ đồng, bao gồm 6.348 tỷ đồng ngắn hạn và 8.772 tỷ đồng dài hạn. Tổng nợ tài chính này chiếm 36% tổng tài sản tập đoàn, và đến từ 4 nguồn: Vay ngân hàng; Phát hành trái phiếu; Vay bên thứ ba; Vay bên liên quan.

Các chủ nợ hàng đầu của Novaland là Vietinbank, VPBank, TechcomSecuirities,… Ngoài ra, còn có các chủ nợ quốc tế, như: Credit Suise AG; GW SuperNova Pte. Ltd.

Trở lại với Tờ trình của Novaland, bên cạnh việc xin ý kiến cổ đông để thay đổi phương thức phát hành cổ phiếu ưu đãi và trái phiếu chuyển đổi, tập đoàn này cũng xin ý kiến cổ đông thay đổi phương thức phát hành ESOP.

Theo đó, phương thức phát hành là chào bán cho các đối tượng theo danh sách đã được HĐQT phê duyệt, có thể thực hiện thành nhiều đợt, nhưng không quá 3 đợt chào bán. ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định việc phân chia các đợt phù hợp với nhu cầu thực tế.

Thời gian thực hiện được điều chỉnh từ “Trong năm 2017”, thành “Dự kiến trong năm 2017 đến Quý I/2018. ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian thực hiện cụ thể”.

Phát hành tối đa 7.000 tỷ đồng công cụ nợ trong 2017

Theo Tờ trình số 242/2017/CV-NVLG, Novaland đang xây dựng kế hoạch phát hành các công cụ nợ trong năm 2017, thông qua các hình thức: trái phiếu, hối phiếu, tín phiếu, hoặc công cụ nợ khác được phép theo quy định của pháp luật có liên quan.

Tính chất của các công cụ nợ này là chuyển đổi hoặc không chuyển đổi, có đảm bảo hoặc không có đảm bảo.

Tổng giá trị phát hành dự kiến tối đa 7.000 tỷ đồng hoặc 300 triệu USD; Với đồng tiền phát hành và thanh toán là USD hoặc VND; Kỳ hạn thanh toán từ 3 (ba) đến 5 (năm) năm.

Mục đích sử dụng tiền thu được từ đợt phát hành chính là “Tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ của Công ty”.

Thị trường phát hành là trong nước hoặc quốc tế và lưu ý, các công cụ nợ được phát hành sẽ có thể được niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước hoặc nước ngoài./.