"Nóng" dịch bạch hầu, Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine quy mô lớn nhất từ trước đến nay

VietTimes –Hôm nay (9/7), Bộ Y tế đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức phát động Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên tại 4 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Dự kiến, hơn 10 triệu liều vaccine phòng, chống bạch hầu sẽ được cung cấp cho 4,7 triệu người ở Tây Nguyên. 
GS. TS. Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm vaccine phòng, chống bệnh bạch hầu (Ảnh: Vũ Mạnh Cường)
GS. TS. Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác tiêm vaccine phòng, chống bệnh bạch hầu (Ảnh: Vũ Mạnh Cường)

Quyết liệt phòng, chống dịch 

Trong Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống bệnh bạch hầu ở 4 tỉnh Tây Nguyên, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vaccine 5 trong 1; trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vaccine DPT; trẻ từ 48 tháng tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vaccine Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng).

Tại lễ phát động, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng tự hào trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19. Đến nay đã qua 83 ngày Việt Nam không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Với diễn biến phức tạp của dịch COVID -19 trên toàn thế giới, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vẫn quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời, không lơ là trong công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt là dịch bạch hầu.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - phát biểu tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu (Ảnh: Vũ Mạnh Cường)
GS.TS. Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - phát biểu tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu (Ảnh: Vũ Mạnh Cường)

Ông Long nhấn mạnh: Bệnh bạch hầu là bệnh cổ điển, tất cả các cơ chế sinh bệnh học đều đã biết, tử vong chủ yếu do biến chứng viêm cơ tim. Bệnh này có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, các cơ quan tâp trung khống chế, ngăn chặn và kiểm sát dịch bệnh này.

Để khẩn trương kiểm soát dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch như: cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ.

Một trong những biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu hiệu quả nhất chính là tiêm vaccine. Dự kiến sẽ có khoảng hơn 10 triệu liều vaccine cung cấp cho 4 địa phương với hơn 4,7 triệu người được tiêm vaccine. 

Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông với quy mô lớn từ trước đến nay, nhằm đảm bảo ít nhất 90% số người từ 2 tháng tuổi trở lên đến 40 tuổi tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông được sử dụng vaccine phòng bạch hầu.

Gần 50% ca bệnh bạch hầu không có triệu chứng

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam và Quảng Ngãi về công tác phòng chống dịch bạch hầu trong sáng nay (9/7), ông Đặng Quang Tấn – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - cho biết từ đầu năm đến nay, 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai) đã ghi nhận 66 trường hợp, tăng 3 ca so với cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về phòng chống bạch hầu cách đây 2 ngày.

Phân tích sâu về 53 ca đầu tiên mắc bệnh, Cục trưởng Đặng Quang Tấn cho hay, có tới 25 ca không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc).

"Việc có tới gần 50% ca bệnh không có triệu chứng, chứng tỏ bệnh đã lưu hành trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc là rõ ràng" – ông Tấn nói.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra việc tiêm vaccine phòng bạch hầu cho trẻ (Ảnh: Vũ Mạnh Cường)
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra việc tiêm vaccine phòng bạch hầu cho trẻ (Ảnh: Vũ Mạnh Cường) 

Trong số các trường hợp mắc bệnh, chủ yếu là người trên 7 tuổi (chiếm 85%), ghi nhận có người 50-60 tuổi cũng mắc bệnh. Đa số trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ có xác minh chỉ có 3 trường hợp/53 người (chiếm 5,6%).

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cả 3 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu đều là những người sống ở vùng sâu, vùng xa và là những ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại địa bàn (16 năm không xuất hiện ca bệnh bạch hầu), phát hiện muộn. Thống kê cho thấy, có 3 trường hợp dưới 1 tuổi mắc bạch hầu; từ 1-7 tuổi có 8 trường hợp; trên 7 tuổi đến 40 tuổi là 37 trường hợp, trên 40 tuổi có 5 trường hợp. Đa số các trường hợp mắc bệnh bạch hầu đều không được tiêm vaccine có chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.

Việc tổ chức tiêm chủng trong Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch bạch hầu sẽ được triển khai tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động. Theo đó, tại trạm y tế tiến hành tiêm chủng cho đối tượng là trẻ 2 tháng trở lên và thực hiện tiêm vét. Tại các điểm lưu động sẽ thực hiện tiêm chủng cho đối tượng sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận.

Dự kiến, Chiến dịch sẽ tiến hành tiêm chủng khoảng 120.446 liều vaccine 5 trong 1; 279.608 liều vaccine DPT; và 10.111.461 liều vaccine Td. Như vậy gần 4,7 triệu đối tượng tại 4 tỉnh ở Tây Nguyên sẽ được tiêm các mũi vaccine khác nhau để phòng, chống dịch bạch hầu.