"Nội soi" dự án BOT giao thông: Bất cập và bất ổn

VietTimes -- TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói “Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột, người dân không đi trên đường BOT thì không thể thu phí và không thể đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác, phải sửa ngay điều này”.
Tài xế dùng tiền lẻ qua Trạm thu phí Quốc lộ 5. Ảnh: Zing
Tài xế dùng tiền lẻ qua Trạm thu phí Quốc lộ 5. Ảnh: Zing

Theo ông Dũng, có có 4 bất ổn trong hợp đồng BOT hiện nay, đó là:

Về hợp đồng BOT, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng tất cả các cổ đông liên quan đều phải được có ý kiến, không thể chỉ có chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý trực tiếp được có ý kiến. "Cổ đông lớn nhất là lợi ích quốc gia, giờ ai đại diện không rõ. Nói Bộ GTVT đại diện lợi ích quốc gia thì xin lỗi, không đúng", TS Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Cổ đông thứ hai, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, phải được có ý kiến, đó là người dân. Ai đại diện cho người dân? Quốc hội đại diện thì Quốc hội phải tham gia thế nào đó?

Thứ ba là những nhà làm kinh tế vận tải, đó là người chi tiền, khách hàng. Không thể có chuyện khách hàng không được có ý kiến. "Rõ ràng khách hàng là thượng đế. Thượng đế gì mà bắt trả bao nhiêu phải trả bấy nhiêu. Rõ ràng trong hợp đồng của BOT, rất nhiều cổ đông của BOT không được có ý kiến. Tôi cho rằng từ nay trở đi phải nên thay đổi", TS Dũng cho hay.

Về giải pháp, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng không thể không xử lý, không thể nhắm mắt. "Vấn đề đầu tiên là thu phí BOTnhư kiểu trấn lột, người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không thể được, phải sửa ngay điều này. Trả một đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu, vì vậy phải dời trạm thu phí, không thể trấn lột người dân được", ông Dũng gay gắt phân tích.

Thứ hai là không thể "cân điêu" cho người dân được. Anh đặt trạm BOT ở đó, người dân sống xung quanh đó, nhưng không đi trên đường anh làm mà anh vẫn đặt trạm thu phí. "Mỗi lần người ta đi qua, chỉ đi có 2 km đường, nhưng anh thu tiền của người ta cả tuyến, tức là anh đang "cân điêu" cho người dân; chưa nói đến chuyện trạm thu phí khiến cuộc sống họ hết sức khó khăn, bất tiện. Do đó phải tính khác và phải miễn phí cho những người sống ở đó", ông Dũng phân tích.

Thứ ba phải minh bạch. "Đường mà tráng lại trên Quốc lộ 1 rồi thu phí thì cần phải hủy bỏ, bởi người dân đã trả phí bảo trì đường bộ rồi. Không thể nào láng lại đường là anh lại thu lần nữa. Người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi thì không thể có chuyện đó", ông Dũng bày tỏ.

Tiếp theo, TS Dũng cho rằng phải xem xét lại tất cả các hợp đồng BOT. "Bởi anh nhân danh người dân, xã hội nhưng xã hội chưa được có ý kiến, các cổ đông liên quan trực tiếp chưa có ý kiến nên phải được xem xét lại. Khoản chi phí nào bất hợp lý phải được huỷ bỏ", nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

“Điều vô lý ở các hợp đồng BOT là có ghi điều khoản “bí mật”. Một hợp đồng kinh tế thì có gì mà phải bí mật?”, TS Nguyễn Sỹ Dũng nêu quan điểm.

Từ những phân tích trên, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng cần phải đưa những trạm BOT bất hợp lý về đúng vị trí. “Ông không thể làm đường tránh TP Vĩnh Yên mãi trên QL2 ở Vĩnh Phúc mà lại đặt trạm thu phí ở Bắc Thăng Long – Nội Bài được. Thứ hai là phải công khai minh bạch các hợp đồng BOT cho tất cả biết và giám sát”.

Cũng nhận xét về bất cập của BOT, Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, vấn đề BOT là rất tốt, doanh nghiệp vận tải, người dân được đi trên những con đường bóng loáng, tốc độ nhanh, đỡ tốn xăng dầu… nhưng quá trình thực hiện có những bất cập nên làm méo mó chủ trương tốt của Đảng, Nhà nước, để đến nay chúng ta vẫn phải làm hội thảo, phải tham gia ý kiến với Chính phủ….

Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nêu rõ hơn bất cập trong dự án BOT: ở nước ta, khi muốn thực hiện các dự án BOT, nhà đầu tư chỉ lo “đặt gạch” làm sao vào được dự án là xong, còn vốn chủ yếu là Nhà nước và các ngân hàng lo.

Ông lấy dẫn chứng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chủ đầu tư chỉ phải lo hơn 10% vốn, còn lại là vay ngân hàng. Tình trạng này theo ông làm giảm sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và méo mó nền kinh tế.

Sau khi đã được tham gia dự án, nhà đầu tư BOT lại tiếp tục chọn nhà thầu bằng phương pháp chỉ định. Bằng cách này, doanh nghiệp sẽ đẩy chi phí đầu tư lên càng cao càng tốt để kéo dài thời gian thu phí. Vì thế mới có chuyện các cơ quan chức năng sau khi kiểm tra một loạt dự án PPP  đã giảm được hơn 100 năm thu phí. 

Vị luật sư cũng chỉ ra rằng, hiện quy định quá thông thoáng khi để Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh có thể uỷ quyền cho UBND quận, huyện ký những hợp đồng BOT với những dự án tổng mức đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cùng với đó, đối với các dự án BOT, chỉ định thầu thì lo thân hữu nhưng đấu thầu cũng không được khách quan như kỳ vọng.

Ông Nguyễn Việt Bắc, Giám đốc Công ty TAVIBA cho rằng, để tránh những rủi ro, trước mắt, Chính phủ nên nhanh chóng tổ chức đấu thầu lại giá thu phí.  

"Hiện nay chỉ một nhóm người thỏa thuận với nhau về giá thu, thời gian thu để cho toàn dân phải chịu. Họ làm một đồng họ khai 3 vì họ được tự ý khai vốn, tự ý lập dự án đầu tư, tự ý tất cả”, ông Bắc nói và cho biết thêm, sau khi đấu thầu xong thì áp dụng ngay việc thu phí không dừng để tránh rủi ro như chuyện nộp phí bằng tiền lẻ. 

"Các Bộ, ngành cũng nói các dự án mới sắp tới chắc chắn phải đấu thầu nhưng nếu chỉ có một nhóm người trong cơ quan nhà nước biết với nhau thì không hiệu quả. Đấu thầu thì phải công khai để các doanh nghiệp đều biết", ông Bắc cho hay, đồng thời cho rằng, doanh nghiệp Việt chủ yếu có quy mô nhỏ là chính nên các gói thầu BOT nên được chia nhỏ để nhiều đơn vị có thể tham gia, đồng thời đảm bảo cạnh tranh minh bạch. Sau khi đấu thầu tổng mức đầu tư, đến giai đoạn 2 là đấu thầu về mức thu phí.