Lo lắng này được ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công tyĐường sắt Việt Nam VNR chia sẻ tại họp kiểm điểm tiến độ công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải.
Theo ông Tùng, trong năm 2015, Tổng công ty sẽ hoàn thành CPH 24 công ty. Sau 6 tháng, đã cơ bản đạt tiến độ dự kiến. Phấn đấu đến 31/12 sẽ hoàn thành CPH toàn bộ.
“Trong quá trình CPH, Tổng công ty đang là chủ sở hữu của những tài sản từ nguồn vốn vay ODA và hiện vẫn đang phải trả nợ. Vì thế Tổng công ty kiến nghị cho phép chuyển giao các tài sản này cho 2 công ty vận tải” – Ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị cho phép Tổng công ty giữ lại toàn bộ quỹ đất và tài sản trên đất tại các xí nghiệp đầu máy, toa xe để phục vụ quy hoạch phát triển đường sắt trong tương lai. Nếu đem bán rất có thể chủ đầu tư sau này không tuân thủ các quy hoạch phát triển của đường sắt.
Tổng công ty có kế hoạch thoái vốn tại 27 công ty trong năm nay, nhưng giờ mới thực hiện được tại 7 công ty, các công ty còn lại đều trong tình trạng bán không hết hoặc thay đổi phương án thoái vốn.
Ông Tùng lưu ý, nếu không có quy định chặt, khi bán hai công ty đầu máy toa xe Dĩ An và Gia Lâm, chủ đầu tư sẽ biến thành công ty kinh doanh bất động sản vì ở đây toàn là vị trí đắc địa.
Được biết, 6 tháng đầu năm nay Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành phê duyệt giá trị doanh nghiệp để CPH 28 doanh nghiệp, trong đó có 7/7 công ty thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC), 21/24 công ty con thuộc Tổng công ty Đường sắt VN (VNR).
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tài chính để đủ điều kiện CPH đối với 1 công ty con thuộc SBIC.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã hoàn thành IPO 7 doanh nghiệp và tổ chức đại hội cổ đông lần đầu đối với 17 doanh nghiệp, trong đó có Tổng công ty Hàng không VN.
Đặc biệt trong thời gian qua, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH 3 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp là Tổng công ty Hàng hải VN, Tổng công ty Cảng hàng không VN và Bệnh viện Giao thông vận tải. Đối với việc CPH các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ đã báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương CPH 16 đơn vị.
Đến nay, đã thoái vốn Nhà nước tại 19 doanh nghiệp với tổng số tiền thu về là 1.487 tỷ đồng.
Hiện Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thoái toàn bộ vốn Nhà nước theo phương thức lựa chọn nhà đầu tư để bán đấu giá, thoả thuận trực tiếp theo lô, bán cho người lao động.
Theo Trí thức trẻ