Nỗi lo của FED

Những rủi ro hiện hữu của kinh tế thế giới khiến FED không còn lạc quan như khi quyết định tăng lãi suất hồi giữa tháng 12-2015
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 27-1 giảm hơn 1% sau khi FED quyết định duy trì lãi suất. Ảnh: REUTERS
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 27-1 giảm hơn 1% sau khi FED quyết định duy trì lãi suất. Ảnh: REUTERS

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thủ đô Washington, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 27-1 quyết định duy trì lãi suất ở mức 0,25%-0,5%, đồng thời cho biết “đang theo dõi sát sao tác động của kinh tế, thị trường tài chính toàn cầu lên thị trường lao động và tỉ lệ lạm phát của nước này”.

Yếu tố lạm phát quyết định

Tuyên bố trên phần nào cho thấy những rủi ro còn nhiều của kinh tế thế giới khiến FED bớt lạc quan hơn so cuộc họp hồi giữa tháng 12-2015, thời điểm cơ quan này quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ. Theo đánh giá của FED, những thông tin gần đây chứng tỏ những điều kiện thị trường lao động trong nước tiếp tục được cải thiện ngay cả khi kinh tế tăng trưởng chậm lại vào cuối năm ngoái.

Nỗi lo của FED lúc này là tỉ lệ lạm phát còn ở mức thấp, một phần do giá nhiên liệu tiếp tục giảm. Dù vậy, họ vẫn giữ nguyên dự báo lạm phát sẽ tăng lên mức 2% như mục tiêu đề ra trong trung hạn.

“FED đang chờ xem liệu kinh tế thế giới và các thị trường tài chính có thực sự ảnh hưởng đến lạm phát và triển vọng kinh tế của Mỹ hay không” - ông Ryan Sweet, nhà kinh tế cao cấp tại Công ty Moody’s Analytics Inc. (Mỹ), nói với trang Bloomberg. Về mặt kỹ thuật, cuộc họp sắp tới của FED vào tháng 3 vẫn có thể đưa ra quyết định tăng lãi suất nhưng một bước đi như thế sẽ phụ thuộc nhiều vào sự tiến triển của kinh tế Mỹ từ giờ đến đó, nhất là yếu tố lạm phát. “Lạm phát sẽ đóng vai trò quyết định trong việc FED có tăng lãi suất 2 hoặc 4 lần trong năm nay hay không” - ông Sweet dự báo.

Trước mắt, việc FED không loại trừ kịch bản tiếp tục tăng lãi suất khiến một số nhà đầu tư lo ngại thị trường toàn cầu thêm hỗn loạn. Như để chứng minh nỗi lo này, thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ giảm hơn 1% khi đóng cửa ngày 27-1 (giờ địa phương). Ngoài ra, đồng USD cũng giảm giá so với đồng euro.

Trung Quốc tiếp tục bơm tiền

Dù tuyên bố của FED không nói rõ nhưng ai cũng biết cơ quan này ưu tư trước sự hỗn loạn của giá cổ phiếu toàn cầu và sự lao dốc của giá dầu thời gian qua. TTCK thế giới đang có màn trình diễn đầu năm tồi tệ nhất từ trước tới nay. Riêng chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (Mỹ) mất hơn 7% giá trị trong 3 tuần đầu năm 2016. Trong khi đó, giá dầu vào tuần rồi giảm xuống mức thấp nhất trong 12 năm qua (28,15 USD/thùng) trước khi hồi phục nhẹ trong tuần này.

Tốc độ tăng trưởng thấp nhất của kinh tế Trung Quốc trong 25 năm qua (6,9% năm 2015) cũng góp phần làm giới đầu tư hoang mang. Các chỉ số chứng khoán chính của nước này là CSI 300, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 2,6%, 2,9% và 4,2% hôm 28-1. Reuters ước tính khoảng 2.000 tỉ USD bốc hơi khỏi TTCK Trung Quốc kể từ đầu năm 2016 trong khi dòng vốn không ngừng chảy khỏi nước này - ước tính lên đến 1.000 tỉ USD trong năm 2015.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 28-1 tiếp tục bơm 340 tỉ nhân dân tệ (52 tỉ USD) vào hệ thống tài chính sau khi bơm 440 tỉ nhân dân tệ, cao nhất trong 3 năm qua, 2 ngày trước đó. Động thái này ngoài mục đích bù đắp cho sự tháo chạy của vốn còn nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt gia tăng trước Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, nhiều nước đang nỗ lực đối phó tình trạng giá dầu sụt giảm. Ông Nikolai Tokarev, Chủ tịch Công ty Dầu mỏ Transneft (Nga), hôm 27-1 cho biết Moscow và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ thảo luận khả năng cắt giảm sản lượng khai thác nhằm đẩy giá dầu lên.

Theo Reuters, phát biểu này, cộng với nhu cầu tăng ở Mỹ theo sau trận bão tuyết kinh hoàng vừa qua, khiến giá dầu tăng hơn 5% hôm 27-1 (dầu thô Brent có thời điểm đạt mức 32,95 USD/thùng).

Theo NLĐ