Nói đến kinh tế số là nói đến sản xuất số, trao đổi số, phân phối số và tiêu dùng số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0-Industry 4.0 Summit tổ chức ngày 6/12.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh Mic
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh Mic

Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Nói đến kinh tế là nói đến sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu dùng. Nói đến kinh tế số là nói đến sản xuất số, trao đổi số, phân phối số và tiêu dùng số. Kinh tế số là cái mới”.

Người đứng đầu ngành TT&TT phân tích, cái mới thì bao giờ cũng cần thể chế mới. Đó là thể chế số. Thể chế số đóng vai trò kiến tạo phát triển số. Nó đảm bảo các hoạt động, giao dịch số được hợp pháp và được pháp luật bảo vệ. Thí dụ như thể chế về định danh và xác thực một người trên môi trường số, thể chế cho chữ ký số, thể chế về thanh toán số, v.v...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, cái mới thì cần một hạ tầng mới. Đó là hạ tầng số. Hạ tầng thì phải đi trước. Việt Nam đặt mục tiêu cao là vào top 30 thế giới về hạ tầng số vào năm 2025. Đó là hạ tầng viễn thông băng thông rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang. Hạ tầng điện toán đám mây để xử lý dữ liệu. Hạ tầng dữ liệu được coi như hạ tầng đất đai. Dữ liệu như một loại đất đai mới, canh tác trên đất đai này sẽ sinh ra giá trị mới. 34 nền tảng số quốc gia được ưu tiên phát triển để tạo nền móng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là chuyển đổi số các ngành.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của công nghệ số: "Cái mới thì cần công cụ sản xuất mới, một nền sản xuất mới. Đó là các công nghệ số, như Cloud Computing, Big Data, IoT, AI, Robot, v.v... Nhà nước với tầm nhìn dài hạn sẽ đầu tư vào nghiên cứu cơ bản các công nghệ số cốt lõi. Các doanh nghiệp công nghệ số thì biến các công nghệ số nền tảng thành dịch vụ thông qua các nền tảng số. Tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực thì sử dụng các dịch vụ công nghệ này các để tạo ra sản phẩm trong lĩnh vực của mình. Mọi doanh nghiệp đều có thể và đều phải trở thành doanh nghiệp công nghệ. Một chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được Chính phủ thực hiện".

Người đứng đầu ngành TT&TT cũng cho rằng, cái mới thì cần thị trường mới. Đó chính là các công dân số, xã hội số. Việc đào tạo kỹ năng số cho toàn dân, việc giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng số, nền tảng số an toàn cho người dân tin tưởng tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ số sẽ tạo ra thị trường số và là động lực cho phát triển kinh tế số. Các nền tảng đào tạo trực tuyến mở MOOC sẽ là lời giải cho đào tạo kỹ năng số, nhân lực số.

Cái mới thì bao giờ cũng đi với các nguy cơ mới. Đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng, cũng như các giải pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực của công nghệ số là một phần quan trọng Việt Nam phải bảo vệ được sự thịnh vượng của mình trên không gian số - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam sẽ ban hành bộ chỉ số đo lường kinh tế số và xã hội số trong tháng 12 này và từ năm sau sẽ đánh giá và công bố.

"Tất cả những nội dung trên của Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số là để nhằm đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Và nếu chúng ta làm tốt, làm mạnh mẽ thì con số có thể cao hơn nhiều", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.