Nợ xấu nội bảng chỉ còn 1,91%

VietTimes -- Đó là thông tin được công bố tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 5/7/2019.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến (Nguồn: NHNN)
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến (Nguồn: NHNN)

Theo đó, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6/2019 là 1,91%.

Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Cụ thể, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD ước đã xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 127,641 nghìn tỷ đồng.

Kết quả xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, VAMC có quyền thu giữ TSBĐ theo Nghị quyết số 42.

Trong lĩnh vực thanh toán, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán; tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảm quyền lợi của khách hàng; cũng như triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán.

Nhờ đó, TTKDTM tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các ngân hàng đã đưa các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán, đẩy mạnh các hình thức thanh toán hiện đại, an toàn, tiện lợi, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: SBV)
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: SBV)

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng để có thể thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, tăng trưởng kinh tế 6,8% trong bối cảnh kinh tế thế giới có biến động phức tạp khó lường, các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra với ngành Ngân hàng trong 2019 còn rất nặng nề.

Theo người đứng đầu NHNN, ngành ngân hàng cần tập trung vào một số các giải pháp điều hành 6 tháng cuối năm 2019 nhằm hoàn thành nhiệm vụ năm 2019, tạo tiền đề cho năm 2020 và những năm tiếp theo.

Trong đó, NHNN sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo ổn định, an toàn hoạt động của các TCTD.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2019 bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Đại diện NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém, thực hiện sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42./.