Nợ xấu đã bớt “xấu” tại BIDV

VietTimes -- Quy mô tài sản tăng trưởng tốt, lợi nhuận ngân hàng khả quan, nợ xấu có xu hướng giảm… là những tín hiệu tích cực trong mùa BCTC năm 2017 của ngân hàng BIDV.
Nợ xấu đã bớt “xấu” tại BIDV. (Ảnh: Internet)
Nợ xấu đã bớt “xấu” tại BIDV. (Ảnh: Internet)

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV – mã: BID) đã công bố BCTC hợp nhất quý IV/2017.

Theo đó, trong quý IV/2017, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 8 nghìn tỷ, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động kinh doanh khác có kết quả cải thiện khá tốt, chẳng hạn mua bán chứng khoán kinh doanh tăng gấp đôi cùng kỳ đạt 165 tỷ, lãi từ hoạt động khác gấp 3 lần đạt 1.776 tỷ, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 7% đạt 846 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực như hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư lại giảm lãi song không nhiều.

Chi phí hoạt động trong kỳ tăng 8% lên 5.024 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng 36% lên 3.028 tỷ đồng.

Kết thúc quý IV, ngân hàng đạt 3.245 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế cả năm, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt hơn 31.021 tỷ đồng, tăng trưởng 32%. Tổng lợi nhuận trước thuế và sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 8.800 tỷ đồng và 7.059 tỷ đồng, tăng  14% so năm trước. Kết quả này vượt chỉ tiêu của Đại hội đồng cổ đông đề ra và là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.

Còn theo lý giải của ngân hàng, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng khá so với cùng kỳ nguyên nhân là do thu từ hoạt động dịch vụ và thu nợ ngoại bảng tốt đã góp phần vào tăng trưởng kết quả kinh doanh chung của ngân hàng.

Cũng theo BCTC của ngân hàng, tính đến thời điểm ngày 31/12/2017, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng hơn 19% so với đầu năm.

Cho vay khách hàng đạt 866 nghìn tỷ, tăng 19,7%. Tiền gửi của khách hàng đạt 859 nghìn tỷ đồng, tăng 18,4%.

Về chất lượng cho vay, đến cuối năm 2017, tổng số nợ xấu tuyệt đối của ngân hàng là gần 14 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,61% tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này đã giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm khi đó là ở mức 2%. Về cơ cấu nợ, nợ có khả năng mất vốn hiện chỉ chiếm 37% và trong năm qua đã giảm nhiều nhất với mức giảm 24% về 5.204 tỷ đồng.