Nợ xấu của ngân hàng TP.HCM đã về dưới 3%

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM trao đổi với phóng viên BizLIVE về việc đưa nợ xấu về mức dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Nợ xấu của ngân hàng TP.HCM đã về dưới 3%

Nợ xấu, tính đến cuối tháng 8/2015, ngành ngân hàng trên địa bàn TP.HCM có nợ xấu là 52.529 tỷ đồng, chiếm 4,6% tổng dư nợ.                       

Nếu trừ nợ xấu của 3 ngân hàng bị mua 0 đồng (OceanBank, CBBank và GPBank) là 20.500 tỷ đồng, thì tổng nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn chỉ khoảng 32.029 tỷ đồng, tương ứng mức 2,8%. So với chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thì ngành ngân hàng TP.HCM đã đưa về mức dưới 3% đúng thời hạn.

Ngân hàng Nhà nước Trung ương đã giao các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM phải xử lý xong  25.300 tỷ đồng, trong đó tự xử lý là 3.100 tỷ đồng, bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là 22.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong 9 tháng qua các ngân hàng đã tự xử lý nợ xấu được 5.731 tỷ đồng, đạt 183% kế hoạch được giao.

Bán nợ cho VAMC được 21.404 tỷ đồng, đạt 96,7% kế hoạch giao.

Như vậy, tổng nợ xấu đã được xử lý là 27.135 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch giao 7,3%.

  

Vậy nợ xấu của 3 ngân hàng 0 đồng sẽ được xử lý thế nào?

Ba ngân hàng 0 đồng gồm OceanBank, CBBank và GPBank có tổng mức nợ xấu 20.500 tỷ đồng phải trình Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý nợ xấu. Đến nay, các phương án xử lý đang được 3 ngân hàng này xây dựng. Lộ trình cho việc khắc phục nợ xấu của 3 ngân hàng này sẽ được xử lý riêng, không thể xử lý đại trà như những ngân hàng khác và phải có bước khắc phục cụ thể cho từng năm.

Nợ xấu đã được xử lý, như vậy tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn thưa ông?

Mặc dù lãi suất huy động so với những năm trước có giảm nhưng nguồn vốn vào ngân hàng vẫn ổn định.

Tính đến 9 tháng đầu năm 2015, nguồn vốn các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã huy động được 1.464 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2014. Do vậy, không lo ngân hàng thiếu vốn cho nền kinh tế.

Về cho vay, 9 tháng các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã cho vay hơn 1.153 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm 2015.  Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13-15% cả năm, như vậy từ nay đến cuối năm thành phố cần khoảng 60.000 - 100.000 tỷ đồng (tương ứng 5%-7%) để cung ứng cho các doanh nghiệp vay vốn cuối năm.

Tín dụng tăng từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung vào sản xuất kinh doanh, chiếm 80,2%, còn 19,8% tăng còn lại thì có khoảng 13% là cho vay bất động sản và 6,8% là cho vay tiêu dùng.

Đặc biệt, tín dụng trung-dài hạn trong 9 tháng đầu năm nay tăng rất nhanh, so với đầu năm đã tăng 13,2% và chiếm trên 55,2% tổng dư nợ.

Chuẩn bị vốn cho quý IV/2015, đây là thời điểm cầu vốn tín dụng rất cao để phục vụ cho hàng hóa Tết năm 2016. Do vậy, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang tích cực huy động vốn để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho các nhu cầu về vốn của doanh nghiệp và người dân.

Cùng với nợ xấu đã được xử lý rốt ráo, do vậy, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng cuối năm 2015. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13%-15% trên địa bàn TP.HCM là hoàn toàn khả thi.

Xin cảm ơn ông!

LINH LAN theo BizLive