Lợi nhuận năm nay vẫn được đánh giá là khó khăn, hoặc chỉ được như năm ngoái hoặc có thể thấp hơn do nợ xấu tăng nhanh, tín dụng chưa thông và áp lực giảm lãi suất do cạnh tranh…
TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongABank, cho biết lợi nhuận năm nay của DongABank sẽ không thể tăng hơn so với năm 2014. Thực tế, DongABank cũng đang trong tình trạng chung của hệ thống, đó là nợ xấu và nợ quá hạn vẫn tăng nhanh trong khi khó cho vay ra, lãi suất cho vay giảm cũng khiến cho lợi nhuận ngân hàng cũng hao hụt.
“Một vấn đề nữa là kiểu tín dụng tăng sốc của các ngân hàng, thường đổ vào cuối năm nên tác động vào nền kinh tế không mấy tích cực. Do tín dụng dồn cục như vậy nên sự chuyển biến của doanh nghiệp cũng không nhiều, thậm chí còn khó khăn. Hệ lụy này tác động trở lại ngân hàng do nợ xấu chưa có triển vọng giảm, tín dụng khó tăng lên vì doanh nghiệp chưa có chuyển biến tích cực”, ông Kiêm phân tích.
Dè dặt kế hoạch lợi nhuận
Lợi nhuận năm 2014 của DongABank vẫn còn là ẩn số với thị trường, do đến nay ngân hàng này vẫn chưa có thông tin về nó. Tuy nhiên, năm 2014 là năm khó khăn với DongA Bank trong hoạt động kinh doanh. Tính đến hết quý III/2014, DongABank lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 220 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 149 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm 2013. Riêng quý III/2014 lỗ 76 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do tỷ lệ nợ quá hạn tại DongA Bank đến cuối quý III/2014 chiếm đến 13% tổng dư nợ, cho dù ngân hàng đã bán gần 2.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong quý III. Vì thế, kế hoạch 550 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2014 là bài toán khó khi phải trích dự phòng cao.
Mặc dù năm 2014, lợi nhuận trước thuế (chưa hợp nhất, chưa kiểm toán) của Vietinbank là 7.300 tỷ đồng, nợ xấu chỉ 0,89% nhưng vẫn đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay chỉ tương đương năm 2014.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2015, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, cho biết kế hoạch lợi nhuận năm nay sẽ điều chỉnh dựa vào tình hình thực tế của nền kinh tế.
Kế hoạch lợi nhuận của MB năm 2015 là 3.150 tỷ đồng, chỉ cao hơn một chút so với năm 2014 (3.003 tỷ đồng). Lãnh đạo MB cho biết năm 2015 là một năm tiềm ẩn nhiều khó khăn cho hoạt động ngân hàng. Cần phải nói, nợ xấu là vấn đề lớn của MB. Nếu không chạy “marathon” tính dụng những tháng cuối năm, có lẽ tỷ lệ nợ xấu của MB không giảm xuống mức 2,73% tính đến cuối năm 2014.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, 2015 sẽ là năm khó khăn với ngân hàng do tổng cầu còn yếu. Điều này thể hiện qua chỉ số CPI tháng 1 âm cho thấy dự báo lạm phát năm 2015 sẽ thấp.
“Với một nền kinh tế mà tổng cầu thấp, thì doanh nghiệp phải giảm giá để kích cầu nhằm xả hàng tồn kho hơn là mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của ngân hàng do tín dụng tăng trưởng không tốt và như vậy lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hiếu phân tích.
Chỉ giảm nợ xấu trên sổ sách
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng nặng, đó là nợ xấu. Theo ông Hiếu, chi phí trích lập dự phòng đối với nợ xấu sẽ tăng lên vì dự kiến việc áp dụng Thông tư 36 và toàn bộ Thông tư 02 trong năm nay sẽ làm cho bức tranh nợ xấu rõ ràng hơn, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
Cùng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đạo tạo nhân lực BIDV, năm nay cố gắng lắm lợi nhuận ngân hàng cũng chỉ như năm 2014 do áp dụng hoàn toàn Thông tư 02, Thông tư 36 có hiệu lực nên nợ xấu sẽ tăng lại.
“Mặc dù định hướng của Ngân hàng Nhà nước là giảm nợ xấu xuống 3% nhưng chỉ là trên sổ sách của các ngân hàng, chứ thực tế, nợ xấu vẫn cần phải xử lý”, ông Lực nhấn mạnh.
Ông Hiếu cũng cho rằng, mục tiêu đưa nợ xấu xuống 3% nhưng đó chỉ là trên sổ sách của các ngân hàng chứ không phải là của nền kinh tế. “Nợ xấu của nền kinh tế mới quan trọng. Các ngân hàng có thể giảm nợ xấu bằng cách bán nợ cho VAMC và xử lý trên sổ sách. Nhưng nếu tính cả VAMC thì nợ xấu của nền kinh tế là bao nhiêu? Việc nợ xấu giảm xuống 3% kiểu như vậy nền kinh tế không có lợi, thậm chí còn tác hạn rất lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn”, ông Hiếu bình luận.
Ông Hiếu cũng cảnh báo tình trạng các ngân hàng thường dùng yếu tố kỹ thuật để có tăng trưởng tín dụng tốt trong những tháng cuối năm. Cách làm này vừa cho ngân hàng một con số dư nợ tín dụng tốt, vừa cho một kết quả lợi nhuận khả quan nhưng đó chỉ là con số ảo.
“Ngân hàng làm như vậy để làm gì? Vấn đề quan trọng của ngân hàng là làm thế nào để doanh nghiệp phục hồi để có thể trả nợ cho ngân hàng và tăng nhu cầu vay vốn. Trong khi cách tăng tín dụng giật cục không có tác động tích cực với nền kinh tế và doanh nghiệp”, ông Hiếu phân tích.
Hơn nữa, mặc dù tăng trưởng tín dụng cao có thể làm cho tử số là nợ xấu giảm xuống do mẫu số tăng lên, nhưng có thể nợ xấu vẫn tăng lên và con số tuyệt đối của nợ xấu vẫn tăng lên làm tăng trích lập dự phòng của các ngân hàng. Điều này vẫn ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng.
Một nguyên nhân nữa cũng tác động lớn tới lợi nhuận ngân hàng đó là xu hướng giảm của lãi suất do áp lực cạnh tranh cao. Năm 2015 dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tăng, nhưng vẫn ở mức thấp.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tín dụng có thể nới lên 17%, tuy nhiên, đó là để đảm ứng nhu cầu vốn của sản xuất kinh doanh nhằm bù đắp lại những thiếu hụt do giá dầu giảm, chứ không phải là kích thích các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Với áp lực cạnh tranh, ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất cho vay. “Xu hướng chung của các ngân hàng là giảm lãi suất, do vậy, nếu ngân hàng vẫn để lãi suất cao thì sẽ khó cho vay ra”, Thống đốc nhận định.
Thời gian qua, một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động nhằm tiết giảm chi phí và tạo cơ sở để chuẩn bị cho việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Việc giảm lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng, do tỷ lệ NIM (chênh lệch giữa lãi suất cho vay/ lãi suất huy động) giảm đi.
Hơn nữa, lãi suất cho vay thường giảm nhanh hơn lãi suất huy động do khoản vay mới đã phải áp dụng mức lãi suất mới, nhưng huy động có kỳ hạn thì không thể điều chỉnh được lãi suất. Ngoài ra, hiện nay các ngân hàng thường áp dụng lãi suất thả nổi, tỷ lệ này cũng khá cao trong ngân hàng. Do vậy, khi lãi suất huy động giảm là lãi suất cho vay sẽ điều chỉnh ngay, không kể kỳ hạn vay nào.
Với những khó khăn đó, các ngân hàng không kỳ vọng một gam màu sáng cho lợi nhuận năm 2015.
Theo Bizlife