Kinh tế tăng trưởng tốt hơn dự báo trong quý II có thể là tin vui đối vớiTrung Quốc, nhưng bên cạnh đó có một tin buồn:nợcủa nước này còn tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg, tính đến hết tháng 6, nợ xấu của các công ty và hộ gia đình Trung Quốc đã tăng từ mức 125% của năm 2008 lên con số cao kỷ lục 207% GDP.
Các biện pháp kích thích mà Chính phủ Trung Quốc triển khai (bao gồm hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy tăng trưởng) đang đe dọa sẽ trì hoãn nỗ lực giảm nợ và do đó gây nên mối hiểm nguy cho sự ổn định của hệ thống tài chính. Nợ không thanh toán được (NPL) của quý I lên tới 140 tỷ nhân dân tệ (tương đương 23 tỷ USD), cao kỷ lục trong khi GDP tăng trưởng chậm lại.
“Đây là một vấn đề đáng báo động”, Bo Zhuang, chuyên gia nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Trusted Sources, nhận định. “Chính phủ đang hết sức cố gắng để giảm tốc độ tăng nợ, nhưng các biện pháp dường như không phát huy tác dụng. Tỷ lệ nợ/GDP sẽ tiếp tục tăng lên”.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7% trong quý II, không thay đổi so với quý I và cao hơn mức dự báo 6,8% được đưa ra trước đó. Trong tháng 6, vay nợ của các doanh nghiệp và hộ gia đình tăng 12% so với một năm trước.
Sau khủng hoảng tài chính 2008, Trung Quốc đã vay mượn với tốc độ lớn chưa từng thấy nhằm kích thích kinh tế và giờ đây đang nỗ lực dọn sạch nợ. Theo Ruchir Sharma, người phụ trách các thị trường mới nổi tại quỹ đầu tư của ngân hàng Morgan Stanley, nợ tăng sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Emma Dinsmore – CEO của quỹ R-Squared Macro Management – cho rằng trong ngắn hạn ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc vẫn là ổn định tăng trưởng. Chính phủ có thể kiểm soát tốc độ vỡ nợ và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính vì vay nợ chủ yếu được thực hiện bởi các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, bà nói.
“Những hệ lụy tiêu cực của tỷ lệ nợ quá cao sẽ được phòng tránh chừng nào thị trường vẫn có niềm tin vào sức mạnh can thiệp của Chính phủ”.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg