Những vấn đề “nóng” tại Hội nghị cấp cao G20 Buenos Aires

VietTimes -- Ngày 30.11, Hội nghị cấp cao G20 hay Tập đoàn 20 (tức 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu -EU) sẽ khai mạc tại Buenos Aires, thủ đô Argentina. Một ngày sau, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung sẽ cùng nhau ăn tối và thảo luận những vấn đề trong quan hệ hai nước, trọng tâm là cuộc chiến mậu dịch đang diễn ra suốt 5 tháng nay. 
Hội nghị cấp cao G20 chưa khai mạc nhưng một loạt vấn đề sẽ trở thành điểm nóng tại đây
Hội nghị cấp cao G20 chưa khai mạc nhưng một loạt vấn đề sẽ trở thành điểm nóng tại đây

Ngoài việc cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình liệu có đạt được một hiệp nghị giúp làm dịu quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung, dư luận quốc tế còn quan tâm đến việc liệu Hội nghị G20 có tái diễn tình trạng không ra được tuyên bố chung như Hội nghị cấp cao APEC cách đây không lâu, cũng như liệu Donald Trump có bãi bỏ cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi xảy ra sự kiện xung đột Nga – Ukraina trên eo biển Kerch? Hội nghị chưa họp, nhưng các nhà phân tích thời cuộc đã điểm mặt những vấn đề “nóng” sẽ diễn ra…

Cuộc gặp Donald Trump – Tập Cận Bình liệu có hóa giải được chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Rõ ràng, sự kiện nổi bật nhất tại Hội nghị cấp cao G20 lần này chính là cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tối 1.12, hai người sẽ cùng nhau ăn tối và thảo luận về các vấn đề song phương, trong đó trọng tâm của trọng tâm là giải quyết cuộc chiến mậu dịch đang diễn ra giữa hai nước.

Mục tiêu của chính phủ tổng thống Donald Trump là: Trung Quốc phải đưa ra phương án hành động cụ thể, hủy bỏ biện pháp mậu dịch không công bằng, chấm dứt việc lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, không được cưỡng ép chuyển nhượng công nghệ, từ bỏ chính sách trợ cấp ngành nghề làm méo mó thị trường và dựng lên rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường thêm một bước.

Đối với Trung Quốc, nhiệm vụ hàng đầu của ông Tập Cận Bình là thuyết phục ông Donald Trump tạm ngừng biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc, không tăng mức thuế đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% kể từ ngày 1.1.2019 như đã thông báo. Về vấn đề này, trước khi tới Buenos Aires, hôm 26.11 ông Trump đã nói với The Wall Street Journal: “Mỹ sẽ không khả năng nhượng bộ... Điều duy nhất Mỹ có thể chấp nhận là Trung Quốc phải đồng ý mở cửa với Mỹ, cạnh tranh công bằng với Mỹ”.

Cho đến cuối tháng 9, Mỹ đã đánh thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập của Trung Quốc; Trung Quốc cũng áp dụng biện pháp có tính trả đũa đối với 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ xuất sang Trung Quốc. “Nếu chúng tôi không đạt được một thỏa thuận thì tôi sẽ tiếp tục đánh thuế từ 10 tới 25% đối với 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa” – ông Donald Trump khẳng định.

Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 27.11 bày tỏ: hiện nay trả lời của Trung Quốc đối với yêu cầu mà Tổng thống Donald Trump nêu ra chưa khiến người ta hài lòng. Nhưng cuộc gặp Donald Trump – Tập Cận Bình tạo ra một cơ hội để phá vỡ cục diện bế tắc về mậu dịch giữa hai nước.

Ngoài ra, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cũng đưa tin, Cố vấn mậu dịch Nhà Trắng Peter Navarro – một người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc – sẽ không tháp tùng Donald Trump tới G20. Nhưng tờ The New York Times hôm 27.11 lại khẳng định, Đại diện thương mại Mỹ Robert E. Lighthizer đã ủy quyền cho ông Navarro tháp tùng Donald Trump. Điều này có nghĩa là trong cuộc gặp gỡ giữa 2 ông Donald Trump – Tập Cận Bình, ông Donald Trump vẫn có thể duy trì thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc. Có điều, bản tin của The New York Times đã dẫn lời một số quan chức Mỹ nói, ông Donald Trump vẫn có khả năng đạt được một hiệp nghị với Trung Quốc tại cuộc gặp gỡ này, tạm đình chỉ biện pháp thuế quan đối với Trung Quốc.

Cuộc gặp giữa 2 ông Donald Trump - Tập Cận Bình ngày 1.12 liệu có hóa giải được cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung trở thành một tiêu điểm được dư luận quốc tế quan tâm.
Cuộc gặp giữa 2 ông Donald Trump - Tập Cận Bình ngày 1.12 liệu có hóa giải được cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung trở thành một tiêu điểm được dư luận quốc tế quan tâm.

26 năm trước, Trung Quốc từng cam kết với Mỹ không xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của người Mỹ để đổi lấy việc Mỹ bãi bỏ biện pháp thuế quan. Nhưng chỉ ít lâu sau các công ty Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc vẫn hành động như cũ, tiếp tục lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại. Vì vậy, lần này các quan chức chính phủ Donald Trump sẽ rút ra bài học, thận trọng hơn trong đàm phán với Trung Quốc để không phạm phải sai lầm như trước đây nữa.

Liệu có đưa ra được Tuyên bố chung của Hội nghị G20?

Quan chức các quốc gia thành viên G20 từ hôm 26.11 đã bắt đầu họp ở Buenos Aires để tập trung thảo luận về nội dung của bản Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo. Hãng Reuters cho biết, nhiều quan chức các quốc gia tiết lộ, quá trình khởi thảo văn bản tiến triển rất chậm, bất đồng chủ yếu giữa các bên là cách sử dụng từ ngữ về vấn đề mậu dịch và biến đổi khí hậu.

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 là phương châm chính sách của các nước thành viên về nhiều vấn đề có tính toàn cầu, là một bản hiệp nghị không mang tính gò bó, dự kiến được công bố khi bế mạc hội nghị. Ông Pedro Villagra Delgado, người chủ trì Hội nghị cấp cao G20 hôm 27.11 nói với Reuters: “Chúng tôi đang tiến hành hiệp thương toàn diện với các đại biểu khác. Khi nào văn bản tuyên bố chung được các nhà lãnh đạo phê chuẩn thì mới chắc chắn”.

Quan chức thuộc một quốc gia Mỹ Latin giấu tên cho biết, dự kiến đến ngày 29.11 mới có được văn bản dự thảo. Một số đại biểu tiết lộ, nội dung Tuyên bố chung G20 năm nay khá ôn hòa “để đảm bảo có được sự đồng ý của ông Donald Trump”.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 27.11 cho biết, hiện vẫn chưa biết có Tuyên bố chung hay không và nói thêm: “Nếu không có thì cũng chẳng có gì đáng buồn”.

Chính sách mậu dịch với Trung Quốc của ông Donald Trump ngày càng có thêm nhiều đồng minh ủng hộ.
Chính sách mậu dịch với Trung Quốc của ông Donald Trump ngày càng có thêm nhiều đồng minh ủng hộ.

Có thêm nhiều đồng minh ủng hộ chính sách mậu dịch với Trung Quốc của Donald Trump

Ông Larry Kudlow hôm 27.11 nói với các nhà báo: “Các quốc gia khác trên thế giới đều đồng tình với quan điểm về Trung Quốc của chúng tôi”. Ông cho biết, gần đây Mỹ cùng EU và Nhật Bản đã đạt được hiệp nghị tiến hành hợp tác về vấn đề mậu dịch với Trung Quốc.

Ông Eswar Prasad - Chuyên gia về kinh tế và mậu dịch với Trung Quốc của Đại học Cornell, nói với hãng Bloomberg: “Động thái quốc tế gần đây xuất hiện sự biến chuyển vi diệu và không ngờ tới: ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ chính sách mậu dịch đối với Trung Quốc của ông Donald Trump”. Ông Prasad nói, sự chuyển biến này thể hiện rất rõ tại Hội nghị cấp cao APEC diễn ra cách đây không lâu tại Papua New Guinea. Tại diễn đàn này, Trung Quốc bị cô lập về vấn đề mậu dịch hơn Mỹ nhiều. Vì sự phản đối của Trung Quốc (trong khi 20 thành viêc APEC khác đều đồng ý) mà Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo APEC không thể công bố được.

Các quan chức Mỹ cho biết, tranh cãi chủ yếu là Trung Quốc không đồng ý với câu “Chúng tôi đồng ý chống lại chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm mọi hành vi mậu dịch không công bằng” trong bản dự thảo. Đại biểu Trung Quốc cho rằng câu này có ý nhằm vào hành vi mậu dịch của họ.

Tại cuộc thảo luận về mậu dịch ở Hội nghị cấp cao G20 sắp tới, liệu có tái diễn việc Trung Quốc bị cô lập như ở Hội nghị cấp cao APEC, dẫn đến việc khó có được bản Tuyên bố chung hay không, đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman tới Buenos Aires tham dự Hội nghị cấp cao G20 sau vụ việc nhà báo Khashoggi bị sát hại cũng trở thành vấn đề được dư luận quan tâm.
Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman tới Buenos Aires tham dự Hội nghị cấp cao G20 sau vụ việc nhà báo Khashoggi bị sát hại cũng trở thành vấn đề được dư luận quan tâm.

Thái tử Ả rập Xê-út lần đầu lộ diện sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại

Thái tử của Ả rập Xê-út, ông Mohammed bin Salman sẽ tới Buenos Aires tham dự Hội nghị cấp cao G20. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện tại một vũ đài quốc tế kể từ sau khi vụ việc nhà báo người Ả rập Saudi Khashoggi bị sát hại trong lãnh sự quán nước ông tại Thổ Nhĩ Kỳ, gây chấn động thế giới hồi tháng trước.

Điều này có nghĩa là các nhà lãnh đạo các quốc gia và đại biểu các tổ chức quốc tế nổi tiếng đều có khả năng tiếp xúc với vị Thái tử Ả rập Xê-út được cho là chịu trách nhiệm chính trong cái chết của nhà báo Khashoggi. Sự giao lưu giữa họ diễn ra như thế nào và liệu ông Mohammed bin Salman có phục hồi được thanh danh của mình hay không cũng là tiêu điểm quan tâm của giới truyền thông.

Xung đột quân sự Nga – Ukraine ở eo biển Kerch và việc Donald Trump liệu có hủy bỏ cuộc gặp với Vladimir Putin?

Ngày 25.11, 3 tàu hải quân Ukraine bị Nga tiến công và bắt giữ. Phía Nga tuyên bố, các tàu chiến của Ukraine xâm phạm lãnh hải Nga, không đáp lại yêu cầu dừng lại của Nga, hành động này đã vi phạm luật quốc tế. Vì xảy ra sự kiện này, ngày 26.11, Ukraine đã tuyên bố thực thi lệnh giới nghiêm 30 ngày.

Sự kiện Nga vây bắt 3 tàu Ukraine trên eo biển Kerch khiến ông Donald Trump bỏ ngỏ khả năng diễn ra cuộc gặp gỡ với Tổng thống Vladimir Putin.
Sự kiện Nga vây bắt 3 tàu Ukraine trên eo biển Kerch khiến ông Donald Trump bỏ ngỏ khả năng diễn ra cuộc gặp gỡ với Tổng thống Vladimir Putin.

Sự kiện này gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước và sự chỉ trích của một số nước đối với Nga, thậm chí các nước còn thảo luận việc tiến hành trừng phạt Nga. Mỹ lập tức kêu gọi các quốc gia châu Âu gia tăng sự trừng phạt đối với Nga. Hôm 27.11, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, ông đang xem xét việc hủy bỏ cuộc hội đàm với Tổng thống Putin tại Hội nghị cấp cao G20. Việc này sẽ được quyết định bởi kết quả điều tra sự kiện này như thế nào.

Các nước liệu có thuyết phục được ông Donald Trump tạm hoãn đánh thuế xe hơi?

Tạp chí Đức Wirtschaftswoche (Tuần san kinh tế) dẫn lời các nhân sĩ châu Âu nói, báo cáo điều tra về an ninh quốc gia đối với xe hơi nhập khẩu của Bộ Thương mại Mỹ đã được đặt lên bàn làm việc của ông Donald Trump: “Ông Trump có khả năng quyết định tăng thuế đối với xe hơi nhập khẩu vào tuần sau, tức là sau khi bế mạc Hội nghị cấp cao G20”.

Nếu ông Donald Trump quyết định thực thi đánh thuế an ninh quốc gia đối với xe hơi nhập khẩu sẽ gây nên mối đe dọa đối với ngành chế tạo xe hơi của Nhật và các nước châu Âu. Dự kiến các nhà lãnh đạo châu Âu và Nhật sẽ lợi dụng cơ hội tham dự Hội nghị G20 để thuyết phục ông Trump tạm hoãn hoặc không áp dụng đánh thuế an ninh quốc gia đối với xe hơi.

Trước đó, Nhà Trắng đã từng bày tỏ cuộc đối thoại giữa Mỹ với EU và Nhật đạt được tiến triển có tính xây dựng, Mỹ sẽ không tăng thuế đánh vào hàng hóa của EU và Nhật nữa.

Việc Mỹ có thực hiện cam kết bãi bỏ thuế an ninh quốc gia đối với thép và nhôm của Canada và Mexico theo Hiệp định mậu dịch tự do USMCA hay không được cả hai nước này lẫn EU và Nhật quan tâm.
Việc Mỹ có thực hiện cam kết bãi bỏ thuế an ninh quốc gia đối với thép và nhôm của Canada và Mexico theo Hiệp định mậu dịch tự do USMCA hay không được cả hai nước này lẫn EU và Nhật quan tâm.

Mỹ liệu có đồng ý bãi bỏ đánh thuế thép và nhôm đối với Canada và Mexico?

Mỹ, Canada và Mexico sẽ chính thức ký kết tại Hội nghị cấp cao G20 bản Hiệp định mậu dịch tự do mới (USMCA) mà họ đạt được thỏa thuận hồi cuối tháng 9 vừa qua để thay thế cho Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) hiện hành. Có điều, sau khi ký USMCA, cả Canada lẫn Mexico đều rất bất bình về việc Mỹ trì hoãn mãi không chịu hủy bỏ thuế an ninh quốc gia đối với thép và nhôm nhập khẩu từ 2 nước này.

Mỹ sẽ đàm phán về hiệp định mậu dịch tự do với EU và Nhật, cả các nước thành viên EU lẫn Nhật đều cũng bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ đánh thuế an ninh quốc gia đối với thép và nhôm nên các quốc gia này rất quan tâm đến việc ông Trump có tuyên bố hủy bỏ loại thuế này đối với Canada và Mexico hay không.Nếu ông Trump quyết định tuyên bố hủy bỏ thì nghị trình về mậu dịch của ông sẽ nhận được sự ủng hộ của thêm nhiều đồng minh nữa.