Những vấn đề lớn sau đề xuất lập ‘siêu Ủy ban’

Đại diện cơ quan soạn thảo khẳng định “hoàn toàn không chỉ chuyển một cách cơ học chức năng chủ sở hữu từ các Bộ sang Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng việc tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước sẽ chống được các xung đột lợi ích
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng việc tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước sẽ chống được các xung đột lợi ích

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Nghị định về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Theo dự thảo, Chính phủ sẽ thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban này dự kiến sẽ trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và vốn nhà nước tại 9 tập đoàn, 21 tổng công ty lớn với khối tài sản rất lớn. Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – đơn vị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao trực tiếp soạn thảo Nghị định, cho biết Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo một cuộc cải cách trong quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước.

Chống xung đột lợi ích

Theo TS Nguyễn Đình Cung, lâu nay có tình trạng một bộ vừa ban hành chính sách lại vừa có chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành đó. Điều này gây ra những xung đột thị trường và lợi ích, khiến các chính sách thiên về hướng có tính ưu tiên, ưu đãi cho ngành, khiến thị trường méo mó, bất bình đẳng, phân bố nguồn lực không theo tín hiệu thị trường, dẫn tới sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, nền kinh tế phát triển dưới tiềm năng.

Thứ hai, việc một bộ thực hiện nhiều chức năng sẽ không chuyên trách, chuyên nghiệp để thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước. Và vì không chuyên trách, nên khi vấn đề xảy ra thì không một ai đứng ra chịu trách nhiệm cuối cùng về kết quả, hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước nói chung và hiệu quả kinh doanh của các DNNN nói riêng.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ rõ chủ trương tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.

Do đó, “phải khẳng định đây là một xu hướng, một yêu cầu cải cách để nền kinh tế Việt Nam chuyển mạnh, nhất quán sang nền kinh tế thị trường đầy đủ, làm cho nền kinh tế thị trường hơn, cạnh tranh hơn”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Vị Viện trưởng khẳng định nếu không thực hiện chủ trương này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ cải cách kinh tế của Việt Nam. Vì khối lượng tài sản Nhà nước trong nền kinh tế đang rất lớn, chiếm vai trò chi phối và Nhà nước đang can thiệp rất mạnh vào phân bố nguồn lực này. Với khối tài sản lớn như vậy, chỉ cần nâng lên 1% hiệu quả sử dụng sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế đạt con số 7% hoặc hơn thế, đây là điều hoàn toàn có thể đạt được trong tầm tay.  

Một điểm rất quan trọng là dự thảo Nghị định chỉ rõ, Ủy ban này không có chức năng ban hành chính sách. “Hoàn toàn không chỉ chuyển một cách cơ học chức năng chủ sở hữu từ các Bộ sang Ủy ban, mà đây sẽ là một cuộc cải cách. Tách được chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước, tức là xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi””, ông Cung bày tỏ kỳ vọng.

Sẽ có nhiều tranh cãi, phản ứng

Với những mục tiêu và định hướng như trên, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là các bộ sẽ phản ứng như thế nào? Việc thành lập cơ quan chuyên trách là việc phải làm, nhưng không vì thế mà nó nhận được sự đồng thuận lớn trong xã hội, đặc biệt là các bộ.

“Bởi vì cải cách này không chỉ là thay đổi cách thức phân bố nguồn lực, mà là thay đổi phân bố quyền lực. Các bộ không còn chức năng chủ sở hữu Nhà nước, nghĩa là mất thẩm quyền, tương ứng với nó là mất quyền lợi liên quan. Tôi nghĩ họ phản đối cũng là điều dễ hiểu trong trường hợp này”, TS Nguyễn Đình Cung thẳng thắn.

Một vấn đề khác là mô hình cụ thể và cách thức vận hành của Ủy ban. Ông Nguyễn Đình Cung thừa nhận điểm có thể gây tranh cãi nhiều nhất là địa vị pháp lý của Ủy ban này: Là cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan ngang bộ hay cơ quan quản lý Nhà nước? Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, nhưng theo ông, Ủy ban này phải thiên về chức năng đầu tư, không phải cơ quan quản lý và làm việc theo kiểu Nhà nước.

Để tìm ra mô hình phù hợp nhất, theo TS Nguyễn Đình Cung, cần xác định 3 mảng vấn đề. Một là, nếu đưa SCIC về đây thì đơn vị sẽ đầu tư tài chính. Mảng thứ 2 rất quan trọng là mảng quản trị, quản lý, theo dõi, đánh giá thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước, phân bố sử dụng tài sản ở các tập đoàn, tổng công ty để những doanh nghiệp này thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường và nâng cao hiệu quả nguồn vốn. Thứ 3, cơ cấu lại danh mục tài sản đầu tư của Nhà nước và thực hiện đầu tư của Nhà nước vào những ngành, những nghề có tính chất chiến lược mà lâu nay do chúng ta chưa làm và khu vực tư nhân chưa làm được.

Thừa nhận có những khó khăn khi thiết kế cơ quan này sao cho phù hợp nhất với bối cảnh và nhu cầu của Việt Nam, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, những người soạn thảo, hoạch định chính sách cũng rất cần các ý kiến của các chuyên gia hiểu biết sâu sắc về quản trị công, về đầu tư vốn, thiết kế bộ máy quản lý Nhà nước… Từ đó, thực hiện cải cách thành công, mở ra một không gian mới cho phát triển nền kinh tế.

Cuối cùng, vị Viện trưởng cho biết, ngay cả khi Ủy ban được thành lập thì đây cũng không phải là giải pháp cho toàn bộ những vấn đề của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Một giải pháp rất quan trọng khác là phải đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp này, tạo không gian cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.

Bản thân Ủy ban này cũng cần được giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Về nội bộ, phải đặt ra được mục tiêu rõ ràng với các chỉ tiêu cụ thể để đo lường. Muốn làm được như vậy thì phải thiết lập cơ chế công khai hóa các hệ thống thông tin đầy đủ về cơ cấu, giá trị tài sản, kết quả kinh doanh, việc công khai này phải thường xuyên và liên tục. Còn giám sát bên ngoài là giám sát của thị trường, chuyên gia, báo chí, đánh giá từ các tổ chức nước ngoài một cách liên tục và theo các chuẩn mực.