Những vấn đề đáng quan tâm nhất của tình hình thế giới trong năm 2017

VietTimes -- Những vấn đề này bao gồm việc thi hành chính sách của Donald Trump, quan hệ Nga-châu Âu, Brexit, tổ chức khủng bố IS, sự nổi lên của thế lực cực hữu châu Âu, sự biến đổi của kinh tế thế giới và trí tuệ nhân tạo.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Tân Hoa xã
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Tân Hoa xã

Năm 2016, tình hình thế giới biến động phức tạp, cục diện quốc tế tăng tốc điều chỉnh. Nhiều sự kiện lớn liên tiếp xảy ra như Anh tổ chức trưng cầu dân ý về việc rời khỏi châu Âu (Brexit) ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, châu Âu xảy ra nhiều vụ khủng bố, Tổng thống Brazil và Hàn Quốc bị luận tội...

Triển vọng năm 2017, tình hình thế giới vẫn có rất nhiều lo ngại.

Donald Trump thi hành chính sách như thế nào?

Ngày 20 tháng 1 năm 2017, ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Sau khi lên làm ông chủ Nhà Trắng, ông sẽ thúc đẩy thực hiện chính sách đối nội, đối ngoại như thế nào không những có liên quan đến tiền đồ của nước Mỹ, mà còn gây ảnh hưởng quan trọng đến chính trị, kinh tế và an ninh thế giới.

Trong thời gian tranh cử và sau khi đắc cử, ông Donald Trump đã từng đưa ra rất nhiều phát biểu gây tranh cãi, nhưng sau khi lên nắm quyền phải chăng ông sẽ thực hiện hay không và thực hiện như thế nào thì còn chưa rõ.

Nhìn vào xu hướng chính sách mà ông đã tiết lộ, về đối nội, ông Donald Trump đặc biệt nhấn mạnh đến chấn hưng kinh tế Mỹ. Trong vấn đề thương mại, ông cũng đã thể hiện lập trường chủ nghĩa bảo hộ rõ ràng, cam kết đưa cơ hội việc làm ngành chế tạo "chảy ra nước ngoài" về lại với nước Mỹ. Ông cũng chuẩn bị thực hiện kế hoạch đầu tư hạ tầng cơ sở và giảm thuế quy mô lớn.

Ngoài ra, kế hoạch của ông Donald Trump còn bao gồm sửa đổi Luật cải cách y tế của Tổng thống Barack Obama, nới lỏng giám sát, quản lý đối với các tổ chức tài chính và xây dựng chính sách an ninh lãnh thổ toàn diện, tăng cường quản lý, kiểm soát biên giới, điều tra tình hình lạm dụng chính sách visa.

Về ngoại giao, tư tưởng cốt lõi do ông Donald Trump đề xuất là "nước Mỹ số 1", tức là đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu. Chuyên gia cho rằng, ông Donald Trump rất có khả năng mở rộng chủ nghĩa bá quyền truyền thống, đồng thời áp dụng các biện pháp ngoại giao linh hoạt nhưng thiết thực để duy trì vị thế bá quyền của nước Mỹ.

Đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông Donald Trump có thể sẽ phát huy đầy đủ hơn "tính chủ động" của Nhật Bản và Hàn Quốc. Đối với châu Âu, ông Donald Trump có thể sẽ làm cho họ "tự chủ" hơn trong việc xử lý các vấn đề kinh tế và an ninh của mình.

Trong vấn đề Trung Đông và khủng hoảng Ukraine, sự đối lập giữa Mỹ và Nga có thể xuất hiện hòa dịu. Nhưng, về lâu dài, xung đột chiến lược giữa hai bên khó có thể được loại trừ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Newsweek
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Newsweek

"Cuộc chiến trừng phạt" giữa Nga và châu Âu sẽ kết thúc?

Do vấn đề Crimea, từ năm 2014, Liên minh châu Âu (EU) tiến hành trừng phạt kinh tế đối với Nga và nhiều lần kéo dài thời hạn. Trong khi đó, Nga cũng đã áp dụng các biện pháp đáp trả đối với EU. Hội đồng Liên minh châu Âu ngày 19 tháng 12 năm 2016 tuyên bố, EU quyết định tiếp tục kéo dài trừng phạt đối với Nga đến cuối tháng 7 năm 2017.

Trừng phạt giống như một "con dao hai lưỡi", vừa gây thiệt hại cho Nga, vừa khiến cho bản thân EU cũng bị tổn thất to lớn.

Do hiệu ứng chính trị của trừng phạt hoàn toàn không rõ ràng, một số nước EU đã yêu cầu chấm dứt trừng phạt đối với Nga. Họ nhận thức được rằng trừng phạt kinh tế không thể làm cho Nga "phục tùng", trong khi đó, EU cấp bách cần đến sự ủng hộ và hợp tác của Nga trong các vấn đề như chống khủng bố, khủng hoảng người tị nạn, năng lượng.

Nhà nghiên cứu John Lowe thuộc chương trình Nga và Âu - Á, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Hoàng gia Anh cho rằng trừng phạt không nên trở thành thứ thay thế chiến lược của EU đối với Nga.

Đồng thời, nhân tố Donald Trump cũng sẽ ảnh hưởng đến phương hướng quan hệ châu Âu - Nga.
Tuy nhiên, châu Âu và Nga tồn tại bất đồng rõ rệt trên các phương diện như quan niệm giá trị, hai bên thiếu lòng tin vào nhau.

Mặc dù EU cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga do cân nhắc tới lợi ích kinh tế, đối đầu địa - chính trị giữa hai bên cũng sẽ không chấm dứt.

Tổ chức cực đoan IS sẽ tan rã?

Dưới sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, năm 2016, tổ chức cực đoan tàn phá hơn 2 năm qua - "Nhà nước Hồi giáo" (IS) đã bị tấn công chưa từng có. Mặc dù tổ chức này vẫn đang tận dụng các khu vực hiểm yếu để đối phó như ở Iraq và Syria, nhưng đã cơ bản mất đi sức mạnh "đánh chiếm thành trì, đoạt lấy đất đai". Song, thế giới muốn thoát khỏi hoàn toàn ảnh hưởng tàn dư của chúng là một chuyện hoàn toàn không dễ dàng.

Chuyên gia Dirar Ahmed cho rằng mảnh đất nảy sinh và phát triển của IS là đối đầu nước lớn và bất ổn khu vực. Mặc dù đã bị "trọng thương", nhưng nếu các khu vực như Iraq và Syria tiếp tục bất ổn thì tổ chức này vẫn có thể tìm được không gian sinh tồn.

Hơn nữa, hoạt động của IS không chỉ giới hạn ở hai nước Iraq và Syria. Năm 2016, tổ chức này đã gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở các nước như Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Afghanistan, Mỹ, Bangladesh. Điều này cho thấy chúng vẫn có khả năng phản công.

Trong tương lai, IS rất có khả năng chuyển "từ sáng sang tối", tiến hành các vụ khủng bố ở các nơi trên thế giới theo thời thế, độ khó trong phòng ngừa và tấn công đối với chúng sẽ tăng mạnh.

Bà Theresa May, Thủ tướng Anh (ảnh tư liệu)
Bà Theresa May, Thủ tướng Anh (ảnh tư liệu)

Tiến trình Brexit của Anh

Trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào tháng 6/2016, 52% người bỏ phiếu ở Anh chọn rời khỏi Liên minh châu Âu. Kết quả này gây chấn động thế giới, cũng làm chia rẽ nước Anh thành hai phe "rời châu Âu" và "ở lại châu Âu".

Trên thực tế, một trong những nguyên nhân chính Anh lựa chọn "rời châu Âu" (Brexit) là muốn lấy lại quyền tự chủ trong các vấn đề như trao đổi nhân viên, hạn chế có hiệu quả hơn dân nhập cư và bảo vệ việc làm của người Anh. Nhưng, mặt khác, Anh cũng muốn ở lại thị trường chung châu Âu để tiếp tục hưởng lợi về kinh tế. Cách làm "kén cá chọn canh" này đương nhiên bị EU phản đối.

Trong khi đó, nhận thức trong nội bộ nước Anh cũng ở trong tình trạng không thống nhất kéo dài, có sự bất đồng về phương thức "rời châu Âu" như "rời châu Âu mềm" và "rời châu Âu cứng"; có sự tranh cãi giữa chính phủ và quốc hội về quyền chủ đạo "rời châu Âu".

Thậm chí trong vấn đề căn bản "phải chăng muốn rời châu Âu", nội bộ Anh luôn có những tiếng nói yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai và do quốc hội bỏ phiếu quyết định. Cựu quan chức ngoại giao Anh John Kerr cho rằng, Anh mặc dù quyết định khởi động tiến trình "rời châu Âu", nhưng vẫn có khả năng "thay đổi ý kiến".

Nhìn một cách biện chứng, Anh "rời châu Âu" có lẽ cũng sẽ làm thay đổi EU. Phùng Trọng Bình, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc cho rằng sau khi Anh rời đi, châu Âu sẽ xuất hiện những tiếng nói yêu cầu cứu vãn và cải cách EU.

Trong tương lai, châu Âu có khả năng chú trọng hơn đến chất lượng trên con đường nhất thể hóa, chứ không phải mở rộng mù quáng như trước đây.

Thế lực cực hữu ngóc nổi lên ở châu Âu?

Những năm gần đây, chủ nghĩa dân túy ngóc đầu dậy ở châu Âu, các chính đảng cực hữu vào Quốc hội ở không ít quốc gia, thậm chí đảng cầm quyền ở một số nước đều mang màu sắc chủ nghĩa dân túy.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Áo ngày 4 tháng 12 năm 2016, ứng cử viên của Đảng Tự do - một chính đảng cực hữu mặc dù cuối cùng thất bại, nhưng đã giành được trên 46% phiếu bầu, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với châu Âu.

Năm 2017, Hà Lan, Pháp, Đức lại chào đón bầu cử, phe cực hữu sẽ phát động tấn công đối với chính quyền trong những cuộc bầu cử này.

Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) Pháp. Ảnh: Daily Express
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) Pháp. Ảnh: Daily Express

Ở Hà Lan, Đảng Tự do, một chính đảng cực hữu chủ trương bài ngoại giành được ngày càng nhiều sự ủng hộ do vấn đề phạm tội của dân nhập cư từ năm 2015. Từng có các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đảng này có thể đảng lớn đầu tiên của hạ viện trong cuộc bầu cử Quốc hội, giành được quyền chủ động thành lập nội các.

Tân Tổng thống Pháp dự tính sẽ diễn ra sự cạnh tranh giữa ứng cử viên phe trung hữu Francois Fillon và nhà lãnh đạo phe cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen. Do Mặt trận Quốc gia đều có thành tích không tồi trong vài cuộc bầu cử trước đây, vì vậy khả năng Marine Le Pen lên nắm quyền tuy nhỏ nhưng cũng không thể loại trừ; trong khi đó, số ghế của Mặt trận Quốc gia trong Quốc hội cũng sẽ tăng lớn.

Ở Đức, Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel đã cho biết sẽ tìm cách tái cử, nhưng bị ảnh hưởng bởi vấn đề người tị nạn, tỷ lệ ủng hộ đối với bà đã không bằng thời kỳ đỉnh cao.

Liên minh dân chủ Cơ đốc giao do bà Angela Merkel lãnh đạo đã thảm bại trong cuộc bầu cử nghị viện ở nhiều địa phương trong năm 2016, trong khi đó đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức - một chính đảng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu phản đối chính sách người tị nạn của chính phủ lại ngóc đầu dậy, dự tính sẽ trỗi dậy đáng ngạc nhiên trong cuộc bầu cử năm 2017.

Một giáo sư sử học Đại học Mainz, Đức cho rằng cuộc khủng hoảng người tị nạn và mối đe dọa khủng bố trở thành chất xúc tác cho sự trỗi dậy của thế lực cực hữu châu Âu. Trong khi đó, nguyên nhắc căn bản ở phía sau lại là sự bất mãn và thất vọng của cử tri đối với việc chính phủ không thể cứu vãn kinh tế.

Phương hướng kinh tế thế giới thay đổi?

Hiện nay, mặc dù gặp phải rất nhiều vấn đề như những khó khăn của thương mại và đầu tư quốc tế, chủ nghĩa bảo hộ ngóc đầu dậy, nhưng kinh tế thế giới đang được điều chỉnh sâu sắc và có dấu hiệu phục hồi.

Báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" do Tổ chức quỹ tiến tệ quốc tế (IMF) công bố vào đầu tháng 10/2016 dự đoán, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 và năm 2017 sẽ lần lượt là 3,1% và 3,4%.

Cho dù dự đoán tổng thể là theo hướng tốt, nhưng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2017 vẫn đối mặt với rất nhiều nhân tố không xác định, bao gồm Cực Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, chính quyền mới Mỹ do ông Donald Trump đứng đầu và sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa dân túy châu Âu.

Deutsche Bank dự tính, nếu ông Donald Trump thực hiện cam kết giảm thuế, các doanh nghiệp Mỹ sẽ mang về khoảng 1.000 tỷ USD lợi ích từ nước ngoài, điều này có thể bơm một liều thuốc kích thích cho thị trường chứng khoán Mỹ.

Nhưng cũng có nhà đầu tư cho rằng, hiện nay chỉ số cố phiếu lớn thứ ba của thị trường chứng khoán New York đã ở mức cao trong lịch sử, năm 2017 có khả năng quay lại.

Ảnh hưởng của biến động giá dầu đối với kinh tế thế giới cũng đáng quan ngại. Cuối tháng 11/2016, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận giảm sản lượng lần đầu tiên trong 8 năm qua. Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, nếu OPEC giảm sản lượng, giá dầu có khả năng tăng lên 55 - 70 USD/thùng.

Ngoài ra, một số nhân tố khác cũng có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, chẳng hạn rủi ro địa-chính trị có thể làm cho tiến trình phục hồi kinh tế thế giới trở nên phức tạp, trong khi đó những đột phá về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (VR), mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) hoặc ứng dụng thương mại quy mô lớn có khả năng đóng vai trò thúc đẩy rõ rệt đối với kinh tế.
Điều đáng chú ý là, trong sự bất ổn của kinh tế thế giới, biểu hiện của kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định, lành mạnh.

3 quý đầu năm 2016, GDP của Trung Quốc tăng 6,7% so với cùng kỳ, tiếp tục dẫn đầu trong các nền kinh tế chủ yếu của thế giới. Trung Quốc vẫn là động lực và nhân tố ổn định của kinh tế thế giới.

Trí tuệ nhân tạo có đột phá mới?

Năm 2016, Công ty DeepMind phát triển "cờ vây Alpha" tuyên bố sẽ hợp tác với Công ty Blizzard Entertainment, một công ty trò chơi, huấn luyện ra người máy thông minh ngang so với người chơi trong trò chơi chiến lược thời gian StarCraft 2. Lần này, người máy thông minh sẽ lấy nhận dạng thị giác làm cơ sở để đưa ra quyết định.

Chuyên gia dự tính, năm 2017, trí tuệ nhân tạo sẽ được "nhân cách hóa" rất nhanh. Cùng với sự phát triển của công nghệ nhân dạng ngôn ngữ và hình ảnh, người giúp việc trí tuệ nhân tạo sẽ không chỉ có thể tiếp tục giúp cho khách hàng tăng hiệu suất thao tác điện thoại di động và máy tính, giải quyết các vấn đề phức tạp hơn, mà sẽ còn tiến thêm một bước trong vấn đề hiểu được ngôn ngữ tự nhiên của con người, làm cho khách hàng cảm thấy nó chính là một "người bạn" có vui, buồn, yêu, ghét, có thể tán gẫu.

Ngoài ra, sự kết hợp giữa IoT và trí tuệ nhân tạo sẽ làm cho nhiều "vật thông minh" (smart objects) hơn bước vào đời sống của con người và mở ra thị trường tiêu thụ lớn hơn.

Trên phương diện nghiên cứu phát triển thuốc và dự đoán, chẩn đoán và chữa trị bệnh tật, người máy thông minh cũng có thị trường. Công ty DeepMind đã có được giấy phép, tiếp cận số liệu của khoảng 1.600 bệnh nhân trong hệ thống sức khỏe người dân Anh.

Công ty này có kế hoạch sử dụng người máy thông minh để phán đoán rủi ro xấu đi của bệnh tình để tiến hành can thiệp tốt hơn.

Siêu máy tính Watson của Công ty IBM cũng đã được dùng cho xác định phương án chữa trị bệnh ung thư cho cá nhân. Watson hiện đã thu thập được 600.000 báo cáo điều trị và 1,5 triệu ca bệnh cùng những tài liệu thử nghiệm lâm sàng. Nó sẽ giúp cho bác sĩ đưa ra phương án chữa trị tốt hơn đối với bệnh nhân ung thư.

Trong lĩnh vực ô tô điều khiển tự động, người máy và máy bay không người lái, sự đột phá của trí tuệ nhân tạo cũng được trông đợi. Ô tô không người lái, ô tô bán tự động đã trở thành những chương trình nghiên cứu trọng điểm của một số doanh nghiệp quốc tế.

Chuyên gia cho rằng, công nghệ không người điều khiển sẽ đạt được đột phá lớn hơn trong năm 2017, nhưng những lo ngại về độ an toàn và đạo đức cũng ngày càng nổi lên, các quy định pháp luật trong quản lý, kiểm soát tương ứng còn chờ hoàn thiện.