Những thương vụ M&A nổi bật của doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thông qua M&A, các doanh nghiệp Thái Lan đã vượt mặt nhiều nước trên thế giới để giành thế thống trị ở các lĩnh vực bán lẻ, nước giải khát, bao bì, chăn nuôi và năng lượng tại thị trường Việt Nam.

Như VietTimes từng đề cập, Central Retail Corporation (CRC) mới đây đã công bố khoản đầu tư 50 tỉ bath (1,45 tỉ USD) trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2027 để tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.

Giám đốc điều hành CRC Yol Phokasub cho biết, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục. Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Central Retail Việt Nam (thành viên của CRC) cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Không chỉ có Central Retail, nhiều tập đoàn của Thái Lan cũng đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam.

Năm 2022, truyền thông trong nước dẫn lời ông Saravoot Yoovidhya – CEO Tập đoàn TCP (chủ sở hữu các thương hiệu Red Bull và Warrior) - cho biết Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của TCP trong kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh khắp thế giới.

“Chúng tôi có kế hoạch đầu tư ít nhất 340 triệu USD vào nhiều quốc gia trong ba năm. Việt Nam là một trong những lựa chọn đầu tư hàng đầu của chúng tôi", ông Saravoot Yoovidhya nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), trong năm 2021, các doanh nghiệp Thái Lan đã thực hiện 34 dự án mới tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 349,7 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 20/12/2022, Thái Lan là nước xếp thứ 9/141 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á đầu tư vào Việt Nam với 677 dự án, có tổng vốn đầu tư đăng ký là 13,09 tỉ USD.

Các doanh nghiệp Thái Lan đã ghi đậm dấu ấn trên thị trường Việt Nam với các thương vụ M&A đình đám trong các lĩnh vực bán lẻ, nước giải khát, bao bì, chăn nuôi và năng lượng.

Central Group

Central Group từng xác định Việt Nam là thị trường bán lẻ trọng tâm lớn thứ hai của tập đoàn, sau Thái Lan.

Tập đoàn này để lại dấu ấn trên thị trường Việt Nam với việc thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim, mua lại chuỗi siêu thị Lan Chi, thâu tóm chuỗi siêu thị Big C (nay đổi tên thành: GO!).

Hai chuỗi siêu thị lớn nhất là Big C và MM Mega Market thuộc sở hữu của doanh nghiệp Thái Lan

Hai chuỗi siêu thị lớn nhất là Big C và MM Mega Market thuộc sở hữu của doanh nghiệp Thái Lan

TCC

TCC của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cũng sở hữu hàng loạt khoản đầu tư đáng chú ý trên thị trường bất động sản và bán lẻ Việt Nam.

Năm 2015, Berli Jucker - đơn vị thành viên của TCC - đã mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro (Đức) với giá gần 900 triệu USD. Chuỗi bán lẻ này đã đổi tên thành MM Mega Market.

Thông qua Fraser & Neave (F&N), TTC cũng gián tiếp sở hữu 17,69% cổ phần của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM).

Sabeco - 'Viên ngọc quý' của ThaiBev

Sabeco - 'Viên ngọc quý' của ThaiBev

Bên cạnh đó, ThaiBev, thành viên trong hệ sinh thái của tỷ phú Charoen, cũng chi ra 5 tỉ USD để sở hữu 53,59% cổ phần của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát (Sabeco).

Siam Cement Group (SCG)

Siam Cement Group (SCG) được cho là đã chi hàng tỉ USD để thực hiện hóa tham vọng 'bành trướng' tại Việt Nam.

Cuối năm 2020, SCG Packing – đơn vị thành viên của SCG – đã thông báo mua lại 70% vốn tại CTCP Sản xuất Nhựa Duy Tân, một doanh nghiệp tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nhựa bao bì và nhựa gia dụng tại Việt Nam với doanh thu trên 3.000 tỉ đồng mỗi năm.

Tập đoàn này hiện quản lý hơn 20 công ty con tại Việt Nam, tập trung vào ba mảng kinh doanh chính là xi măng - vật liệu xây dựng (SCG Cement – Building Materials), hóa dầu (SCG Chemicals) và bao bì (SCG Packaging).

Super Energy Corporation

Như VietTimes từng đề cập, tháng 3/2020, Super Energy Corporation (SEC) công bố mua cụm dự án điện mặt trời Lộc Ninh có tổng công suất lắp đặt khoảng 750MW tại Bình Phước với số tiền không vượt quá 456,7 triệu USD.

Một dự án điện mặt trời tại Việt Nam có công suất lắp đặt 50 MW mà SEC đã thâu tóm (Ảnh: Super Energy Corporation)
Một dự án điện mặt trời tại Việt Nam có công suất lắp đặt 50 MW mà SEC đã thâu tóm (Ảnh: Super Energy Corporation)

Trước khi thâu tóm 4 dự án Lộc Ninh, SEC đã sở hữu 6 dự án điện mặt trời tại Việt Nam với tổng công suất lên tới 286,72 MWp, bằng một nửa tổng công suất của 100 dự án điện mặt trời tại Thái Lan mà SEC đang sở hữu gộp lại.

Ngoài các dự án điện mặt trời, SEC còn sở hữu 4 dự án điện gió tại Việt Nam, tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Yên, Gia Lai.

Gulf Energy

Cũng trong lĩnh vực năng lượng, Gulf Energy đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2018 bằng việc đầu tư vào một số dự án dài hạn, gồm dự án nhà máy điện mặt trời TTC 1 và TTC 2 tại Tây Ninh.

Bên cạnh đó, tập đoàn đến từ Thái Lan cũng đầu tư vào Mekong Solar Farm và Mekong Wind Farm tại Bến Tre.

Tháng 1/2021, Gulf Energy đã mua lại 70,5% cổ phần của Global Mind Investment Management (GMIM) từ Nech Opportunities Fund VCC với tổng số vốn đầu tư trị giá 40 triệu USD nhằm mở rộng hơn nữa đầu tư tại Việt Nam.

Việc mua lại GMIM là một phần trong khoản đầu tư trị giá khoảng 100 tỉ baht của Gulf Energy được phân bổ trong 6 năm để mở rộng sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo, cũng như các dự án cơ sở hạ tầng./.