Những thủ thuật bảo mật người mua hàng online cần biết

VietTimes – Ngày thứ Hai Điện tử (Cyber Monday) là ngày đầu tiên sau ngày Black Friday, ngày khởi động cho mùa mua sắm online tại Mỹ và nhiều nước khác. Đây là dịp có hàng triệu người đổ xô tìm kiếm các gói giảm giá,  và cũng là dịp nở rộ “các cơ hội làm ăn” của những tên tin tặc. Để giúp người mua hàng online được an toàn hơn, chuyên gia của công ty IT Enlightened đưa ra một số lời khuyên cho khách hàng. 
Cyber Monday là thời điểm người mua hàng online rất dễ bị hacker đánh cắp thông tin cá nhân (Ảnh Ibtimes)
Cyber Monday là thời điểm người mua hàng online rất dễ bị hacker đánh cắp thông tin cá nhân (Ảnh Ibtimes)

Người tiêu dùng đang háo hức sử dụng các thiết bị điện tử trong ngày Thứ Hai Điện tử (Cyber Monday) để tìm kiếm những gói giảm giá từ các nhà bán lẻ khi mùa lễ hội mua sắm đã bước vào giai đoạn nhộn nhịp nhất. Tuy nhiên, khách hàng không bao giờ được mất cảnh giác bảo mật khi mua sắm online.

Mặc dù Cyber Monday là thời điểm thích hợp nhất để mua ti vi, quần áo và các vật dụng khác, nhưng đây cũng là thời điểm mà người tiêu dùng cần tỉnh táo cảnh giác hơn khi mua hàng online. Hiệp Hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ dự đoán hầu hết khách hàng sẽ mua sắm online thay vì đến các cửa hàng trong mùa lễ hội mua sắm năm nay để tận dụng ưu đãi miễn phí giao hàng và các ưu đãi khác. Người tiêu dùng cũng được cho là sẽ chi tiêu nhiều hơn trong năm nay. Người dân Mỹ sẽ chi trung bình 967 USD trong mùa mua sắm này, tăng 3,4% so với mức chi 935 USD năm 2015.

Những tên tội phạm mạng cũng sẽ tận dụng thời cơ này khi có một số lượng lớn người tiêu dùng lên mạng mua sắm và điền các thông tin cá nhân của họ vào mạng, như là số thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng và địa chỉ nhà. Chuyên gia bảo mật Antwayne Ford, chủ tịch và là CEO của công ty IT và tham vấn quản lý Enlightened, đã cho tờ International Business Times biết một số thủ thuật giúp khách hàng tránh bị lừa gạt trong ngày Cyber Monday:

1. Tìm hiểu rõ về các đường link

Lời khuyên đầu tiên của ông Ford cho khách hàng là phải đánh các thông tin vào trang web của nhà bán lẻ chứ không được tin tưởng vào các đường link. Việc tin vào các đường link có thể dẫn người đi mua sắm vào các trang lừa đảo hoặc các trang độc hại, từ đó cho phép hacker truy cập vào các thông tin cá nhân của họ. Ông Ford cũng khuyên khách hàng nên mua sắm tại những cửa hàng online mà họ quen thuộc.

“Nếu bạn thấy một mức giảm giá tương tự trên một trang web không quen, hãy tìm hiểu kỹ để xem có bất cứ phàn nàn nào về mã độc ở trang đó hay không”, ông Ford nói.

Người tiêu dùng không nên tin tưởng vào các đường link, thậm chí là cả khi những đường link đó trông giống như là chúng từ một trang web hợp pháp. Hãy tìm hiểu kỹ đường link đó xem địa chỉ thực sự là gì, những đặc điểm nào cho phép khách hàng biết được các đường link phù hợp.

2. Hãy nghi ngờ các email và những quảng cáo khác

Khách hàng cũng không nên tin tưởng vào các đường link cung cấp mã giảm giá được gửi qua email bởi đây rất có thể là những mã được các tên tội phạm mạng gửi đi nhằm nhử khách hàng vào các trang web lừa đảo. Thay vào đó khách hàng nên viết các mã giảm giá và nhập bằng tay vào các trang web của nhà bán lẻ. Người mua hàng online cũng nên tránh bấm vào các quảng cáo.

“Những tên tin tặc đang ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn để hướng mục tiêu vào các thông tin của bạn bằng các mã độc gửi kèm các quảng cáo mà các mã độc này chạy ngầm khi bạn bấm vào đó”, ông Ford nói.

3. Đảm bảo rằng “HTTPS” được hiển thị

Người mua hàng online cần phải đảm bảo chắc chắn rằng URL của trang web có “HTTPS”. Chữ “S” nghĩa là an toàn, đồng nghĩa với việc thông tin mà người mua hàng nhập vào sẽ được mã hóa và ẩn không để những tên hacker biết. Nếu như URL không hiển thị HTTPS, thì khách hàng không nên đánh các thông tin cá nhân của họ, như là số thẻ tín dụng và địa chỉ giao hàng vào.

4. Hãy cẩn thận với các lỗi sắp xếp chữ

Các lỗi sắp xếp chữ có thể là dấu hiệu cảnh báo đối với người mua hàng. Khách hàng cần phải cẩn thận với những lỗi chính tả hay các lỗi ngữ pháp khác không chỉ trong các đường link URL mà còn cả trên các trang web, bởi đây rất có thể là dấu hiệu của một trang web lừa đảo.

“Nếu như bạn đang trên một trang web và cảm thấy có một điều gì đó bất thường, thì tuyệt đối không được mua gì trên trang đó. Chẳng có mức giảm giá nào xứng đáng với cái giá bạn bị mất tiền và mất thông tin cá nhân cả”, ông Ford nói.

5. Không được đăng nhập vào Wi-Fi công cộng

Wi-Fi công cộng là một sự cám dỗ cực lớn đối mới tất cả mọi người, nhưng nó hoàn toàn không an toàn. Sự kiện ngày hội mua sắm Cyber Monday cũng nên là một lời nhắc đối với tất cả mọi người rằng họ không nên tin tưởng vào Wi-Fi công cộng, đặc biệt là khi mua hàng online.

“Hacker rất dễ giả mạo truy cập Wi-Fi và ăn cắp các thông tin cá nhân khi bạn lướt web. Thậm chí nếu như một tên tin tặc không giả mạo được Wi-Fi công cộng, thì cũng vẫn có thể sử dụng nhiều công cụ để quan sát được tất cả những lưu lượng thông tin qua lại trên internet qua mạng Wi-Fi đó và có thể ăn cắp thông tin của bạn theo cách này”, ông Ford cho hay.

6. Không được sử dụng thẻ ghi nợ (Debit card)

Người mua hàng online rõ ràng là không thể sử dụng tiền mặt khi mua hàng, nhưng họ cũng cần phải tránh sử dụng thẻ ghi nợ, bởi thẻ ghi nợ được liên kết tới các tài khoản ngân hàng. Thay vào đó người mua hàng online nên mua hàng bằng thẻ tín dụng, bởi họ có thể lên tiếng về những số tiền phải trả đáng nghi hay nhanh chóng đóng thẻ nếu như thông tin bị đánh cắp.

Hãy luôn ghi nhớ những lời khuyên này mọi lúc, mọi nơi khi mua sắm online chứ không chỉ riêng gì ngày Cyber Monday.