Những “sát thủ” Nga ra uy tại Syria gây sốc Mỹ-NATO

VietTimes -- Đánh giá tổng quan về năng lực quân sự của Nga trong năm 2017 cho thấy quân đội Nga nhờ được cải tổ và hiện đại hóa vũ khí đã tạo ra sự khác biệt lớn so với trước đây, Văn hóa Chiến lược nhận định.

Các bài học thu được đã giúp quân đội Nga gia tăng sức mạnh, trở nên hiệu quả hơn hẳn lực lượng đã bảo vệ Nam Ossetia và đội ngũ gìn giữ hòa bình của Nga trong cuộc xung đột Nga-Gruzia năm 2008. Các lực lượng vũ trang Nga đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi với ưu tiên lớn dành cho các loại vũ khí tối tân hiện đại có độ chính xác cao. Phát biểu trước hội đồng Bộ Quốc phòng, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Chương trình vũ khí quốc gia mới giai đoạn 2018 – 2027 đặt trọng tâm đặc biệt vào việc trang bị cho quân đội Nga các loại vũ khí có độ chính xác cao phóng từ biển, không trung và đất liền.

2017 là năm mà quân đội Nga đã triển khai các loại tên lửa hành trình Kalibr phóng từ biển, Kh-101 phóng từ không trung và tên lửa đất đối đất Iskander trong cuộc chiến ở Syria.

Lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Nga công khai thừa nhận việc sử dụng Iskander ở Syria là tại cuộc họp hội đồng tháng 12/2017. Trong năm 2017, hệ thống này đã được đưa vào biên chế Lữ đoàn cận vệ số 152 đóng tại khu vực Kaliningrad như là một lời đáp trả cho việc NATO tăng cường lực lượng gần biên giới của Nga.

Những “sát thủ” Nga ra uy tại Syria gây sốc Mỹ-NATO  ảnh 1Hệ thống tên lửa Iskander ở Syria (ảnh: South Front)

Tại Syria, Iskander được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Tính chính xác, độ tin cậy cao và tầm bắn xa cho phép Iskander hoạt động như một giải pháp thay thế cho lực lượng không quân đang tác chiến trong điều kiện quân địch đang chống trả quyết liệt, sử dụng cả máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không.

Iskander-M có tầm bắn 500 km và sai số trượt mục tiêu (CEP) chỉ từ 5-7 mét. Loại tên lửa đạn đạo này di chuyển với tốc độ siêu thanh từ 2.100-2.600 m/s (Mach 6-7) ở độ cao 50 km, và có thể điều chỉnh hướng trong khi bay nếu gặp phải trường hợp công kích các mục tiêu di động. Iskander-M chỉ mất khoảng 10 phút để khóa mục tiêu và khai hỏa.

Những “sát thủ” Nga ra uy tại Syria gây sốc Mỹ-NATO  ảnh 2Hệ thống tên lửa Iskander-M trong một cuộc diễn tập (ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Tầm bắn của Iskander-M đủ để trải rộng gần như toàn bộ lãnh thổ Syria. Hệ thống có thể phóng tên lửa hành trình để tấn công các mục tiêu cố định và tên lửa đạn đạo để tiêu diệt các tài sản có giá trị lớn của quân địch trên chiến trường. Iskander có thể tấn công ở thời điểm rất sớm trước khi một máy bay chiến đấu bắt đầu cất cánh, vượt qua một đoạn đường dài để tới gần mục tiêu và tấn công bằng vũ khí mang theo.

Trong năm 2017, Nga tuyên bố Iskander sẽ thay thế các hệ thống tên lửa đạn đạo Tochka-U đã có tuổi vào năm 2020 như là một phần của kế hoạch hiện đại hóa và nâng cấp vũ khí đang diễn ra. Năm ngoái, quân đội Nga đã bắt đầu thành lập và huấn luyện các đơn vị tác chiến đặc biệt chuyên phát hiện mục tiêu để cung cấp tọa độ dẫn đường cho các tên lửa Iskander khi chúng thực hiện tấn công chớp nhoáng mục tiêu. Tại Syria, lực lượng chuyên phát hiện mục tiêu hoạt động ở hậu phương của quân địch.

Tên lửa tàng hình không đối đất Kh-101 phóng đi từ các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-160 đã trở thành vũ khí có uy lực được kiểm chứng qua thực chiến năm 2017 khi gây sốc và kinh sợ lớn cho kẻ địch ở Syria. Kinh nghiệm cho thấy Kh-101 là loại vũ khí rất đáng tin cậy.

Những “sát thủ” Nga ra uy tại Syria gây sốc Mỹ-NATO  ảnh 3Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 mang tên lửa hành trình Kh-101 xuất kích tấn công các mục tiêu khủng bố tại Syria (ảnh: spacebattles)

Tầm bắn của Kh-101 là 5.000 km. Các đoạn video bằng chứng do các máy bay không người lái quay lại khẳng định một thực tế là tất cả các mục tiêu đều bị tấn công trực diện. Kh-101 được Nga thử nghiệm vào năm 2015 và 2016 để được sử dụng làm một phần trong các kế hoạch tác chiến của năm 2017. Trong năm 2017, các tên lửa Kh-101 đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng của quân địch ở Deir Ezzor. Vào tháng 7, các tên lửa đã phá hủy 3 kho vũ khí đạn dược lớn cùng với một trung tâm chỉ huy của lực lượng khủng bố gần thành phố Uqayribat thuộc tỉnh Hama. Cuộc không kích được tiến hành với khoảng cách tầm 1.000 km.

Kinh nghiệm tại Syria được Nga áp dụng để phát triển một loại tên lửa hành trình không đối đất mới. Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật của Nga đang tiến hành phát triển loại vũ khí này với tên mã "Izdeliye 715". Tên lửa này thật ra là một phiên bản nhỏ hơn của Kh-101 được trang bị cho máy bay ném bom tầm xa Tu-22М3 và các chiến đấu cơ Su-34, Su-30, Su-35 và Su-57.

Các tên lửa Kalibr phóng từ biển được sử dụng từ năm 2015. Kalibr có tầm bắn trên 1.500km, ngắn hơn tầm bắn của Kh-101. Tuy nhiên, điểm mạnh của Kalibr là có thể lắp đặt trên hầu hết các loại tàu. Lính thủy Nga gọi nó là "hiệu chỉnh", nghĩa là có khả năng thích ứng với nhiều loại tàu mặt nước và tàu ngầm khác nhau.

Những “sát thủ” Nga ra uy tại Syria gây sốc Mỹ-NATO  ảnh 4Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr (ảnh: ria.ru)

Trong năm 2017 đã có tuyên bố cho biết các tên lửa Kalibr sẽ được lắp đặt trên các tàu hộ tống mới lớp Steregushchiy (dự án 20380). Hiện tại, các tàu chiến thuộc lớp này đang được trang bị tên lửa chống hạm Kh-35U.

Quá trình "hiệu chỉnh" sẽ có sự tham gia của tàu phá băng mới Leader, được thiết kế để phá vỡ lớp băng dày tới 4,5 mét và giữ cho tuyến đường biển Bắc cùng với bờ biển Bắc cực luôn được thông suốt quanh năm. Điều này thật tuyệt vời bởi chưa có một nước nào khác từng làm. Leader không phải là một chiến hạm nhưng nó sẽ mang theo các công-ten-nơ đặc biệt cùng với hệ thống vũ khí, bao gồm các tên lửa chống hạm Kh-35 và Kalibr. Như người ta có thể thấy, Kalibr đem đến cho hạm đội được vũ trang đầy đủ với chi phí tương đối thấp khả năng tấn công các mục tiêu đất liền từ các bệ phóng cách xa hàng nghìn km.

Những “sát thủ” Nga ra uy tại Syria gây sốc Mỹ-NATO  ảnh 5Nga thử nghiệm tên lửa hành trình 3M22 Zircon thay thế tên lửa thế hệ phòng thủ bờ đã lạc hậu (ảnh: New Update Defence)

Tên lửa hành trình siêu thanh 3M22 Zircon cũng đã trải qua quá trình thử nghiệm trong năm 2017, vì thế có thể được đưa vào sản xuất trong năm nay theo như kế hoạch. 3M22 Zircon có khả năng đạt vận tốc Mach 5 - Mach 6 (7.400 km/giờ). Khi bay ở độ cao 30.000 m, động năng của tên lửa lúc va chạm cao gấp 50 lần các loại tên lửa không đối hạm và hạm đối hạm hiện có. Đầu đạn tên lửa có thể di chuyển 250km trong vòng 2,5 phút, nhanh hơn cả tốc độ viên đạn bay ra từ nòng súng của lính bắn tỉa. Quân địch sẽ không có cả thời gian để sợ hãi, chứ đừng nói gì tới đánh trả. Tên lửa này dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất trong năm nay.

Năm 2017 sẽ được quân đội Nga nhớ đến như là một năm đạt được những bước tiến to lớn trong việc trang bị các loại vũ khí thông thường dẫn đường chính xác tầm xa công nghệ cao. Đây là bước nhảy vọt về chất đưa quân đội Nga trở thành lực lượng vũ trang có sức mạnh hàng đầu thế giới, Văn hóa Chiến lược khẳng định.