Những sai sót và thiếu sót trong báo cáo dự án sân bay Long Thành

Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành tính toán tài chính cách nào cũng lỗ nên chủ đầu tư là Tổng Cty cảng hàng không Việt Nam cố tình tránh né không thực hiện phân tích tính toán tài chính, không đạt yêu cầu về nghiên cứu tiền khả thi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phần phân tích tài chính và phân tích kinh tế của Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành còn sơ sài, thiếu sót, không chặt chẽ, không chính xác, không có tính hiện giá ròng tài chính FNPV, không có tính chỉ số nội hoàn tài chính FIRR cho dự án, không tính hiện giá ròng kinh tế ENPV, chỉ số nội hoàn kinh tế EIRR cho dự án không đáng tin cậy. Báo cáo Đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành không đạt yêu cầu về nghiên cứu tiền khả thi.

Đối với dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành có tầm quan trọng và quy mô rất lớn thì việc nghiên cứu tiền khả thi là rất cần thiết nhằm trả lời câu hỏi về khả năng thỏa mãn các điều kiện cơ bản của việc đầu tư, đảm bảo các điều kiện cần để quyết định tiếp tục bỏ vốn nghiên cứu khả thi một cách toàn diện và đầy đủ về dự án hay loại bỏ để nghiên cứu chọn lại phương án đầu tư dự án khác.

Nếu nghiên cứu tiền khả thi cho thấy dự án sân bay Long Thành không có hiệu quả tài chính, không chắc có hiệu quả kinh tế, không phù hợp với điều kiện hiện tại của đầu tư công cũng như khả năng vốn của nhà nước, không có khả năng thực hiện đạt mục tiêu cảng hàng không trung chuyển quốc tế của khu vực thì không cần phải tốn kém một khoản tiền lớn đầu tư cho bước nghiên cứu khả thi.

Vì nghiên cứu khả thi là nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, sâu sắc tất cả các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính, kinh tế, quản lý với nhiều phương án khác nhau nhằm thực hiện ý đồ dự án với lợi ích cao nhất, là bước cuối cùng của công tác chuẩn bị đầu tư. Cho nên trong trường hợp dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành quy mô rất lớn, chi phí nghiên cứu khả thi khoảng 3000 tỷ đồng.

Qua các Tóm tắc Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (tháng 6 năm 2013, tháng 9 năm 2014, tháng 3 năm 2015), Tờ trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Bộ GTVT gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 12/9/2014, phần phân tích khả thi tài chính hầu như không có gì.

Chỉ riêng Báo cáo Giải trình bổ sung về Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Chính Phủ gửi Quốc Hội ngày 27/10/2014 mới có phần đề cập đến phân tích tài chính đối với hạng mục nhà ga hành khách (nguồn vốn doanh nghiệp, công ty cổ phần, PPP) với kết quả tính toán cho chỉ số nội hoàn tài chính FIRR là 13,9% xem xét cho thời hạn 25 năm (tr. 21 Báo cáo Giải trình bổ sung).

Đây là hạng mục có khả năng cho lãi suất cao nhất được chọn để tính toán với dự báo lạc quan về nhu cầu hành khách nhằm đưa ra chỉ số nội hoàn tài chính FIRR cao là 13,9%, tuy nhiên đối với những hạng mục khác cần đầu tư từ nguồn vốn xã hội (tư nhân) mà có khả năng cho lãi suất thấp hơn thì chỉ số nội hoàn tài chính FIRR chắc chắn sẽ thấp hơn 13,9%. Nhiều hạng mục có chỉ số nội hoàn tài chính FIRR thấp hơn 10% thì sẽ không hấp dẫn nhà đầu tư và như thế khả năng huy động nguồn vốn tư nhân cũng sẽ không có.

Mặt khác phân tích khả thi tài chính cho toàn thể dự án hay cho giai đoạn 1 của dự án là nghiên cứu quan trọng nhất của nghiên cứu tiền khả thi mà Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành không có thực hiện gì cả thì làm sao đạt yêu cầu về nghiên cứu tiền khả thi.

Có thể như TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright từng phát biểu “Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành tính toán tài chính cách nào cũng lỗ” cho nên chủ đầu tư là Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam cố tình tránh né không thực hiện phân tích tính toán tài chính.  

TS Nguyễn Thiện Tống

Để trả lời câu hỏi về nhu cầu vốn đầu tư cho dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải thể hiện ngân lưu tài chính (dòng tiền) qua từng năm của thời gian thực hiện dự án, cũng như cho biết khả năng vốn của chủ đầu tư (Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam) và khả năng huy động nguồn vốn tư nhân cùng nhu cầu bù lỗ của nhà nước cho từng năm là bao nhiêu và cho toàn thể là bao nhiêu.

Phân tích tính toán về kinh tế trong các Báo cáo đầu tư Dự án vừa quá sơ sài vừa sai lệch cả về chi phí và lợi ích. Tóm tắc Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành lần đầu (tháng 6 năm 2013) đưa ra chỉ số nội hoàn kinh tế EIRR là 22,1%, rồi lần thứ hai (tháng 9 năm 2014) thì EIRR là 29,8%, và lần thứ ba (tháng 3 năm 2015) lại là 24,5%.

Trong khi đó số vốn đầu tư cho giai đoạn 1 lúc đầu là 7,8 tỷ USD cho diện tích sân bay 2.565 ha với 2 đường băng cất hạ cánh và nhà ga hành khách 400.000 m2 để đạt năng suất 25 triệu khách/năm, nay trong Tóm tắc Báo cáo đầu tư Dự án vào tháng 3 năm 2015, số vốn đầu tư cho giai đoạn 1 rút xuống còn 5,2 tỷ USD cho diện tích 1.165 ha với chỉ 1 đường băng cất hạ cánh và nhà ga hành khách 400.000 m2 để đạt năng suất 25 triệu khách/năm. Vốn đầu tư cho giai đoạn 1 giảm đi 1/3 như thế chủ yếu là do giảm 1.400 ha diện tích sân bay và giảm 1 đường băng cất hạ cánh trong khi năng suất vẫn đạt 25 triệu khách/năm.

Những thay đổi lớn như thế về vốn đầu tư sẽ làm thay đổi nhiều về kết quả tính toán tài chính và kinh tế. Điều này chứng tỏ thêm rằng số liệu của Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành là không đáng tin cậy và cần có thời gian để nghiên cứu kiểm chứng độc lập trước khi Quốc Hội quyết định.

Tóm lại phần phân tích tài chính và phân tích kinh tế của Báo cáo đầu tư Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành còn sơ sài, thiếu sót, không chặt chẽ, không chính xác, không có tính hiện giá ròng tài chính FNPV, không có tính chỉ số nội hoàn tài chính FIRR cho dự án, không tính hiện giá ròng kinh tế ENPV, chỉ số nội hoàn kinh tế EIRR cho dự án không đáng tin cậy. Báo cáo Đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành không đạt yêu cầu về nghiên cứu tiền khả thi.

(*) Bài của Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không, Đại học Sydney, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách Khoa TpHCM viết trên chuyên trang Người Đô thị.