Nếu muốn có thêm ngày nghỉ lễ, hãy tới Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này có tới 21 ngày nghỉ lễ công, con số này còn có thể tăng lên tùy thuộc vào từng thành phố khác nhau. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Philippines theo sau với 18 ngày và Trung Quốc cố số ngày nghỉ lễ dao động từ 11 đến 17 ngày.
“Trung Quốc không chỉ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới mà chính phủ của họ còn cho phép công nhân có những đợt nghỉ lễ kéo dài. Ngoài ra, nếu dịp nghỉ lễ đó đúng vào ngày nghỉ cuối tuần thì người lao động còn được phép nghỉ bù, khiến kỳ nghỉ của họ càng kéo dài. Vì vậy, có năm người dân Trung Quốc được nghỉ tới 28 ngày lễ. Tương tự, Đài Loan cũng có tổng cộng 13 ngày nghỉ lễ mỗi năm và có năm nghỉ bù lên tới 29 ngày”, Joachim Holte, biên tập của Wego nhận xét.
Australia và New Zealand đều có 10 ngày nghỉ lễ. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu có số ngày nghỉ lễ không quá tệ, ví dụ ở Thụy Điển và Lithuania là 15 ngày lễ (Lithuania còn có thêm 28 ngày phép), tiếp theo là Slovakia 14 ngày; Áo, Bỉ và Na Uy đều 13 ngày; Phần Lan và Nga là 12 ngày.
Tây Ban Nha và Anh được đánh giá là hai nước không có “tinh thần lễ hội” cho lắm khi người dân chỉ có 8 ngày nghỉ lễ. Ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập, có tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ công. “Mexico có số lượng ngày nghỉ lễ ít nhất thế giới, chỉ 7 ngày mỗi năm mặc dù chính phủ đã cho phép thêm một số ngày nghỉ lễ mà người dân có quyền chọn lựa”, ông Holte nói thêm.
Danh sách các nước có số ngày nghỉ lễ nhiều nhất trên thế giới tính đến hết năm 2015. Nguồn: Wego
Người lao động Mỹ có số giờ làm việc trung bình một tuần là 38 tiếng, đó là số giờ làm việc bình thường ở các nước công nghiệp hóa hiện đại. Vậy còn có quốc gia phát triển nào có số giờ làm việc ít hơn hay không?
Đứng đầu trong danh sách các quốc gia làm việc ít nhất thế giới là Hà Lan với số giờ trung bình một tuần là 29 tiếng, mức lương bình quân hàng năm là 47.000 USD. Một tuần làm việc bốn ngày gần như đã trở thành tiêu chuẩn ở quốc gia Bắc Âu này, đặc biệt là đối với các bà mẹ đang nuôi con.
Khoảng 86% các bà mẹ Hà Lan làm việc 34 tiếng hoặc ít hơn, còn đối với các ông bố, khoảng 12% làm việc với thời gian ngắn. Luật pháp Hà Lan duy trì một chính sách cân bằng công việc - cuộc sống cho người lao động và bảo hộ những người làm bán thời gian. Tất cả các loại hình lao động đều được nghỉ phép đầy đủ, kể cả chế độ nghỉ thai sản và nghỉ làm cha mẹ. Theo một điều luật thông qua năm 2000, người lao động có thể giảm số giờ làm của mình xuống thành bán thời gian mà vẫn có thể giữ công việc, số tiền lương trả theo giờ, các chính sách y tế và xã hội khác. Tổng cộng, người Hà Lan chỉ làm việc trung bình 29 giờ/ tuần.
Các nước tiếp theo là Đan Mạch 33 tiếng/ tuần; Na Uy cũng là 33 tiếng/ tuần; Ireland 34 tiếng/ tuần; Đức, Thụy Sỹ và Bỉ là 35 tiếng/ tuần; Thụy Điển, Australia và Italy lần lượt xếp vị trí thứ 8,9,10 với 36 tiếng/ tuần.
Ngoài ra, rất nhiều quốc gia phát triển có những chính sách hợp lý để giúp người lao động có thể giảm được giờ làm việc mà không tổn hại đến thu nhập. Ví dụ, ở Đức có các chương trình chia sẻ việc làm đã kéo dài hàng thập kỷ nay và đặc biệt được đẩy mạnh giữa thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu để có thêm nhiều công nhân giảm giờ làm. Chia sẻ việc làm được xem là biện pháp hữu hiệu để giữ công việc cũng như giảm tỷ lệ thất nghiệp ở Đức.
Cũng giống như Đức, chính phủ Italy cũng áp dụng chính sách khuyến khích chia sẻ việc làm trong lực lượng lao động. Trong khi số giờ làm việc tối đa một tuần là 40 tiếng và có thể làm thêm giờ 8 tiếng/ tuần, nhưng người chủ doanh nghiệp có thể bị phạt nếu bắt công nhân của mình làm quá số giờ cho phép. Ngoài ra, lao động Italy còn có thêm ít nhất 4 tuần nghỉ phép mỗi năm.
Theo Trí thức trẻ