Những nguồn tin tình báo “mập mờ” về Iran khiến Mỹ điều quân tới Trung Đông?

VietTimes -- Giới chức Lầu Năm Góc cho hay họ sẽ thông báo vắn cho các thành viên thuộc đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump về kế hoạch triển khai thêm hàng nghìn binh sỹ tới khu vực Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Iran – theo một số quan chức thạo tin.
Mỹ đã điều nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm cùng nhiều máy bay ném bom B-52 tới Trung Đông (Ảnh: Washington Post)
Mỹ đã điều nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm cùng nhiều máy bay ném bom B-52 tới Trung Đông (Ảnh: Washington Post)

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng vẫn chưa có quyết định chính thức về việc triển khai thêm quân, thêm rằng lượng binh sỹ này có thể không cần thiết ngay ở thời điểm hiện tại. Một số có thể được triển khai ngay, trong khi số khác chỉ được triển khai nếu như tình trạng căng thẳng gia tăng đến một mức độ mà Mỹ tin rằng sẽ có đòn tấn công nhằm vào họ.

Đề xuất tăng hiện diện quân sự ở Trung Đông được đưa ra bởi Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ - CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao cho hay. Hiện vẫn chưa rõ ai là người đã kêu gọi tổ chức cuộc họp cũng như liệu ông Trump có tham dự hay không. Bất cứ kế hoạch triển khai quân nào như trên cũng cần có sự phê chuẩn của ông Trump.

Trên thực tế, những ngày vừa qua đã xuất hiện tình trạng hỗn loạn trong nội bộ chính quyền Mỹ liên quan tới vấn đề căng thẳng với Iran. Bởi vậy mà thông tin về kế hoạch triển khai quân mới có thể làm tăng nhiệt cuộc tranh luận liên quan tới mục đích của chính quyền Trump trong các động thái mới đây.

Trước đó chỉ 3 ngày, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan tuyên bố trước Quốc hội rằng Mỹ không muốn tình trạng căng thẳng gia tăng với Iran và cũng không muốn lao vào một cuộc chiến. Ông Shanahan nói rằng nhiều nhà lập pháp tỏ ra tức giận vì không hiểu rõ được nội tình đằng sau việc chính quyền Trump cử nhiều chiến hạm tới Trung Đông để đối phó Iran – sau khi có thông tin tình báo cho rằng quân đội Iran bắt đầu có nhiều động thái mới, cấu thành mối đe dọa với Mỹ.

Giới chức quốc phòng Mỹ hiện còn đang thảo luận về khả năng triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình Tomahawk trên tàu ngầm và các chiến hạm có khả năng tấn công tầm xa trên đất liền. Tất cả các hệ thống vũ khí và đơn vị cụ thể không được tiết lộ.

CNN trước đó đưa tin cho rằng, giới chức Mỹ tính toán họ cần triển khai trên 100.000 binh sỹ để thực hiện đòn tấn công toàn diện nhằm vào Iran. Theo viễn cảnh này, Mỹ sẽ tập trung phá hủy các hệ thống phòng không, chiến hạm và tên lửa của Iran trước khi nhằm vào các mục tiêu hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Thông tin tình báo mập mờ

Tuy nhiên, các quyết định điều quân mà chính quyền Trump đưa ra trong thời gian qua lại gây tranh cãi, chia rẽ do chỉ dựa vào thông tin tình báo mà chính quyền Trump rằng họ có được từ đầu tháng 5, trong đó nêu rõ Iran đang lên kế hoạch tấn công nhằm vào lực lượng và các lợi ích của Mỹ trong khu vực Trung Đông. Cái gọi là “thông tin tình báo” này tuyệt nhiên không được chính quyền Trump công khai, khiến cho đảng Dân chủ cực lực chỉ trích.

Để bảo vệ quyết định điều nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm và các máy bay ném bom B-52 tới Trung Đông của chính quyền Trump, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cũng chỉ ra…các nguồn tin tình báo.

Những “nguồn tin tình báo” này mập mờ đến nỗi, ngay cả Tổng thống Trump cũng từng phản bác lại luận điểm ông Bolton. Hồi đầu tuần này, ông Trump nói về các mối đe dọa từ Iran như sau: “Chúng ta không bắt được tín hiệu nào cho thấy có điều gì đó xảy ra hoặc sắp xảy ra. Nhưng nếu nó xảy ra, nó sẽ bị chặn bởi sức mạnh vĩ đại”.

Sự bất đồng quan điểm trong chính nội bộ chính quyền Trump càng khiến cho nhiều người bối rối về nguồn tin tình báo.

“Rõ ràng là có nhiều mối đe dọa nhằm vào các lợi ích của Mỹ trong khu vực, nhưng các mối đe dọa đó có thể dự đoán được” – Nghị sỹ Chris Murphy, thanh viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, thuộc đảng Dân chủ, nhận định – “Nhiều đời chính quyền, cả Cộng hòa lẫn Dân chủ, từng từ chối hành động như chính quyền Trump hiện nay, bởi họ hiểu rằng nó sẽ khiến cho người Iran coi các cơ sở của Mỹ trong khu vực như các mục tiêu”.

Một quan chức giấu tên của Mỹ còn cho rằng, các động thái quân sự của Iran đang được theo dõi sát sao cả trên đất liền và trên biển, tuy nhiên thêm rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Iran có thể thực hiện một đòn tấn công phủ đầu, mà chỉ ra sức củng cố phòng thủ.

Nguy cơ tính toán sai lầm

Tính đến thời điểm này, chính quyền Trump vẫn nhất quyết không công khai nguồn tin tình báo của họ, nhưng sau khi ông Shanahan có buổi thông báo vắn trước các nhà lập pháp hôm thứ Ba tuần qua, đảng Cộng hòa tuyên bố rằng chính quyền Mỹ đang hành động để ngăn chặn Tehran, cùng lúc gửi đi một thông điệp mạnh mẽ. “Chúng tôi không muốn tình hình căng thẳng thêm” – ông Shanahan nói – “Đây là hành động ngăn chặn trước, không phải gây chiến, chúng ta sẽ không lao vào một cuộc chiến”.

Phe Dân chủ cho rằng phản ứng của phía Iran trước sự hiện diện của các chiến hạm Mỹ trong khu vực là có thể dự đoán được, đặc biệt sau một năm Mỹ liên tiếp gây sức ép kinh tế với nước này. Họ cho rằng mối đe dọa từ Iran không có gì là bất thường nếu xét về bối cảnh trong một khu vực vốn đã đầy rẫy xung đột, và rằng họ quan ngại nhiều hơn về khả năng tính toán sai lầm trong ngắn hạn và sự thiếu chiến lược của chính quyền Trump xét về dài hạn.

Tuy nhiên, một quan chức Mỹ giấu tên cho hay gần đây họ mới thu thập được thêm thông tin tình báo, trong đó bao gồm các đoạn hội thoại của giới lãnh đạo Iran và hoạt động triển khai các loại vũ khí của nước này. Chính nguồn tin tình báo này đã khiến Mỹ tin rằng mối đe dọa với họ đang ở mức cao, đặc biệt ở khu vực dọc bờ biển của Iran.

“Lực lượng Iran dọc bờ biển đã ở mức sẵn sàng cao độ” – vị quan chức trên cho hay, tuy nhiên từ chối đưa ra chi tiết, cả về nguồn tin tình báo – “Dù cho họ đang sở hữu thứ gì, những thứ đó cũng đã sẵn sàng”.

Vị quan chức nhấn mạnh rằng, quân đội Mỹ nhận định rằng quân đội Iran sẽ không thể duy trì mức độ hoạt động của họ trong khoảng thời gian dài mà không có hoạt động tiếp nhiên liệu và cung ứng cho lực lượng. Nhưng dù Iran tăng cường hoạt động ở nhiều khu vực, họ cũng giải trừ vũ khí ở một khu vực chủ chốt nhằm tránh khả năng bị Mỹ tấn công.

Hình ảnh một số tên lửa hành trình mà Mỹ chụp được gần đây trên một số con thuyền thương mại cỡ nhỏ - còn gọi là Dhow – phần lớn đã được cập bến. Tuy nhiên, bức ảnh này khiến Mỹ hết sức quan ngại: Bằng việc lắp đặt tên lửa trên các con thuyền thương mại, Iran có thể thực hiện các đòn tấn công “phủ đầu, bí mật và không thể ngăn chặn”. Trong một số trường hợp, các con tàu vũ trang cũng đi cùng với một con tàu Dhow. Mỹ cho rằng, trong trường hợp bị Mỹ không kích, các đoàn tàu của Iran có thể tuyên bố rằng đây là nhóm tàu dân sự.