Những ngân hàng nào đang cầm nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Với vai trò là “người chơi chính” trên thị trường sơ cấp, các ngân hàng đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp; nhưng có rạch ròi về rủi ro...
Trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng tài sản tại nhiều ngân hàng.
Trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng tài sản tại nhiều ngân hàng.

Báo cáo “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, do Công ty CP Chứng khoán SSI mới công bố cho thấy, các doanh nghiệp đã phát hành 723 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021, tăng 56% so với 2020.

Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, với 318,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.

Trong khi đó, trên thị trường sơ cấp, các ngân hàng và công ty chứng khoán (CTCK) vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất khi mua tổng cộng 373 nghìn tỷ đồng, chiếm 52% tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2021. Trong đó, hai nhóm nhà đầu tư này mua 153 nghìn tỷ đồng, chiếm 48% trái phiếu bất động sản phát hành.

Như vậy, có thể thấy, với vai trò người mua chính trên thị trường, các ngân hàng thương mại đang nắm một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, trong đó chiếm tỷ lệ cao là của các doanh nghiệp bất động sản.

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, đến cuối năm 2021, 24 ngân hàng niêm yết đang nắm giữ 242.674 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng tới 21% so với cuối năm trước, trong đó có 14 thành viên ghi nhận lượng trái phiếu nắm giữ tăng trong năm qua.

Vietcombank là một trong những nhà băng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tăng mạnh nhất với mức tăng hơn 2 lần, từ 5.335 tỷ đồng cuối năm 2020 lên 11.929 tỷ đồng khi kết thúc năm 2021.

Tại NamABank, mức tăng trưởng thậm chí ghi nhận tới 3,7 lần, từ 648 tỷ đồng lên 2.383 tỷ đồng.

Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong năm qua bao gồm OCB (91%), TPBank (65%), ABBank (58%), MB (53%), VIB (49%),…

Xét về giá trị tuyệt đối, Techcombank vẫn đang là ngân hàng đứng đầu hệ thống về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, với 62.809 tỷ đồng, tăng 16.081 tỷ đồng, tương đương 34,4% so với con số cuối năm 2020. Lượng trái phiếu này chiếm tỷ trọng tới 11% trong tổng tài sản của nhà băng, cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng trung bình 2,6% của nhóm khảo sát.

Trong khi đó, MBB đang đứng vị trí thứ hai, với lượng trái phiếu doanh nghiệp trị giá 42.962 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm, chiếm gần 7,1% tổng tài sản. Ngân hàng cho biết, các trái phiếu này có kỳ hạn từ 2 tháng đến 15 năm, với lãi suất dao động từ 6,5% đến 11,1%/năm.

VPBank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và HDBank cũng là những ngân hàng đang nắm lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp, với giá trị trên 10.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.

Một số ngân hàng nhỏ cũng đang nắm tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp khá lớn, như tại ABBank, cuối năm 2021 ngân hàng này đang có 9.503 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tăng 58% so với cùng kỳ và chiếm tới 7,8% tổng tài sản.

Một điểm đáng chú ý, theo số liệu của SSI, tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo tương đối cao. Đến cuối năm 2021, số trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu chiếm tới 53% tổng trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính phát hành.

Tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172,5 nghìn tỷ đồng - chiếm 54,2% lượng phát hành 2021. Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33 nghìn tỷ đồng (10%) trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo.

Điều này theo đó, có thể gây rủi ro lớn cho trái chủ, mà cụ thể ở đây là các ngân hàng thương mại trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp không được đảm bảo, nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn sẽ không thể trả được nợ gốc và lãi.

Theo đó, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như của hệ thống các TCTD, hồi đầu tháng 11/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

Điểm nhấn của Thông tư này tập trung vào việc đưa ra quy định chi tiết về trường hợp tổ chức tín dụng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích để tái cơ cấu nợ; góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác; tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi TCTD đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất.

Sự ra đời của Thông tư được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, quản trị hoạt động và hoạt động cấp tín dụng tổng chung.

Cùng đó, từ năm 2019, đặc biệt trong 2021, Bộ Tài chính đã liên tục có cảnh báo về rủi ro trên thị trường này. Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu rà soát, xử lý các vấn đề phát sinh.

Sự vào cuộc trên cùng hướng tới phát triển một thị trường - một kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế phát triển bền vững hơn, tạo giá trị mở rộng hơn. Đây cũng là hướng "chia lửa" cho tín dụng của các ngân hàng thương mại, cũng như kết hợp với thị trường cổ phiếu để phát triển thị trường vốn.

Với các ngân hàng thương mại, họ cũng chính là các nhà phát hành trái phiếu, vẫn được gọi là trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở đây có sự rạch ròi về giá trị và hệ số rủi ro so với trái phiếu doanh nghiệp thông thường.

Như hiện nay các ngân hàng thương mại mua trái phiếu doanh nghiệp là ngân hàng thương mại khác phát hành thì hệ số rủi ro và trích lập dự phòng không như đối với trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực khác.

Theo đó, trong gần 1,4 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, một cấu phần lớn được xác định rõ là yếu tố rủi ro khác biệt, do các ngân hàng thương mại phát hành. Như vậy không đánh đồng rủi ro nói chung trên thị trường này.

Mặt khác, trái phiếu là một công cụ tài chính quan trọng, linh hoạt và cơ động, để các ngân hàng sử dụng khi cần nguồn vốn trung dài hạn để kê các cân đối vốn. Đây cũng là một giá trị lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, vì khi các nhà băng cân đối vốn được tốt hơn, lực đẩy tín dụng của họ cho nền kinh tế càng tự thân thuận lợi hơn.

Theo BizLIVE