Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

E-magazine Những mục tiêu mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành TT&TT thực hiện từ năm 2021 là gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những chia sẻ về chặng đường phát triển của ngành TT&TT trong những năm qua và định hướng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng trong những thành tựu của đất nước trong năm 2020 có sự đóng góp lớn của ngành Thông tin – Truyền thông. 2020 là một năm đặc biệt bởi có nhiều khó khăn. Có những khó khăn lường trước được và có những khó khăn không lường trước được – đó là đại dịch Covid-19.

“Cả thế giới không lường được quy mô, sự tàn phá, tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19”, Phó Thủ tướng nói. Tuy nhiên, trong năm 2020 Việt Nam vẫn có những bước tiến đáng ghi nhận. Trong khi cả thế giới tăng trưởng âm thì Việt Nam nằm trong số ít quốc gia tăng trưởng GDP dương – 2,91%. Tất cả các cán cân lớn của nền kinh tế đều được đảm bảo, thu chi ngân sách tăng hơn 10%, xuất khẩu tăng 6,5%.

Phó Thủ tướng nói rằng một trong những lực lượng quan trọng giúp Việt Nam chiến đấu với Covid-19 là ngành Truyền thông. Phó Thủ tướng dẫn chứng khảo sát trên thế giới về chống dịch thì Việt Nam đứng đầu thế giới về lòng tin của người dân vào các chủ trương, giải pháp của chính phủ. “Tại sao chúng ta lại được như vậy, bởi vì chủ trương, giải pháp của chúng ta đúng. Nhưng quan trọng nhất chúng ta đã tuyên truyền được chủ trương đó đến người dân – chính là nhờ bộ máy làm truyền thông của chúng ta”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nói về thành tích trong năm 2020, trong đó có sự đóng góp của ngành Thông tin - Truyền thông

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao đội ngũ cán bộ, kỹ sư ngành Thông tin – Truyền thông đã giúp xây dựng hệ thống kết nối giữa các bệnh viện nhằm trao đổi kinh nghiệm điều trị Covid-19, cũng như hệ thống truy vết tiếp xúc từ những ngày đầu khi dịch bệnh mới được phát hiện tại Việt Nam. Việt Nam cũng là nước đầu tiên bắt buộc người nhập cảnh khai báo y tế để ngăn ngừa dịch bệnh.

2020 cũng là năm mà Việt Nam tìm cách đẩy mạnh chuyển đổi số. Có rất nhiều ví dụ về sự thay đổi của dịch vụ công trực tuyến hay giáo dục trực tuyến.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng trong 30 năm trở lại đây, vào những năm 1990, ngành Bưu điện lúc đó được giao nhiệm vụ lĩnh ấn tiên phong đổi mới. Ngành Bưu điện đã làm được những việc tưởng chừng không làm được. Hồi đó, số lượng thiết bị điện thoại rất ít ỏi, sau khi ngành Bưu điện họp cùng Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành đã đề ra mục tiêu 1 máy/100 dân. Đây là một mục tiêu mà nhiều người cho rằng khó khả thi. Nhưng các lãnh đạo ngành Bưu điện đã quyết nghĩ theo cách khác, làm theo cách khác, và kết quả là đến năm 2000 thì số lượng điện thoại đã là 2 máy/100 dân.

Việt Nam là một trong những nước triển khai mạng di động 2G sớm nhất thế giới. Đến ngày hôm nay Việt Nam có nền tảng viễn thông và công nghệ thông tin có nền móng từ sự đổi mới, quyết tâm và cách nghĩ mới của ngành Bưu điện, không lạc quan tếu mà tìm cách đi tắt đón đầu - Phó Thủ tướng nhận định.

Hai năm trước đây, chỉ số an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đứng thứ 100 trên thế giới. Ngoài ra còn có những chỉ số khác như thư rác, mã độc Việt Nam cũng có thứ hạng đứng gần cuối. Lãnh đạo Chính phủ và ngành Thông tin- Truyền thông đã quyết định Việt Nam cần phải cải thiện thứ hạng an toàn an ninh mạng, đồng thời tạo ra những hệ sinh thái mà doanh nghiệp Việt làm chủ (Make in Vietnam). Cho đến nay, chúng ta đã có trên 40 nền tảng dùng chung, xuất khẩu được nhiều sản phẩm công nghệ.

Phó Thủ tướng nói rằng cần phải khơi dậy được khát vọng của các doanh nghiệp, chỉ ra được cách làm thì chúng ta sẽ làm được những việc trước đây tưởng chừng không thể. Nhưng nếu chúng ta không thay đổi, không đổi mới mạnh mẽ hơn thì sẽ không tận dụng được cơ hội mà còn tụt hậu.

Khi nhắc đến Vietel, VNPT, FPT - đây đều là các doanh nghiệp số thì có người cho rằng họ không cần phải chuyển đổi số, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp này cần tiếp tục tiên phong chuyển đổi số. Nếu như 30 năm trước đây ngành Viễn thông giải quyết bài toán về phổ cập điện thoại cho người dân thì bây giờ cần giải quyết các bài toán về dữ liệu, làm chủ và khai thác dữ liệu.

Phó Thủ tướng nói về chuyển đổi số trong ngành viễn thông

Phó Thủ tướng nhận thấy ngành Bưu chính trong những năm gần đây đã chuyển mình rất mạnh mẽ sang mô hình công ty công nghệ bằng việc cho ra đời Bộ địa chỉ số quốc gia, tham gia vào các chương trình CNTT, chính phủ điện tử, làm cánh tay nối dài của chính quyền trong việc thực hiện chính phủ điện tử. Các doanh nghiệp lớn về CNTT cũng đã có những bước tiến rất lớn, nhưng thời gian tới đây Việt Nam đứng trước một thời cơ, cũng là một sự đòi hỏi phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

“Thế hệ mạng di động 2G chúng ta đi nhanh so với thế giới, 3G ở top trung bình, 4G chúng ta triển khai khá chậm. 5G bây giờ vươn lên thuộc hàng nhanh, nhưng mới nhanh ở sự khởi điểm. Nếu lần này chúng ta đi nhanh 5G được như 2G thì thời cơ sẽ quay lại, bởi vì 5G không chỉ là tốc độ mà nó sẽ thay đổi toàn bộ đời sống. Đây là thời cơ, mà các bậc đàn anh đi trước từng mơ ước về một nền công nghiệp công nghệ thông tin, được thực hiện”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trước đây trên thế giới có khoảng 10 quốc gia sản xuất thiết bị viễn thông, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Canada, Thụy Điển. Nhưng bây giờ có những quốc gia mới nổi lên trong việc sản xuất thiết bị viễn thông như Trung Quốc, Hàn Quốc. Đây cũng là cơ hội cho những nước như Việt Nam. Vừa qua Viettel cũng đã nghiên cứu được một số thiết bị trong mạng lõi 5G, doanh nghiệp Việt cũng đã sản xuất được điện thoại 5G.

Công nhân Viettel lắp đặt thiết bị 5G tại một trạm gốc

Công nhân Viettel lắp đặt thiết bị 5G tại một trạm gốc

“Chúng ta có thị trường 100 triệu dân. Nếu điều phối tốt thì đủ sức ươm mầm ngay tại thị trường trong nước trước. Làm sao trong 10 năm nữa, nhanh là 5 năm nữa, trên bản đồ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn trên thế giới, có tên Việt Nam”, Phó Thủ tướng mong muốn.

Một điểm nữa mà Phó Thủ tướng cũng đề cập là việc triển khai chính phủ điện tử và chuyển đổi số tại các Bộ, ngành, địa phương.

Nếu như trước đây khi nói về chuyển đổi số chúng ta thường nói “từ cao xuống thấp” – từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay các ngành tài chính, ngân hàng, nhưng hiện nay sau mấy năm triển khai, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai song song 2 hướng “từ trên xuống” và “từ chỗ khó khăn nhất đi lên”. Hướng đi thứ hai đã được hiện thực hóa bằng việc triển khai nền tảng công nghệ thông tin kết nối 11 nghìn trạm y tế cơ sở trên toàn quốc, hoàn thành chỉ trong 45 ngày.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi doanh nghiệp công nghệ đồng lòng tạo dựng hệ sinh thái chung, giúp Việt Nam phát triển nhanh

Đối với triển khai dịch vụ hành chính công cấp độ 3, cấp độ 4, trước đây chúng ta thường có mục tiêu là phấn đấu có X phần trăm dịch vụ được đưa lên trực tuyến, nhưng có nhiều địa phương để lấy thành tích đã đưa lên những dịch vụ mà người dân ít sử dụng, ít được hưởng lợi. Theo Phó Thủ tướng, bây giờ chúng ta nên đưa 100% dịch vụ công lên trực tuyến cấp độ 3. Các dịch vụ được cung cấp dựa trên những nền tảng chung sẽ tiết kiệm được chi phí. Hiện nay Bộ TT&TT hay như tỉnh Bến Tre đã đưa được 100% dịch vụ công lên trực tuyến.

“Làm chính phủ điện tử hay chính phủ số bây giờ không khó như chúng ta vẫn tưởng. Chỉ cần chúng ta đồng lòng, quyết tâm và nhận thấy rằng nó giúp chúng ta minh bạch hơn với nhân dân, giúp chúng ta gần dân hơn, giúp chính quyền vừa quản lý tốt vừa phục vụ nhân dân, thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được”, Phó Thủ tướng kết luận.