Đại sứ Phạm Quang Vinh nói về những lý do khiến Biden cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ông Trump có những đột biến và bất ngờ, còn cách ông Biden sẽ quản trị ổn định hơn về mặt chiến lược. Trung Quốc bây giờ là một Trung Quốc khác, đã chính thức từ bỏ trạng thái “ẩn mình chờ thời”...
Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Joe Biden (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Tổng thống Joe Biden (Ảnh: Reuters)

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc đã chính thức trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu với Mỹ, và ông Trump đã áp dụng những biện pháp trừng phạt với Trung Quốc. Vậy, theo ông, dưới thời Joe Biden, Mỹ có tiếp tục áp dụng chính sách đó với Trung Quốc?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trước hết về cạnh tranh Mỹ - Trung, nếu nhìn lại trên thực tế, người Mỹ đã nhìn nhận một Trung Quốc rất khác, và nước Mỹ cũng đã nhiều lần tìm cách ứng phó với Trung Quốc.

Nếu nhìn từ năm 1972 đến nay, đã có một giai đoạn rất dài là lập lại quan hệ ngoại giao và sử dụng sự can dự tích cực, vừa hợp tác vừa cạnh tranh, nhưng hợp tác nhiều hơn. Người Mỹ muốn Trung Quốc thấy được cái lợi của sự hợp tác đó, và trở thành cổ đông có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế. Đấy là, về đại thể, quan điểm của Mỹ thời Tổng thống Richard Nixon.

Đến gần đây nhất là thời Tổng thống Barrack Obama đã manh nha những dự luật để chuyển sang trạng thái tái cân bằng. Và tái cân bằng, trên thực tế, có cả những trụ cột về an ninh và về kinh tế.

Cụ thể là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái bình dương (TPP) chính là nhằm tái cân bằng về kinh tế với Trung Quốc. Mỹ đưa ra những tiêu chuẩn có chất lượng cao, và nếu áp dụng, Mỹ vẫn cầm trịch cuộc chơi và vẫn có lợi.

Thời Donald Trump, lần đầu tiên nước Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Mỹ xác nhận là có rất nhiều mặt nước Mỹ bị thua thiệt do cách làm của Trung Quốc .

Thứ nhất là thương mại, bao gồm hai câu chuyện.

Thương mại không phải chỉ là thâm hụt (cái cách ông Trump đánh thuế hàng hóa Trung Quốc mới chỉ là vì thâm hụt), nhưng đằng sau đó là cách tiếp cận thị trường Trung Quốc không công bằng. Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp của mình, trong khi đó ít mở cửa hơn cho các doanh nghiệp bên ngoài, trong đó có doanh nghiệp Mỹ.

Thứ hai là chuyển giao công nghệ. Họ dùng thị trường rất hấp dẫn của mình với 1,4 tỉ dân, và tư cách nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, để buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ một cách bất bình đẳng.

Đánh thuế để giảm mức thâm hụt thương mại có thể không phải cách của ông Joe Biden. Mỹ muốn có sự cải cách đằng sau. Điều này được đảng Dân chủ ủng hộ, và có sự nhất trí của hai đảng.

Hơn nữa, chuyện chuyển giao công nghệ không chỉ vấn đề kinh tế nữa. Đó là mảnh đất cho tham nhũng hoành hành.

Tức là vế thứ hai của vấn đề đã có từ thời Obama rồi, thưa ông?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nước Mỹ nhiều năm nay đã nhận ra được điều đó rồi. Bản thân Tổng thống Trump cũng nhiều lần vạch rõ vấn đề này.

Thêm nữa, ông Biden hiện đang đứng trước một cục diện khi mà quan hệ Mỹ - Trung đã được ông Trump đẩy lên mức cạnh tranh rất cao. Ông Biden không còn cách nào khác là phải hành động.

Thời Tổng thống Trump, các biện pháp trừng phạt được tiến hành như sau:

Thứ nhất là đánh thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc; thứ hai là ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc; và thứ ba là một loạt những cấm vận khác nhau, như cấm vận về Tây Tạng, cấm vận về Tân Cương, cấm vận về Hong Kong, và trừng phạt cả các công ty đã tôn tạo đảo ở Biển Đông. Và tất cả những sự việc chúng ta có thể gọi là di sản của ông Donald Trump.

Nếu ông Joe Biden muốn dỡ bỏ cấm vận, ông phải có lý do hợp lý. Bởi vì sự nhìn nhận Trung quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, và thách thức hàng đầu về mặt đối ngoại của Mỹ, là sự nhất trí của hai đảng. Vì vậy, nếu không đẩy lên thêm nữa, ông Biden vẫn phải giữ ở mức như bây giờ.

Ví dụ, như câu chuyện Tân Cương, nhân quyền là vấn đề mà đảng Dân chủ rất coi trọng, nên ông Biden khó có thể dỡ lệnh cấm vận. Hay chuyện Hong Kong, khi Trung Quốc áp dụng đạo luật an ninh quốc gia vào Hong Kong, làm thay đổi quy chế tự trị, tự quản của Hong Kong, tức là việc này song trùng với đảng Dân chủ, chắc Biden cũng không dỡ.

Thứ hai, về việc đánh thuế 25% hàng hóa của Trung Quốc, muốn dỡ được, ông Biden phải chứng minh được là Trung Quốc đã tiến bộ. Như vậy, chuyện dỡ bỏ cấm vận không phải là chuyện trước mắt.

Tôi nghĩ, trong điểm này có thể thấy một nước Mỹ trong chính sách đối ngoại, dù với Trung Quốc, cũng đặt trong cách tiếp cận đối ngoại chung của ông Joe Biden. Cái song trùng của toàn bộ nước Mỹ là lợi ích Mỹ, giá trị Mỹ, và vai trò toàn cầu của Mỹ.

Đó là các vấn đề xương sống đối với trụ cột của nước Mỹ. Rất có khả năng ông Biden sẽ quay trở lại với những biện pháp truyền thống hơn, ngoại giao truyền thống hơn, hợp tác với đồng minh nhiều hơn, hay sử dụng luật pháp quốc tế sát sao hơn…

Theo tôi, ông Donald Trump có những yếu tố đột biến và bất ngờ, còn cách ông Biden sẽ quản trị sẽ ổn định hơn về mặt chiến lược. Trung Quốc bây giờ là một Trung Quốc khác, lớn mạnh hơn để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, chính thức từ bỏ trạng thái “ẩn mình chờ thời”, và bộc lộ rõ khát vọng vươn ra thế giới.

Trung Quốc từ bỏ phương châm "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, chính thức thách thức Mỹ (Ảnh: SCMP)

Trung Quốc từ bỏ phương châm "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, chính thức thách thức Mỹ (Ảnh: SCMP)

Thứ ba, thách thức đối với nước Mỹ là lợi ích trong nhiều năm qua, đặc biệt là mấy thập kỷ đổi mới của Trung Quốc, trên thực tế, lợi ích Mỹ - Trung đan xen nhau. Lợi ích Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ cũng đan xen nhau. Vậy khi Mỹ tập hợp đồng minh, muốn có sự ổn định về mặt chiến lược, nhưng đồng thời lại muốn kiềm chế Trung Quốc, không hề dễ tí nào.

Ông Trump có những bước đi bất ngờ, thậm chí quyết liệt. Trong khi đó, chính quyền Obama trước kia có một chiến lược phủ sóng rất rộng, dựa trên các đồng minh rất nhiều, và quản trị tốt, nhưng lại không hiệu quả trên thực tế.

Ví dụ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa với Obama, khoảng năm 2015-2016, là không quân sự hóa và tôn tạo các đảo ở Biển Đông. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Hay sự kiện Scarborough cũng vậy. Trung Quốc bất ngờ tấn công Philippines, đồng minh của Mỹ.

Tức là Obama về chiến lược tính toán rất tốt, nhưng lại thiếu "nanh vuốt" khi thực hiện. Còn Trump lại đảo lộn nhiều quá, và thiếu đồng minh, nhưng lại có những tác động nhất định, và khiến Trung Quốc phải co lại.

Vậy ông Biden sẽ sử dụng cách nào, hay kết hợp cả hai, với sự điều chỉnh nhất định? Tôi nghĩ rất thú vị khi theo dõi ông Biden áp dụng chính sách với Trung Quốc.

Tổng thống Trump có vẻ làm mất lòng các đồng minh ở EU, và nhất là NATO?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có lẽ sự quản trị đồng minh của Mỹ trong mối quan hệ với châu Âu sẽ phải được khôi phục tốt hơn nhiều so với thời ông Trump. Ông Biden nói ông sẽ tham vấn nhiều hơn, và sự tham vấn này có chứa đựng nhiều yếu tố.

Một là về trật tự luật pháp thế giới. Người Mỹ rất cần hệ thống đồng minh của họ để duy trì những giá trị mà họ theo đuổi. Ông Joe Biden càng muốn theo đuổi những giá trị này, ông càng cần phải tranh thủ các đồng minh nhiều hơn. Những giá trị về tiêu chuẩn lao động, về tiêu chuẩn môi trường, hay về dân chủ - dân quyền, sẽ được nhắc nhiều hơn.

Thứ hai, dù sao đi nữa, xương sống và vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu, và cả lợi ích của nước Mỹ, vẫn phải dựa vào đồng minh. Mối quan hệ đồng minh sẽ ổn định trở lại sau thời gian bị trục trặc dưới thời Trump làm Tổng thống.

Điểm thứ ba là thế giới bây giờ đã khác, quan hệ giữa Mỹ và đồng minh cũng sẽ phải thực dụng hơn. Và với sự thực dụng hơn đó, có những câu chuyện mà không phải người Mỹ muốn là được, như ngày xưa.

Ví dụ như kiềm chế Trung Quốc, không phải đồng minh nào của Mỹ cũng có thể kiềm chế được Trung Quốc. Vừa qua chúng ta đã chứng kiến rằng phải mất một thời gian rất dài, cùng với sự quyết liệt của Tổng thống Trump khi đánh thuế rồi đưa Huawei vào danh sách đen, mới có thể tách châu Âu khỏi sự quyến rũ của hãng viễn thông nối tiếng Trung Quốc này.

Như vậy, muốn châu Âu đi cùng với mình mà không sử dụng những biện pháp đột biến, và mạnh như ông Trump, không hiểu ông Biden sẽ sử dụng phương pháp gì. Chứ nếu cứ đi thuyết phục, như cách đảng Dân chủ vẫn làm, tôi nghĩ là chưa chắc châu Âu sẽ nghe theo.

Thêm nữa là câu chuyện về "một vành đai – một con đường" của Trung Quốc. 5 năm vừa rồi, "một vành đai – một con đường" mở rộng ra tới hơn 130 nước, từ vòng cung lên Trung Á, sang châu Âu, bao gồm cả Tây Âu và Italy, xuống khu vực Maldives ở Nam Á, rồi quay về Đông Nam Á.

Nhưng ông Trump đã làm sụp đổ hình tượng của vành đai - con đường, khi tuyên bố rằng đó là "bẫy nợ", và Trung Quốc buộc phải nhìn nhận lại điều này. Tất nhiên, châu Âu cũng phải nhìn nhận lại.

Chính EU cũng đang đưa ra những bản quy tắc về tiêu chuẩn đầu tư cơ sở hạ tầng, để đem ra để đối chiếu với văn bản tương tự của Trung Quốc, nhằm xem tiêu chuẩn đó cao thấp thế nào, độ minh bạch ra sao. Xem ra việc đó không dễ với Biden.

Ông Biden hứa sẽ tham vấn nhiều hơn với EU, trước khi ra quyết sách (Ảnh: Getty)

Ông Biden hứa sẽ tham vấn nhiều hơn với EU, trước khi ra quyết sách (Ảnh: Getty)

Nếu nhớ lại thời Obama, ông Biden cũng muốn lập nên kì tích khi phấn đấu để đạt được một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao xuyên Đại Tây Dương với EU, kiểu như TPP. Thế nhưng, hiệp định này không dễ đạt được, bởi nước Mỹ bây giờ bảo thủ hơn, và chống lại toàn cầu hóa nhiều hơn, chống lại tự do thương mại lớn hơn. Tất cả đều diễn ra dưới thời Trump.

Điều đó khiến nỗ lực của Biden đạt được hiệp định kiểu này càng khó hơn. Trong khi đó, cọ xát thương mại với EU vẫn diễn ra. Tôi nghĩ, ông Biden sẽ làm mọi cách để quản trị mối quan hệ này, để hai nền kinh tế Mỹ và EU trở lại gắn kết hơn.

Vậy còn vấn đề đóng góp cho NATO thì sao, thưa ông?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Không phải nộp cho NATO, mà mỗi nước tự lực bằng việc nâng tỷ lệ ngân sách quốc phòng của mình lên ít nhất là 2% GDP. Nhiều nước gặp khó khăn về kinh tế đã không thực hiện điều đó theo thỏa thuận.

Thời chính quyền Trump, khi các nước không thực hiện theo thỏa thuận, ông đánh thuế vào thương mại. Tôi nghĩ ông Biden sẽ quản trị theo cách ngoại giao truyền thống hơn, thuyết phục hơn, bằng cách thương lượng để đạt một thỏa thuận chung của NATO về mặt đóng góp.

Và Mỹ sẽ quay trở lại vị trí lãnh đạo NATO một cách tốt hơn, trong đó bao gồm cả việc xử lý những vấn đề khác như thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu, hay xử lý các vùng xung đột khác...

Vậy chính sách của Biden sẽ như thế nào đối với khu vực Đông Bắc Á?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Trong bối cảnh chung mà nước Mỹ khôi phục lại quan hệ và giá trị với đồng minh, Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn được coi trọng trở lại. Nhất là khi nước Mỹ sẽ phải chuyển dịch trọng tâm của mối quan tâm của họ sang châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản và Hàn Quốc lại càng quan trọng.

Nếu bảo rằng Mỹ và các đồng minh trước đây không có cọ xát là không phải, nhưng họ quản trị mối quan hệ đó ổn định hơn chứ không theo cách của ông Trump là khó chịu mặt này, liền đánh mặt này, thuận mặt kia, lại sử dụng mặt kia.

Nhưng câu chuyện thứ hai, quan trọng hơn nữa, là khi ông Trump đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc, điều đó bắt đầu tạo ra những sự chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Ngay cả Nhật Bản, và một phần nào đó là Hàn Quốc, cũng phải đề phòng trường hợp rủi ro từ việc chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng.

Không phải một sớm một chiều, câu chuyện chiến tranh thương mại với Trung Quốc kết thúc. Cho nên, câu chuyện chuyển dịch chuỗi cung ứng và sự bất ổn của chuỗi này vẫn sẽ còn đó.

Tình hình Mỹ với Đài Loan ra sao, thưa Đại sứ? Có vẻ Tổng thống Trump ngày càng quan tâm đến Đài Loan, trong sự đối đầu với Trung Quốc?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Câu chuyện Đài Loan, tôi thấy chưa có gì khác. Bởi vì về câu chuyện Đài Loan, cách tiếp cận của Mỹ vẫn chưa thay đổi, vẫn là “một Trung Quốc”.

Gần đây, chúng ta thấy Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar tới thăm Đài Loan. Thực ra, trước đây 20 năm, đã có bộ trưởng Mỹ thăm Đài Loan rồi. Mỹ chưa vượt qua lằn ranh để công nhận Đài Loan là một quốc gia.

Rồi chuyện bán vũ khí cho Đài loan, Mỹ vẫn làm thường xuyên. Và quan hệ kinh tế vẫn duy trì ở mức tốt như trước.

Tôi thấy không có sự thay đổi ở phía Mỹ, với xu hướng vượt qua lằn ranh.

Ông Biden và bà Thái Anh Văn

Ông Biden và bà Thái Anh Văn

Nhưng dưới thời Tổng thống Trump, dường như người ta lại thấy rõ hơn sự khăng khít của Mỹ với Đài Loan?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đúng vậy, ở cái cách quảng cáo của Tổng thống Trump. Ví dụ, khi bán vũ khí cho Đài Loan, cách quảng bá của ông Trump khác cách thể hiện của ông Obama. Ông Trump tỏ rõ cả lợi ích kinh tế, lẫn lợi ích chống Trung Quốc.

Vậy còn về Trung Đông? Ông đã ám chỉ Mỹ đã có cách giải quyết vấn đề Trung Đông thông qua mối liên kết giữa Israel và một số nước Ả rập?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Đúng vậy, nhưng đấy mới là sự khởi đầu.

Trong quan hệ với Trung Đông, Mỹ có hai điều khó. Nếu nhìn lại thời ông Biden làm phó cho ông Obama, chúng ta nhìn thấy một nguyên tắc rất lớn - đó là tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tiến trình này dựa trên hai vấn đề chính: một là tồn tại song song hai nhà nước Israel và Palestine, và thứ hai là đổi đất lấy hòa bình.Tức là sẽ có 1 số vùng đất mà Isarel xâm chiếm phải trả lại cho Palestine, để tạo thành hai nhà nước.

Đây là điều rất quan trọng, và nếu chúng ta nhớ lại là cuối thời của ông Obama, ông Phó Tổng thống Biden và Ngoại trưởng đã liên tục tới Trung Đông. Và Mỹ đã dựa rất nhiều vào mấy khung nghị quyết của Hội đồng Bảo an năm 1947-1948, cũng như chấm dứt chiến tranh năm 1967.

Thực ra, ông Trump đã gỡ bỏ trước rồi. Và câu chuyện thứ hai lúc nãy chúng ta nói là một loạt những nước Vùng Vịnh (Ả Rập) bắt đầu quan hệ với Israel.

Thứ ba, câu chuyện Syria, Iraq và Iran thời Tổng thống Obama giờ đã khác đi.

Câu chuyện Syria thời Obama là chống khủng bố, sau đó Mỹ đưa quân vào đó. Và một mục tiêu khác được dựng nên: ngoài chống khủng bố, một nhà nước dân chủ cần được thiết lập.

Nhưng đến thời ông Trump, ông đã không làm thế. Ông Trump muốn rút quân khỏi đó, và ông chỉ muốn chống khủng bố: sau khi bắn tên lửa xong, coi như chống khủng bố xong!

Hiện trường vụ đánh bom sứ quán Mỹ ở Iraq giữa tháng 11/2020 (Ảnh Getty)

Hiện trường vụ đánh bom sứ quán Mỹ ở Iraq giữa tháng 11/2020 (Ảnh Getty)

Một mâm cỗ hổ lốn hiện giờ được bày ra cho ông Biden. Mọi người rất tò mò xem ông “xơi” nó như thế nào?

Tôi nghĩ rằng ông Biden không thể bỏ qua việc Israel và các nước Ả rập đang xích lại gần nhau. Nhưng điều thứ hai là nguyên tắc “hai nhà nước cùng tồn tại”, thỏa thuận với Israel và Palestine, cũng như thế giới Ả rập thế nào, chắc ông Biden phải suy nghĩ cách tiếp cận khác.

Tôi nghĩ ông Biden đi theo cái hướng của Obama một phần. Nhưng bổ sung thêm giải pháp khác.

Thứ ba là vấn đề Iran, hàm chứa hai câu chuyện. Một là chính thời ông Obama và ông Biden làm phó đã sản sinh ra thỏa thuận P5+1 với Iran, liên quan đến Hiệp định Hạt nhân. Đến thời Tổng thống Trump, Mỹ bỏ hiệp định đó, cộng thêm với việc ra lệnh trừng phạt Iran.

Vậy ông Biden không dễ bỗng chốc quay trở lại hiệp định cũ được. Ở đây sẽ có hai điều kiện để quay lại hiệp định:

Một là Iran chắc chắn sẽ đòi hỏi bỏ các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Trump đã áp đặt; và thứ hai cũng cần phải kiểm chứng lại là liệu Iran trong thời gian vừa rồi, khi không có nước nào kiểm soát, đã phát triển hạt nhân đến đâu.

Đây là chuyện không dễ cho ông Biden. Đó là chưa kể Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tăng cường mở rộng ảnh hưởng ở vùng Trung Đông.

Tổng thống Nga Putin và Phó Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh AP

Tổng thống Nga Putin và Phó Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh AP

Ta chuyển sang câu chuyện Mỹ và Nga. Tại sao Tổng thống Putin là một trong những nguyên thủ cuối cùng, sau cả lãnh đạo Việt Nam, gửi thư chúc mừng Biden?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Bây giờ, chúng ta không thể võ đoán được về chuyện đó. Chỉ sau khi đại cử tri bỏ phiếu, Nga mới bày tỏ sự công nhận với ông Biden. Tức là, về mặt kỹ thuật, chỉ khi nước Mỹ quyết định người đắc cử, Nga mới công nhận. Đỡ mang tiếng là “can thiệp vào bầu cử”, như thời ông Trump (Cười).

Bây giờ quay trở lại câu chuyện chính trị, vốn gắn với châu Âu và Trung Đông trong thời gian dài. Đây là thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, hàm chứa câu chuyện Ukraine, Crimea, câu chuyện của dân chủ - nhân quyền, câu chuyện của việc NATO mở rộng biên giới sang phía Đông, và rất nhiều chuyện khác nữa.

Đặc biệt, nếu từ góc độ của đảng Dân chủ, còn có thêm chuyện “xâm nhập vào bầu cử của nước Mỹ” năm 2016. Những kết luận của đảng Dân chủ đúng hay sai, chúng ta chưa biết, nhưng chắc chắn đó là do đảng Dân chủ tạo nên. Ông Biden cần phải tiếp cận và nghĩ ra cách xử lý chuyện đó.

Bên cạnh đó, ông Trump để lại một di sản khác cũng rất xấu là quan hệ cạnh tranh Mỹ - Trung. Và Biden chưa chắc đã gỡ được, giống như thời ông Trump không thể gỡ được quan hệ với Nga.

Đây là một câu chuyện rất lý thú trong quan hệ cạnh tranh giữa các nước lớn. Quản trị có thể tốt, nhưng chắc chắn không thể tốt ngay lên được. Tức là quan hệ không thể tốt lên ngay trong thời kỳ ông Biden làm Tổng thống.

(Còn nữa)