Những lần đổi chủ của Cty Đầu tư nước sạch Sông Đà - Viwasupco

VietTimes -- Là đơn vị cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu vực phía Tây Nam Tp. Hà Nội, CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco - Mã CK: VCW) có lợi thế kinh doanh mà khó doanh nghiệp nào sánh được. Việc thoái vốn tại công ty này cũng đem về cho Vinaconex (tại thời điểm vẫn còn là doanh nghiệp Nhà nước) cả nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Viwasupco có lẽ là đơn vị cung cấp nước được người dân Thủ đô “ghi nhớ” nhiều nhất trong thời gian qua, không chỉ bởi sự độc quyền riêng có, mà còn bởi những lùm xùm liên quan đến sự cố vỡ đường ống nước hay mới đây là việc nguồn nước của công ty này cung cấp có mùi khét, nhiễm dầu thải.

Trước khi đổi tên thành CTCP Đầu tư nước sạch Sông Đà vào năm 2018, Viwasupco có một cái tên gắn liền với thương hiệu của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng (Vinaconex - Mã CK: VCG) là “CTCP Nước sạch Vinaconex”.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Viwasupco tiền thân là Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước trực thuộc Vinaconex (thành lập năm 2006).

Tháng 3/2009, Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinaconex đã ban hành quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex và tổ chức lễ ra mắt ít tháng sau đó tại Nhà máy nước Sông Đà (tỉnh Hòa Bình).

Đây cũng là năm dự án nước sạch Sông Đà - Hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư được nghiệm thu và đưa vào hoạt động, tổng mức đầu tư hơn 1.450 tỷ đồng, với khả năng cung cấp 300.000 m3 nước sạch/ngày đêm.

Tới cuối năm 2009, Viwasupco chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần, với mức vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. Địa bàn cung cấp nước của công ty là toàn bộ khu vực phía Tây Nam Tp. Hà Nội, gồm các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và một số khu vực khác thuộc Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị “Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Đông - Hà Nội”.

3 khách hàng lớn của Viwasupco là CTCP Viwaco (Viwaco), Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (Hawaco) và Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông.

Viwasupco tiền thân là Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước trực thuộc Vinaconex (Ảnh: Internet)
Viwasupco tiền thân là Ban chuẩn bị sản xuất Nhà máy nước trực thuộc Vinaconex (Ảnh: Internet)

Tái cấu trúc nhờ bán vốn cho nhà đầu tư ngoại

Một năm sau khi hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần, Viwasupco trở thành tấm gương điển hình trong chiến lược tái cấu trúc của công ty mẹ - Vinaconex.

Hoạt động tái cấu trúc thực chất là việc Vinaconex đã chuyển nhượng 21,8 triệu cổ phần VCW (tương đương 43,6% vốn điều lệ Viwasupco) cho nhà đầu tư nước ngoài là Công ty Acuatico Pte. Ltd, thu về khoản lợi nhuận 327 tỷ đồng. Thương vụ diễn ra vào ngày 11/11/2010.

Công ty Acuatico Pte. Ltd cùng với Vinaconex trở thành những cổ đông sáng lập của Viwasupco. Trong đó, Vinaconex vẫn nắm quyền chi phối với việc sở hữu 51% cổ phần.

Nhà đầu tư ngoại gắn bó với Viwasupco được hơn 5 năm, bởi tới ngày 25/4/2016, Acuatico Pte. Ltd đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang sở hữu CTCP Đầu tư và phát triển Sinh Thái (Sinh Thái).

Cơ cấu sở hữu của Viwasupco tại ngày 22/9/2016 trong bản cáo bạch niêm yết (Nguồn: VCW)
Cơ cấu sở hữu của Viwasupco tại ngày 22/9/2016 trong bản cáo bạch niêm yết (Nguồn: VCW)

Liên tục đổi chủ

Đến tháng 11/2017, Vinaconex tổ chức bán đấu giá 25,5 triệu cổ phần VCW nhằm thoái toàn bộ vốn đang nắm giữ tại Viwasupco. Phiên đấu giá được thực hiện thông qua CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Mức giá khởi điểm là 39.904 đồng/cổ phần.

Ban đầu, Vinaconex đưa ra những điều kiện ngặt nghèo đối với các nhà đầu tư muốn tham gia đấu giá, như: đã đầu tư và tham gia quản lý, vận hành nhà máy sản xuất nước sạch có quy mô tương tự quy mô hiện tại của Viwasupco trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng; hay đăng ký mua tối thiểu 5 triệu cổ phần.

Đáng chú ý, Vinaconex còn đưa ra điều kiện nhà đầu tư nhận chuyển nhượng vốn tại Viwasupco phải cam kết để công ty này ký hợp đồng “giao Vinaconex triển khai thi công Dự án nước sông Đà giai đoạn 2 theo định mức, đơn giá của Nhà nước và giảm khoảng 3%”.

Sau đó, Vinaconex đã thay đổi điều kiện trên thành “nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần Viwasupco từ Vinaconex cam kết ủng hộ để Viwasupco ký hợp đồng giao Vinaconex thực hiện thi công toàn bộ phần xây dựng Dự án nước sông Đà giai đoạn 2 theo đúng quy định của pháp luật”.

Dù có nhiều quy định ràng buộc, phiên đấu giá vẫn thu hút được sự tham gia của 2 nhà đầu tư là CTCP Cơ điện lạnh (Mã CK: REE) và cổ đông lớn của Viwasupco là công ty Sinh Thái. Các nhà đầu tư đặt mua tổng cộng 37,5 triệu cổ phần, tương đương 1,47 lần số cổ phần chào bán.

Kết quả phiên đấu giá cho thấy cả 2 nhà đầu tư đều đặt mức giá đấu ngang với giá khởi điểm và đều trúng đấu giá, còn Vinaconex thu về hơn 1.017 tỷ đồng.

Những diễn biến giao dịch sau đó thể hiện số cổ phần được phân phối cho 2 nhà đầu tư kể trên. Trong đó, REE được phân phối 17,34 triệu cổ phần, tương ứng với tỷ lệ sở hữu đạt 34,68%; công ty Sinh Thái mua thêm 8,16 triệu cổ phiếu VCW, nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,42%.

Biến động trong cơ cấu cổ đông của Viwasupco vẫn chưa dừng lại.

Ngày 4/1/2018, Sinh Thái thực hiện bán ra toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ. Trong khi, ở chiều hướng ngược lại, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (Gelex Energy) là nhà đầu tư tích cực mua gom cổ phần của Viwasupco, để chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối tại đây.

Cơ cấu sở hữu của Viwasupco tại ngày 30/6/2019, quy mô vốn điều lệ ở mức 750 tỷ đồng
Cơ cấu sở hữu của Viwasupco tại ngày 30/6/2019, quy mô vốn điều lệ ở mức 750 tỷ đồng

Xen giữa những cuộc “đổi ngôi” tại Viwasupco là sự góp mặt của CTCP Quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital). Quỹ đầu tư này đã mua vào hơn 3,41 triệu cổ phần Viwasupco, tương đương với 6,82% vốn điều lệ, nhưng đã thoái một phần vốn vào ngày 2/5/2018 để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 2,22%.

Quay trở lại với cơ cấu cổ đông của Viwasupco, tính đến ngày 30/6/2019, Gelex Energy vẫn nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 60,46%. Trong khi đó, REE đang đóng vai trò thứ yếu với tỷ lệ 35,88%, thậm chí chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu (36%) để có quyền phủ quyết.

Cần lưu ý rằng, cả Gelex Energy (thành viên của Tập đoàn Gelex) và REE đều thể hiện tham vọng lớn trong lĩnh vực nước sạch. Do đó, tỷ lệ sở hữu thứ yếu tại một doanh nghiệp giàu tiềm năng và lợi thế như Viwasupco khó có thể làm hài lòng những “ông chủ” của REE./.