Những kịch bản Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thế giới lo ngại về hậu quả thảm khốc có thể xảy ra từ các cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, giới phân tích đưa ra dự báo kịch bản cuộc chiến Ukraine leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Giới quan sát lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân do xung đột ở Ukraine (Ảnh: AP)
Giới quan sát lo ngại về nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân do xung đột ở Ukraine (Ảnh: AP)

Trong bối cảnh thế giới đang lo ngại về hậu quả thảm khốc có thể xảy ra từ các cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, giới phân tích chính trị-quân sự quốc tế lại thảo luận về một kịch bản thậm chí còn khủng khiếp hơn. Đó là, cuộc xung đột ở Ukraine có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân.

Trên thực tế, lâu nay truyền thông phương Tây vẫn không ngừng đưa tin về thảm họa khủng khiếp từ cái gọi là "đòn tấn công hạt nhân của Nga" sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh báo động cho lực lượng hạt nhân chiến lược chuyển sang trạng thái “đặc biệt”, nghĩa là trạng thái sẵn chiến đấu cao.

Câu chuyện hoang đường này được Mỹ và NATO sử dụng để biện minh cho chính sách cô lập Nga và ráo riết cung cấp vũ khí cho chính Ukraine. Mặt khác, ở phương Tây có nhiều người thực sự lo sợ rằng xung đột giữa Nga và Mỹ có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân và do đó họ đang tiến hành phân tích và đưa ra các kịch bản thảm khốc về bước leo thang cực kỳ nguy hiểm này.

Một trong những chuyên gia phân tích hàng đầu của Mỹ, Giáo sư John Mearsheimer thuộc Đại học Chicago, đã đăng tải bài viết trên tờ Foreign Affairs ngày 17/8 với tựa đề "Chơi với lửa ở Ukraine. Những rủi ro thảm khốc không thể lường trước được từ sự leo thang xung đột Ukraine".

Giáo sư John Mearsheimer không thuộc phe "diều hâu" ở Mỹ và là một người theo chủ nghĩa hiện thực. Ông là tác giả của lý thuyết "chủ nghĩa hiện thực tấn công". Ngay từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng Ukraine vào năm 2014, Giáo sư John Mearsheimer từng tuyên bố rằng chính phương Tây đã khiêu khích Nga bằng chiến lược Đông tiến. Giờ đây, ông đánh giá tình hình xung quanh Ukraine là “cực kỳ nguy hiểm”. Từ đó, ông đưa ra 3 kịch bản diễn biến các sự kiện ở Ukraine mà trong đó có kịch bản Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Giáo sư Mearsheimer cho rằng, hầu hết các chính trị gia Phương Tây đều tự tin một cách ngây thơ rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc bằng một thỏa thuận hòa bình với Nga có lợi cho phương Tây. Nghĩa là, trên thực tế, Nga hoàn toàn thất bại. Ông lưu ý rằng Phương Tây tin tưởng rằng sẽ tránh được sự leo thang với hậu quả thảm khốc bởi có rất ít người tin rằng các lực lượng Mỹ sẽ tham chiến hoặc Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Mearsheimer cho rằng lối tư duy này của Washington và các đồng minh là "hết sức phù phiếm" bởi theo ông nguy cơ leo thang xung đột đến mức thảm họa cao hơn rất nhiều so với những gì ở phương Tây người ta lầm tưởng.

Theo ông, có nhiều lý do nặng ký để đặc biệt lo ngại về kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong đó, lý do chủ yếu là trên thực tế Nga và Mỹ đều quyết tâm giành chiến thắng và tránh thất bại. Đây là động lực khiến hai bên sẵn sàng leo thang xung đột. Điều này có nghĩa là, Mỹ có thể tham gia cuộc chiến bởi họ muốn giành chiến thắng hoặc không để Ukraine thất bại. Trong khi đó, Nga cũng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân vì họ muốn giành chiến thắng hoặc trong trường hợp phải đối mặt với nguy cơ thất bại một khi Mỹ đưa quân vào tham chiến. Nghĩa là, trước khi Nga buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân, diễn biến cuộc chiến Ukraine phải leo thang đến mức cực kỳ nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, Giáo sư John Mearsheimer dự báo 3 kịch bản hành động của các bên. Kịch bản 1: một hoặc cả hai bên cố tình leo thang để giành chiến thắng. Kịch bản 2: một hoặc cả hai bên cố tình leo thang để ngăn chặn thất bại. Kịch bản 3: giao tranh leo thang không do chủ ý của các bên mà là do các yếu tố ngẫu nhiên. Trong đó, mỗi kịch bản đều có thể dẫn đến hậu quả là Mỹ trực tiếp tham chiến hoặc Nga buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân, hoặc cả hai đều sử dụng vũ khí hạt nhân. Tất cả ba kịch này đều có một điểm chung là sự can thiệp trực tiếp của Mỹ.

Theo kịch bản thứ nhất, sau khi xung đột đã kéo dài 1 năm hoặc lâu hơn, Ukraine vẫn không có cửa thắng, còn Mỹ muốn chấm dứt cuộc chiến do không còn có thể chịu đựng được gánh nặng chi phí khổng lồ để có thể tiếp tục giúp Ukraine trong khi phải tập trung nỗ lực đối phó với Trung Quốc. Khi đó, Mỹ có thể thực hiện phương án "thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine”, hoặc điều một lực lượng Lục quân hạn chế đến tham chiến cùng với Quân đội Ukraine. Nhưng ông Mearsheimer đánh giá kịch bản này ít khả năng xảy ra nhất.

Theo kịch bản hai, Mỹ sẽ tham chiến khi Quân đội Ukraine đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, còn Nga sẽ giành chiến thắng. Trong trường hợp này, động cơ chủ yếu của Mỹ là do không chịu “bẽ mặt” sau khi đã đổ quá nhiều tinh thần và lực lượng vào cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine mà không thể đánh bại Nga. Khi đó, Mỹ sẽ đưa một lực lượng hạn chế vào tham chiến vừa đủ để giúp Ukraine đánh bại Nga nhưng không lớn đến mức có thể kích động ông Putin phải sử dụng vũ khí hạt nhân.

Kịch bản thứ ba là một sự leo thang ngoài ý muốn. Trong đó, Mỹ không chủ ý và bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự do một sự kiện không lường trước được. Ví dụ, một vụ va chạm ngẫu nhiên của máy bay chiến đấu Mỹ và Nga trên vùng trời Baltic, hoặc Litva (Lithuania) phong tỏa khu vực Kaliningrad của Nga và bị Nga đáp trả. Khi đó, vì Litva là một thành viên của NATO nên Mỹ gần như chắc chắn sẽ bảo vệ một khi bị Nga tấn công. Hoặc, một số nhân viên thực hiện sứ mệnh nhân đạo, lính đặc nhiệm và tình báo hoặc cố vấn quân sự Mỹ bị thiệt mạng do hậu quả cuộc tấn công của Nga vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Hoặc, Ukraina bắn phá nhà máy điện nguyên tử Zaporozhzhia buộc Nga phải kích hoạt một cuộc tấn công trả đũa nhằm vào một lò phản ứng hạt nhân của châu Âu. Khi đó Mỹ sẽ nhảy vào tham chiến.

Rõ ràng, các kịch bản leo thang không chủ ý rất đa dạng nhưng hầu hết đều không có cơ sở. Ví dụ, ai có thể tin rằng Latvia có thể tự mình tổ chức cuộc phong tỏa khu vực Kaliningrad của Nga mà không được phép của Mỹ. Còn vụ va chạm giữa máy bay Mỹ và Nga sẽ cực kỳ đáng lo ngại nhưng chắc chắn là sẽ không đủ để khiến Mỹ đưa quân vào Ukraine.

Giáo sư John Mearsheimer còn nêu ra kịch bản Nga tấn công mạng châu Âu. Thực tế, Nga chỉ có thể hành động như vậy trong trường hợp phải đáp trả một cuộc tấn công tương tự từ Phương Tây.

Như vậy, tất cả các kịch bản leo thang xung đột có thể dẫn đến sự can thiệp trực tiếp của Mỹ là rất khó xảy ra. Ông Mearsheimer cũng thừa nhận có những động lực mạnh mẽ để ngăn quân đội Mỹ tham chiến ở Ukraine. Trong đó, động lực quan trọng nhất và mạnh mẽ nhất để ngăn sự can thiệp trực tiếp của Mỹ là “lằn ranh đỏ” đã từng được Tổng thống Putin vạch ra rõ ràng trong thông điệp ngày 24/2/2022. Theo ông Mearsheimer, Washington nhận thức rõ điều này. Nên nhớ rằng, vũ khí hạt nhân của Nga chỉ là một biện pháp răn đe. Trong trường hợp cuộc xung đột ở Ukraine, vũ khí hạt nhân của Nga chỉ nhằm ngăn chặn hành động của Mỹ can dự quân sự trực tiếp vào cuộc chiến này.

Theo Giáo sư Mearsheimer, nếu như các lực lượng của Ukraine sẵn sàng đánh bại quân đội Nga và giành lại phần lãnh thổ đã mất thì Moscow sẽ coi kết cục này là nguy cơ khủng khiếp nhất và cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả. Trong trường hợp này, Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân không phải để đối đầu với Mỹ mà là để chống lại Ukraine mà không leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới. Tuy nhiên khả năng này rất khó xảy ra bởi Nga có đầy đủ vũ khí phi hạt nhân hoàn toàn đủ sức ngăn chặn cuộc tấn công của Ukraine. Hơn nữa, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga chỉ nhằm đưa Ukraine trở về với “thế giới Nga”, vào “ngôi nhà chung” của Nga. Vậy nên Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trong chính “ngôi nhà chung” của mình.

Trên thực tế, mục tiêu mà phương Tây và Nga theo đuổi ở Ukraine là hoàn toàn khác nhau. Trong khi Nga chỉ muốn duy trì vai trò trung lập của Ukraine, thì phương Tây lại muốn làm sụp đổ Nga để duy trì sự thống trị thế giới của họ. Thế nhưng, không sớm thì muộn, sự thống trị thế giới của Mỹ sẽ sụp đổ. Chính vì thế, Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân như một công cụ răn đe chiến lược nhằm ngăn chặn mọi hành động phiêu lưu của Mỹ và phương Tây ở Ukraine mà thôi.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (Ảnh: TASS)

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (Ảnh: TASS)

Trước động thái truyền thông phương Tây đưa tin rằng Nga đang đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Bình luận về thông tin này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố: “Nga không cần sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine để đạt được mục tiêu đề ra.”

Ông Shoigu cho biết thêm rằng, Nga cần duy trì Lực lượng hạt nhân để ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân; vũ khí hạt nhân của Nga chỉ được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp đã được xác định rất rõ ràng và công khai trong các văn kiện chỉ đạo chính thức của Nga. Đó là, ngăn chặn một cuộc chiến tranh xâm lược Nga bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường, hoặc trong tình huống sự tồn vong của nước Nga bị đe dọa./.

Theo RIA Novosti