Những Gapo, Tima, BeatVN, GameTV của G-Group làm ăn ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đa số các công ty thành viên trong hệ sinh thái của G-Group như Gapo, Tima, BeatVN , GTV … có tăng trưởng mạnh về khách hàng và doanh thu nhưng đều báo lỗ các năm gần đây.
Những Gapo, Tima, BeatVN, GameTV của G-Group làm ăn ra sao? (Nguồn: Internet)
Những Gapo, Tima, BeatVN, GameTV của G-Group làm ăn ra sao? (Nguồn: Internet)

Không giống như những mô hình kinh doanh truyền thống, các công ty công nghệ đầu tư vào startup như G-Group lấy tốc độ tăng trưởng và thị phần làm tiêu chí hàng đầu để đánh giá hiệu quả các khoản đầu tư trong những năm đầu. Trong giai đoạn đầu này, các startup thường dồn nguồn lực cho việc xây dựng sản phẩm, nền tảng công nghệ và chiếm lĩnh thị trường, do đó việc chấp nhận lỗ giai đoạn đầu để tăng trưởng là điều thường thấy trong giới công nghệ. Điều này tương đồng với với các startup công nghệ lớn trên thế giới như Uber, Grab...hay Momo, Tiki tại Việt Nam khi các công ty này đốt hàng nghìn tỷ một năm để tăng trưởng.

Những Gapo, Tima, BeatVN, GTV của G-Group làm ăn ra sao? (Nguồn: Internet)

Những Gapo, Tima, BeatVN, GTV của G-Group làm ăn ra sao? (Nguồn: Internet)

CTCP Tập đoàn G (G-Group) là Tập đoàn Công nghệ được thành lập vào năm 2016, sở hữu hệ sinh thái hơn 30 triệu người dùng với 11 công ty thành viên, tập trung đầu tư phát triển trong 3 lĩnh vực: Tài chính Công nghệ, Truyền thông Công nghệ và An Ninh Công nghệ.

Theo tìm hiểu của VietTimes, G-Group tiền thân là CTCP Tập đoàn Gplay, trụ sở chính đặt tại toà nhà N01A Golden Land, 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Khởi đầu với vốn điều lệ 30 tỉ đồng, G-Group có 4 cổ đông sáng lập là ông Phùng Anh Tuấn (nắm giữ 87% VĐL), ông Bùi Tiến Thành (5%), ông Tô Đại Hoàng (5%) và ông Nguyễn Minh Đức (3%).

Tháng 8/2018, G-Group nâng vốn điều lệ lên 60 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông có sự thay đổi lớn khi ông Phùng Anh Tuấn đã thoái hết vốn. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của 3 cổ đông cá nhân còn lại cùng tăng thêm 1%, lần lượt là 6%, 6% và 4% vốn điều lệ.

Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Phùng Anh Tú (SN 1988) – cùng địa chỉ thường trú với ông Phùng Anh Tuấn (SN 1984).

Trước khi G-Group ra đời, ông Phùng Anh Tuấn được nhiều người biết đến với vai trò người điều hành F88, chuỗi cửa hiệu cầm đồ đầu tiên tại Việt Nam.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, từ khi thành lập đến nay, G-Group chưa từng báo lãi. Như năm 2016 và 2017, công ty này ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 444 triệu đồng và 6 tỉ đồng, báo lỗ thuần ở mức 1 tỉ đồng và 720 triệu đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của G-Group đạt 32,6 tỉ đồng, tăng gấp 1,4 lần so với năm trước; lỗ thuần cũng tăng lên 5,3 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 1,88 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của G-Group đạt 239,6 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 152,1 tỉ đồng, lần lượt tăng gấp 4 lần và 2,7 lần so với thời điểm đầu năm., tăng trưởng mạnh về người dùng và doanh thu, tuy nhiên vẫn báo lỗ.

Tương tự G-Group, các công ty thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn này cũng có kết quả kinh doanh khá tương đồng, tăng trưởng mạnh về người dùng và doanh thu, tuy nhiên vẫn báo lỗ.

Các thành viên trong hệ sinh thái của G-Group (Nguồn: G-Group)

Các thành viên trong hệ sinh thái của G-Group (Nguồn: G-Group)

Hệ sinh thái G-Group làm ăn thế nào?

Tháng 7/2019, mạng xã hội Gapo chính thức được ra mắt bởi CTCP Công nghệ Gapo (Gapo). Đáng chú ý, ngay trong lễ ra mắt, Gapo đã nhận được cam kết rót vốn lên tới 500 tỉ đồng từ G-Capital – một quỹ đầu tư thuộc hệ sinh thái của G-Group.

Sau gần 1 tháng ra mắt, Gapo cán mốc 1 triệu người dùng. Các chỉ số liên tục tăng trưởng, số người dùng lên tới 3 triệu vào tháng 12/2019, hơn 4 triệu vào tháng 7/2020 và thời điểm hiện tại là hơn 6 triệu.

Gapo có vốn điều lệ 10 tỉ đồng, trong đó G-Group góp 3,5 tỉ đồng, tương đương sở hữu 35% vốn. 2 cổ đông còn lại là CTCP Giải pháp Công nghệ cao Việt Sifo (35%) và ông Hà Trung Kiên (30%).

Năm 2019, Gapo không phát sinh doanh thu, cùng đó báo lỗ thuần ở mức 32,1 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Gapo đạt 20,78 tỉ đồng.

Cập nhật đến cuối tháng 7/2020, Gapo nâng vốn điều lệ lên 100 tỉ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Hà Trung Kiên (SN 1986). Được biết, ông Kiên còn là người đại diện của CTCP Thanh toán G (Gpay).

Gpay hoạt động trong lĩnh vực tài chính di động, cung cấp giải pháp công nghệ cho ứng dụng chuyển tiền nhanh 24/7 – ứng dụng đầu tiên triển khai mô hình ATM di động (tương tự mô hình Uber for cash – Sharing Economy).

Thành lập vào tháng 3/2018 với vốn điều lệ ban đầu 50 tỉ đồng, Gpay có 3 cổ đông sáng lập là G-Group (nắm giữ 89% VĐL), ông Hà Trung Kiên (10%) và ông Phùng Anh Tú (1%) – Tổng giám đốc G-Group.

Tháng 4/2020, Gpay được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán số 37/GP-NHNN. Hiện nay, Gpay cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán, thu chi hộ…

Về kết quả kinh doanh, năm 2019, Gpay ghi nhận hơn 1000 tỷ đồng GMV với mạng lưới khách hàng B2B tại 42 tỉnh thành, quy mô doanh thu thuần đạt 1,1 tỉ đồng, báo lỗ thuần ở mức 5 tỉ đồng. Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Gpay đạt 43,8 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 42,8 tỉ đồng.

Cũng trong lĩnh vực tài chính công nghệ, hệ sinh thái G-Group còn có sự góp mặt của CTCP Tập đoàn Tima (Tima) – nhà cung cấp nền tảng công nghệ cho vay ngang hàng (P2P) đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam.

Tham gia vào thị trường từ năm 2015, tháng 6/2016, Tima bắt đầu triển khai sàn kết nối tài chính, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính trên toàn quốc. Đến nay, Tima đã nhận đầu tư 4 triệu USD từ các quỹ ngoại Belt Road Capital Management, Dunearn Pte Ltd, với định giá công ty gần 500 tỉ đồng.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, dù ghi nhận số lượng lớn người tham gia vay (hơn 4 triệu) và cho vay (hơn 41 ngàn), quy mô doanh thu hàng năm vẫn tăng trưởng mạnh song Tima lại liên tục báo lỗ. Như năm 2016 và 2017, Tima ghi nhận doanh thu thuần đạt lần lượt 0,2 tỉ đồng và 5,1 tỉ đồng, báo lỗ thuần ở mức 1,1 tỉ đồng và 8 tỉ đồng.

Năm 2019, doanh thu thuần của Tima đạt 41,7 tỉ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2018; lỗ thuần ở mức 25,9 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 15,1 tỉ đồng.

Ngoài các thành viên kể trên, hệ sinh thái của G-Group còn một số công ty khác như CTCP Beat Việt Nam (BeatVN), CTCP Công nghệ GTV Việt Nam (GTV), CTCP An ninh mạng Việt Nam (VSEC), Công ty TNHH G Capital (G-Capital), CTCP G-Innovations Việt Nam (G- Innovations).

Trong đó, BeatVN hoạt động trong lĩnh vực truyền thông giải trí, cung cấp nội dung số mỗi ngày trên các lĩnh vực xã hội, nghệ thuật, thể thao, đời sống giới trẻ. Hiện BeatVN đang sở hữu trang Facebook hơn 1,6 triệu like và channel Youtube cùng tên với gần 300.000 người đăng ký cùng mạng lưới social media hàng đầu giới trẻ Việt với hơn 30 triệu followers trong hệ thống.

Còn GTV, ban đầu có tên gọi là GameTV, được thành lập vào năm 2010, kinh doanh dựa trên tựa game Age of Empires (viết tắt: AoE, còn gọi là Đế Chế tại Việt Nam). Công ty này hoạt động trong lĩnh vực eSports (thể thao điện tử), livestream, đào tạo và phát triển Idols, streamers và phát hành game.

Đặc biệt, GameTV cũng là đơn vị game thủ Chim Sẻ Đi Nắng từng đầu quân.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, BeatVN và GameTV chỉ báo lãi duy nhất 1 lần. Cụ thể, năm 2018, BeatVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 7,9 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 1 tỉ đồng. Các năm 2016, 2017 và 2019, công ty này báo lỗ từ 300 – 600 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, GTV mặc dù ghi nhận cộng đồng hàng triệu người dùng nhưng báo lãi duy nhất một lần vào năm 2017 với 1,4 tỉ đồng. Năm 2016 và 2018, công ty này báo lỗ thuần lần lượt 918 triệu đồng và 738 triệu đồng. Đỉnh điểm là năm 2019, lỗ thuần của GTV ở mức 10,77 tỉ đồng.

CTCP An ninh mạng Việt Nam (VSEC) hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin. Sau hơn 16 năm phát triển, hiện VSEC đang cung cấp những giải pháp an toàn thông tin cùng những sản phẩm công nghệ cao cho thị trường trong và ngoài nước.

CTCP G-Innovations Việt Nam (G-Innovations) là đơn vị nghiên cứu phát triển công nghệ lõi và sản xuất các thiết bị công nghệ cao, iot, là đối tác chiến lược của nhiều công ty công nghệ lớn như Qualcomm, Infineon, Em-tech, IDT, Crucial Tec.