Những động thái bất thường đáng chú ý trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Đài Loan

VietTimes – Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn hôm 23/8 đã đến đảo Kim Môn, tiền đồn quân sự cách Trung Quốc chỉ hơn 2 km, để kỷ niệm 62 năm "Trận Pháo chiến 23/8". Khác những năm trước, Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) cùng một số quan chức Mỹ lần đầu tiên tham dự sự kiện, gây xôn xao dư luận.
Đảo Tiểu Kim Môn chỉ cách thành phố Hạ Môn, Phúc Kiến hơn 2km, là tiền đồn quân sự của Đài Loan (Ảnh: Getty).
Đảo Tiểu Kim Môn chỉ cách thành phố Hạ Môn, Phúc Kiến hơn 2km, là tiền đồn quân sự của Đài Loan (Ảnh: Getty).

Ông Akio Yaita Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun Nhật Bản nói với BBC tiếng Trung, động thái của Mỹ là để đáp lại giọng điệu của cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu của phe Quốc Dân Đảng (KMT) thân Trung Quốc đại lục về cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan mấy tuần trước. Đặc biệt, Mã Anh Cửu nói rằng nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, quân đội Mỹ sẽ không thể có mặt.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Fox News: liệu Mỹ có can thiệp nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào hay không, đã trả lời: "Đây không phải là nơi thích hợp để nói về điều này, nhưng Trung Quốc biết tôi sẽ làm gì, Trung Quốc biết rất rõ. Tôi không muốn tôi nói tôi sẽ làm như thế nào hoặc sẽ không làm như thế nào. Đây không phải là nơi thích hợp để nói về chuyện này”.

Hôm 23/8, bà Thái Anh Văn và Giám đốc Viện AIT Mỹ William Christensen đã bất ngờ tới Kim Môn để tưởng niệm các quân nhân tử trận trong trận "Pháo chiến Kim Môn" năm 1958 (Ảnh: NOW News).
Hôm 23/8, bà Thái Anh Văn và Giám đốc Viện AIT Mỹ William Christensen đã bất ngờ tới Kim Môn để tưởng niệm các quân nhân tử trận trong trận "Pháo chiến Kim Môn" năm 1958 (Ảnh: NOW News).

Giới chức Mỹ ở Đài Loan lần đầu tiên đến thăm Kim Môn

Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT) đã đưa ra một tuyên bố trên Facebook rằng Giám đốc William Christensen đã bay đến Kim Môn để cùng với bà Thái Anh Văn tưởng nhớ 2 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong trận đấu pháo năm 1958. AIT cũng tuyên bố tháng 8/2020 là “Security Cooperation Month” (Tháng hợp tác an ninh) giữa Mỹ và Đài Loan, đồng thời bày tỏ “lịch sử hợp tác an ninh Mỹ-Đài Loan có thể được truy nguồn từ vài thập kỷ trước và nó luôn là một phần cực kỳ quan trọng trong quan hệ đối tác của chúng tôi”.

Nhà nghiên cứu quốc phòng Đài Loan Ngô Di Nông nói với BBC tiếng Trung rằng vụ pháo kích dai dẳng vào Kim Môn tượng trưng cho sự kiên cường của Đài Loan và cả sự hợp tác giữa Đài Loan và Mỹ.

Ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư Chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Baptist Hồng Kông, nói với BBC tiếng Trung, các quan chức cấp cao của AIT đến thăm Kim Môn vào thời điểm này là để bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan và “quan trọng hơn là thể hiện ủng hộ việc duy trì hiện trạng ở eo biển Đài Loan”.

Ông Cabestan giải thích rằng điều đáng chú ý là khi trận đấu pháo diễn ra vào năm 1958, Mỹ không trực tiếp hỗ trợ Kim Môn và Mã Tổ mà chỉ hỗ trợ vận chuyển, vì quần đảo Kim Môn và Mã Tổ khi đó không nằm trong Hiệp ước phòng thủ chung ký giữa Đài Loan và Mỹ. Ông cho rằng bây giờ các quan chức của Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan đã tới Kim Môn, nhằm bày tỏ nếu Kim Môn bị Trung Quốc xâm lược, Mỹ sẽ đáp trả.

Năm 2016, sau khi thất bại, ông Mã Anh Cửu tham dự lễ nhậm chức của bà Thái Anh Văn (Ảnh: Getty).
Năm 2016, sau khi thất bại, ông Mã Anh Cửu tham dự lễ nhậm chức của bà Thái Anh Văn (Ảnh: Getty).

Trước sự tương tác thường xuyên giữa Đài Loan và Mỹ, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc hôm 14/8 bình luận: "Người Trung Quốc nói chung không còn tin rằng một khi chiến tranh nổ ra ở eo biển Đài Loan, quân đội Mỹ có khả năng chủ đạo tình hình chiến trường" và tuyên bố PLA có khả năng chiếm đảo Đài Loan chỉ trong vài giờ. Báo này ngày 23/8 bình luận: “Ba bên Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan đều nên nỗ lực làm dịu căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Vì ba bên đều không muốn chiến tranh nổ ra, cần thể hiện thiện chí của mình thúc đẩy hòa bình”.

"Trận chiến đầu tiên cũng là trận cuối”?

Tuy nhiên, theo phân tích bên ngoài, người Mỹ đến Kim Môn, chỉ cách Hạ Môn, Trung Quốc 2,3 km, vào lúc này không chỉ để bày tỏ thương tiếc cái chết của các binh sĩ khi xưa, mà còn để đáp trả một loạt phát biểu gần đây của cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, trong đó có việc chỉ trích bà Thái Anh Văn "thân Mỹ chống Đại Lục" và lập luận rằng Mỹ không thể xuất quân vào lúc này.

Vào ngày 12/8, chưa đầy 24 giờ sau khi Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar và đoàn của ông tới Đài Loan, Mã Anh Cửu lập tức có bài phát biểu trước công chúng tại Đài Bắc, nói rằng nếu hai bên eo biển xảy ra chiến tranh thì “đây là trận đầu tiên cũng là trận cuối cùng”, đã gây náo động trên chính trường.

Mã Anh Cửu nói: "Cuộc tấn công của PLA vào Đài Loan là trận đánh đầu tiên và cũng là trận cuối, vì vậy Đài Loan không có cơ hội chờ đợi sự hỗ trợ của quân đội Mỹ, mà bây giờ quân đội Mỹ cũng không thể đến giúp được”.

Vào ngày 22/8, Quỹ Mã Anh Cửu đã tổ chức cuộc "Hội thảo Quốc gia không an toàn". Mã Anh Cửu một lần nữa chỉ trích bà Thái Anh Văn không chấp nhận "Đồng thuận 1992" là "chọn sai đường lối quốc gia và khinh suất đẩy đất nước đến bờ vực chiến tranh", "Thái Anh Văn thà chịu rủi ro chiến tranh, chứ không muốn chấp nhận Đồng thuận năm 1992 có thể thúc đẩy hòa bình và tránh chiến tranh và còn ác ý xuyên tạc nó thành một quốc gia, hai chế độ”.

Hệ thống lấy nước ngọt Long Hồ ở Tấn Giang, Phúc Kiến cung cấp cho đảo Kim Môn được xây dựng thời kỳ sau 1992 (Ảnh: Tân Hoa xã).
Hệ thống lấy nước ngọt Long Hồ ở Tấn Giang, Phúc Kiến cung cấp cho đảo Kim Môn được xây dựng thời kỳ sau 1992 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ngoài ra, Tô Khởi, người nghĩ ra cụm từ “đồng thuận 1992”, nói tại cuộc hội thảo rằng chính phủ của Thái Anh Văn đã để người dân Đài Loan hiểu lầm rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Đài Loan, nhưng sự thật là "Mỹ lực bất tòng tâm". Tô Khởi nói rằng một khi hai bên eo biển đánh nhau, Mỹ không thể đảo ngược tình thế vì các tàu sân bay Mỹ đã già cỗi và việc bảo trì lạc hậu.

Bà Thái Anh Văn đã trả lời Mã Anh Cửu trên Facebook vào ngày 23/8 rằng: "Tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, việc tìm ra kẻ thù trong nước là điều không có ý nghĩa. Tôi xin ông Mã hãy bình tĩnh suy nghĩ về lý do tại sao ý tưởng của ông lại khác xa với dư luận chính thống đến như vậy và có khoảng cách lớn như vậy với cộng đồng quốc tế”.

Ông Jean-Pierre Cabestan cho rằng lời chỉ trích của Mã Anh Cửu đối với bà Thái Anh Văn đã đưa Đài Loan đến bờ vực chiến tranh là không công bằng và không đúng sự thật: "So với ông Trần Thủy Biển, chính sách qua eo biển của bà Thái Anh Văn ổn định hơn và Mỹ có thể tin tưởng bà ấy. Quan hệ căng thẳng trên eo biển Đài Loan phải bắt nguồn từ các cuộc tập trận liên tục do Bắc Kinh và PLA tổ chức những ngày này và các hành động khiêu khích Đài Loan”. Ông Cabestan nói với BBC tiếng Trung.

Tuy nhiên, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 24/8 đăng bài khẳng định: "Trung Quốc xưa nay không có gene gây hấn và bành trướng, cũng chưa bao giờ mở rộng yêu sách chủ quyền; kiên trì trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử và căn cứ luật pháp quốc tế, thông qua đàm phán và tham vấn với các nước láng giềng để giải quyết tranh chấp về lãnh thổ và quyền lợi biển với các nước láng giềng”.

Đôi co về đường lối hai bờ eo biển giữa Mã Anh Cửu và Thái Anh Văn

Đáp lại những phát biểu liên tục của Mã Anh Cửu, ông Akio Yaita của Sankei Shimbun Nhật Bản, nói với BBC tiếng Trung rằng đây là trận chiến tấn công và phòng thủ của Mã Anh Cửu với Thái Anh Văn về đường lối hai bờ eo biển.

Bà Thái Anh Văn thị sát một trận địa pháo binh ở Kim Môn hôm 23/8 (Ảnh: China Times).
Bà Thái Anh Văn thị sát một trận địa pháo binh ở Kim Môn hôm 23/8 (Ảnh: China Times).

Akio Yaita cho rằng Mã Anh Cửu lấy tư cách “chỉ huy ba quân” trước đây để phê phán chính sách xuyên eo biển của bà Thái Anh Văn và đặc biệt đề cập đến việc quân đội Đài Loan không có khả năng chống lại PLA, đã “ảnh hưởng nghiêm trọng đến quân tâm, chính phủ Thái Anh Văn phải quay lại phòng thủ với tất cả sức mạnh của mình. Việc bà lập tức đến nghĩa trang quân đội và thay mặt chính phủ Đài Loan khen thưởng cho cựu Viện trưởng Hành chính Đài Loan Hách Bá Thôn - tướng chỉ huy chính trong trận “Pháo chiến 23/8” - là nhằm ổn định tinh thần cho quân đội”.

Ông Akio Yaita cũng phân tích, trong thời gian Trung Quốc họp Hội nghị Bắc Đới Hà, Mã Anh Cửu tiếp tục chỉ trích đường lối "thân Mỹ chống Trung Quốc" của bà Thái Anh Văn và liên tục thúc đẩy chủ trương "đồng thuận năm 1992”, “một nước Trung Quốc". Động thái này nhằm mở lại cánh cửa đối thoại với Bắc Kinh của Đài Loan vì cựu thị trưởng Cao Hùng Hàn Quốc Du và Thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết không còn nhận được sự ủng hộ của đa số dân chúng nữa.

"Tuy nhiên, Thái Anh Văn đã đưa Hứa Thắng Hùng, một doanh nhân Đài Loan nổi tiếng từng là phó chủ tịch Hội Quỹ eo biển (SFF) thời Mã Anh Cửu lên làm chủ tịch SEF. Đây cũng là tỏ dấu hiệu cho Bắc Kinh thấy vẫn còn chỗ cho đối thoại”, Akio Yaita nhấn mạnh.

Văn phòng của Mã Anh Cửu đã phản ứng lại những lời chỉ trích, nói Mã Anh Cửu cũng “phản đối việc Đảng Cộng sản Trung Quốc không từ bỏ việc sử dụng vũ lực để tấn công Đài Loan và các cuộc tập trận quân sự chống lại Đài Loan” và nhấn mạnh rằng chính phủ Thái Anh Văn “ngoài việc không tìm kiếm hoặc sợ chiến tranh, cần tích cực tránh chiến tranh để bảo vệ an toàn cho người dân”.

Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc diễn tập giả định đánh chiếm Đài Loan (Ảnh: toutiao).
Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc diễn tập giả định đánh chiếm Đài Loan  (Ảnh: toutiao).

Các cuộc tập trận quân sự liên tục ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương

Bất kể sự khác biệt về chính sách xuyên eo biển giữa hai đời lãnh đạo Đài Loan, trong hai tháng qua, các cuộc tập trận quân sự của Mỹ, Trung Quốc ở eo biển Đài Loan đã nối tiếp nhau, thậm chí không ngừng leo thang.

Trong vài tháng qua, Mỹ đã điều nhiều loại tàu chiến, bao gồm cả tàu sân bay, tới eo biển Đài Loan và Biển Đông, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận chung với Australia và Nhật Bản.

Vào ngày 21/7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản và Lực lượng Phòng vệ trên biển đã viết tweet nói hải quân ba nước Nhật Bản, Hoa Kỳ và Australia đang tiến hành các cuộc tập trận chung ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông. Ngày 18/8, Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản và quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận chung quy mô lớn khác, huy động 39 máy bay quân sự bao gồm F-15 đến vùng trời xung quanh Biển Hoa Đông và các đảo Tây Nam Nhật Bản để huấn luyện không chiến.

Đáp trả Mỹ, Bắc Kinh đã lần lượt tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn.

Tàu khu trục Mỹ và Nhật Bản tập trận trên biển Hoa Đông hôm 18/8 (Ảnh: Đông Phương).
Tàu khu trục Mỹ và Nhật Bản tập trận trên biển Hoa Đông hôm 18/8 (Ảnh: Đông Phương).

Từ cuối tháng 7/2020, PLA đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở biển Hoa Đông, Biển Đông, Hoàng Hải và Bột Hải. Trong gần 1 tháng qua, PLA đã tiến hành ít nhất 8 cuộc tập trận và huấn luyện quân sự quy mô lớn.

Cục An toàn Hàng hải Đường Sơn của Trung Quốc đã ban hành cảnh báo hàng hải trong tuần này, thông báo rằng từ 0 giờ ngày 24/8 đến 12 giờ đêm ngày 30/9, các hoạt động bắn đạn thật sẽ được thực hiện ở biển Bột Hải trong hơn một tháng, trong thời gian đó các tàu thuyền bị cấm đi vào.

Tờ Lianhe Zaobao của Singapore hôm thứ Hai (24/8) phân tích rằng các cuộc tập trận gần đây của PLA ở Hoàng Hải và Biển Đông “có ý định tấn công theo hai gọng kìm Bắc-Nam và có ý đồ bao vây Đài Loan”. Ngô Di Nông nói với BBC tiếng Trung: bị kẹp giữa Mỹ và Trung Quốc, Đài Loan cần một hệ thống để huy động cộng đồng toàn xã hội...

(Theo BBC tiếng Trung)