Những diễn biến mới nhất xung quanh tình hình đông Ukraine và khủng hoảng Nga-Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù ngày 15/2 Nga đã thông báo sẽ rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine, nhưng Tổng thống Mỹ Biden vẫn cảnh báo Nga sẽ tấn công Ukraine trong thời gian tới. Các cuộc đấu pháo ở Donbass đã bùng phát hôm 17/2 hiện vẫn tiếp diễn với thương vong của dân thường và binh sĩ.
Pháo binh Ukraine đấu súng với các lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine (Ảnh: AP).
Pháo binh Ukraine đấu súng với các lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine (Ảnh: AP).

Ông Biden: Nga muốn trực tiếp chiếm Kiev

Tối 18/2 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Biden trong bài phát biểu được truyền hình từ Nhà Trắng nói, ông tin tưởng chắc chắn rằng "Putin đã đưa ra quyết định (tấn công Ukraine)" và "chúng tôi có lý do để nghĩ như vậy" dù Nga đã nhiều lần phủ nhận Ông Biden vẫn nói, "Chúng tôi tin rằng Nga sẽ nhắm vào Kiev, thủ đô của Ukraine với 2,8 triệu người dân vô tội."

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden cũng nhấn mạnh rằng Nga vẫn có sự lựa chọn: hoặc phát động một cuộc chiến tranh phi nghĩa, thảm khốc, hoặc tiến hành một nỗ lực ngoại giao. "Chừng nào cuộc xâm lược còn chưa bắt đầu, thì ngoại giao luôn là một lựa chọn."

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ông nói với thế giới bên ngoài sau khi nói chuyện với Tổng thống Mỹ Biden, lãnh đạo nhiều nước phương Tây, đại diện của NATO và Liên minh châu Âu rằng, nhiệm vụ cốt lõi hiện nay là "giữ cho cửa sổ ngoại giao rộng mở." Scholz nhấn mạnh rằng có một nguy cơ "rất thực tế" về một cuộc xâm lược của Nga, do Nga có 150.000 quân đồn trú gần biên giới Ukraine.

Ảnh vệ tinh do Maxar công bố cho thấy ngày 18/2, số lượng lớn máy bay cường kích Su-25, trực thăng, tên lửa phòng không S-400, trang thiết bị lục quân, UAV ... tại một sân bay quân sự của Nga cách biên giới Ukraine 50 km (Ảnh: AP).

Ảnh vệ tinh do Maxar công bố cho thấy ngày 18/2, số lượng lớn máy bay cường kích Su-25, trực thăng, tên lửa phòng không S-400, trang thiết bị lục quân, UAV ... tại một sân bay quân sự của Nga cách biên giới Ukraine 50 km (Ảnh: AP).

Người phát ngôn chính phủ liên bang Đức Steffen Hebestreit cũng nói rằng các chức sắc của các nước phương Tây đã đạt được đồng thuận trong việc kêu gọi Nga phải ngay lập tức đưa ra tín hiệu để giảm leo thang tình hình; những người tham gia cũng nhấn mạnh rằng nếu Nga tiến hành một cuộc xâm lược, các nước sẽ quyết định thực hiện "các biện pháp rất sâu rộng".

Tổng thống Biden cũng thông báo rằng Ngoại trưởng Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov dự kiến ​​gặp nhau tại châu Âu vào ngày 24/2. Tuy nhiên, ông Biden cũng chỉ ra rằng: “Nếu Nga có hành động quân sự trước ngày 24/2 thì cánh cửa ngoại giao sẽ đóng lại”. Ông cảnh báo rằng khi đó Nga sẽ phải trả giá đắt cho việc này.

Nga kiên quyết phủ nhận có kế hoạch tấn công Ukraine

Theo Reuters, các bức ảnh vệ tinh mới nhất do công ty Maxar Technologies của Mỹ mới công bố trong tuần này cho thấy các hoạt động quân sự ở miền Tây nước Nga, bán đảo Crimea và Belarus. Sau khi nghiên cứu các bức ảnh, công ty này xác định rằng các đơn vị máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu tấn công mặt đất, máy bay không người lái và đơn vị phòng không mới đã được triển khai ở nhiều nơi ở Tây Bắc Belarus. Ngoài ra, các xe tăng và bọc thép chở quân cũng xuất hiện tại một sân bay chỉ cách biên giới Ukraine 16 km.

Binh sĩ chính phủ Ukraine tại một ngôi làng bị trúng đạn pháo (Ảnh: AP).

Binh sĩ chính phủ Ukraine tại một ngôi làng bị trúng đạn pháo (Ảnh: AP).

Phía Nga kiên quyết phủ nhận có kế hoạch tấn công Ukraine và cáo buộc chính NATO đang đe dọa Nga. Nga đã tổ chức một cuộc tập trận do Tổng thống Vladimir Putin chỉ huy vào ngày 19/2. Bộ Quốc phòng cho biết ngoài Lực lượng Không quân, Hạm đội Biển Đen, Hạm đội Phương Bắc và Lục quân của Quân khu Phương Nam, các lực lượng chiến lược bao gồm cả lực lượng tên lửa đạn đạo sẽ cũng tham gia vào cuộc tập trận.

Liên tục mấy tuần qua, Mỹ đã cảnh báo rằng Nga sẽ tạo và tìm cớ gây chiến với Ukraine. Trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 18/2, ông Biden cũng một lần nữa cáo buộc Moscow "triển khai một cuộc tấn công tin tức giả" nhằm khiến người ta tin rằng chính phủ Ukraine đang có kế hoạch tấn công quy mô lớn vào khu vực phía đông. "Giả thuyết này là vô căn cứ và phi logic. Ukraine sẽ không chọn cách tăng cường cuộc xung đột đã kéo dài nhiều năm vào thời điểm mà (Nga) có 150.000 quân ở biên giới."

Tổng thống Ukraine yêu cầu trừng phạt Nga ngay và để Ukraine gia nhập NATO

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 20/2, Quân đội Ukraine cho biết 2 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và 4 người bị thương trong một cuộc pháo kích của phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine hôm thứ Bảy (19/2). Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham dự Hội nghị An ninh Munich ở Đức cùng ngày, chỉ ra rằng Ukraine sẽ không đáp trả các hành động khiêu khích, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ lớn hơn. Ông nói rằng ông không biết Tổng thống Nga Putin muốn gì và đề nghị hai người gặp nhau.

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 19/2 (Ảnh: AP).

Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 19/2 (Ảnh: AP).

Về việc Tổng thống Mỹ Biden khẳng định ông Putin đã quyết định xâm lược Ukraine, ông Zelensky nói rất khó để đưa ra kết luận về những gì Biden đã nói, nhưng ông tin rằng các cơ quan tình báo và quân đội của Ukraine cũng hiểu những gì đã xảy ra ở biên giới. Ông Zelensky đề cập rằng mối đe dọa chiến tranh đang diễn ra ảnh hưởng đến nền kinh tế Ukraine và sức khỏe tinh thần của người dân, nhấn mạnh rằng Ukraine phải giữ ổn định và bình tĩnh, người dân không cần phải hoảng sợ.

Ngày 19/2, Tổng thống Ukraine Zelensky đã tới Đức tham dự Hội nghị An ninh Munich trong lúc cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, bày tỏ sự không đồng tình với việc các nước phương Tây chỉ áp đặt các lệnh trừng phạt sau khi Nga xâm lược Ukraine. Ông yêu cầu hãy đưa ra quyết định trừng phạt ngay lúc này, đồng thời hy vọng NATO sẽ làm rõ thời gian biểu cho việc Ukraine gia nhập và yêu cầu các bên ký kết "Bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo an ninh" là Mỹ, Vương quốc Anh và Nga cung cấp cho Ukraine sự đảm bảo an ninh mới. Nếu điều này không đạt được, mọi điều khoản của thỏa thuận sẽ trở nên vô hiệu.

Ông Zelensky nói, Ukraine sẽ tự bảo vệ mình dù các nước phương Tây có viện trợ vũ khí hay không, đồng thời chỉ ra rằng mối đe dọa từ Nga không phải là một cuộc chiến tranh Ukraine, mà toàn bộ cấu trúc an ninh của châu Âu bị phá vỡ và đã đến lúc phải xây dựng lại. Ông cũng nói rằng NATO nói rằng cánh cửa luôn rộng mở nhưng Ukraine không được phép tham gia, đã đến lúc phải đưa ra câu trả lời sau nhiều năm vướng mắc.

Tổng thống Ukraine Zelensky gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Hội nghị An ninh Munich (Ảnh: AP).

Tổng thống Ukraine Zelensky gặp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Hội nghị An ninh Munich (Ảnh: AP).

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, phát biểu chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã đặt NATO trước một thời điểm quan trọng, một lần nữa cảnh báo rằng nếu Nga xâm lược Ukraine, các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh sẽ không chỉ giới hạn đối với cơ cấu tài chính của Nga và xuất khẩu công nghệ, cũng bao gồm những ai ủng hộ và chỉ đạo cuộc xâm lược. Bà chỉ trích Moscow tạo cớ cho việc xâm lược Ukraine, nói có thể đàm phán nhưng lại thu hẹp không gian ngoại giao. Trong cuộc hội đàm song phương sau đó với Zelensky, bà đã nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine.

Cùng ngày 19/2, ông Zelensky nhận lời phỏng vấn độc quyền với truyền thông Mỹ, nêu rõ Mỹ và châu Âu nên công bố danh mục trừng phạt trước khi Nga xâm lược Ukraine, để Moscow hiểu rõ hậu quả của việc phát động chiến tranh, Kiev có thể bàn giao danh sách các phương án để đối phó với cuộc khủng hoảng này, mấu chốt nằm ở ý định. Ông một lần nữa đề cập đến NATO và hy vọng rằng các nước thành viên sẽ làm rõ thời gian biểu cho việc gia nhập của Ukraine, nhấn mạnh rằng Ukraine cần được đảm bảo an ninh và hiểu rằng việc gia nhập NATO sẽ kéo theo những rủi ro tương tự. Ông nói rằng không có sự đồng thuận giữa các đồng minh và mọi người đều nói rằng Ukraine vẫn còn một khoảng cách để gia nhập NATO. "Tốt hơn hết là hãy cho chúng tôi biết phải mất bao lâu để lấp đầy khoảng cách này".

Phụ nữ và trẻ em ở miền đông Ukraine di tản sang Nga để lánh nạn (Ảnh: Sputnik).

Phụ nữ và trẻ em ở miền đông Ukraine di tản sang Nga để lánh nạn (Ảnh: Sputnik).

Ngoài ra, Zelensky đã có một cuộc điện thoại khẩn cấp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tối ngày 19/2 để thảo luận về các cách có thể để giảm leo thang tình hình ngay lập tức và giải quyết vấn đề thông qua chính trị và ngoại giao. Hãng thông tấn TASS đưa tin Macron sẽ thảo luận về tình hình Ukraine với Putin vào ngày 20.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức rằng tất cả các dấu hiệu từ Nga đều cho thấy Moscow đang chuẩn bị cho một "cuộc tấn công toàn diện" vào Ukraine, lặp lại cảnh báo của Mỹ rằng một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sắp xảy ra.

Hai bên Ukraine cáo buộc lẫn nhau, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine bị pháo bắn

Trong ngày thứ ba của cuộc đối đầu giữa hai bên, quân đội Ukraine cho biết trong cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông vào ngày 19/2, 2 binh sĩ Ukraine đã bị chết và 4 người khác bị thương.

Quân đội Ukraine cho biết trên trang mạng xã hội chính thức rằng họ đã ghi nhận 70 trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn hôm 19/2, so với 66 trường hợp vi phạm trong 24 giờ trước đó, rằng quân ly khai đã sử dụng pháo hạng nặng bắn vào hơn 30 khu định cư dọc chiến tuyến, vốn bị cấm theo lệnh ngừng bắn nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột kéo dài.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrsky thị sát mặt trận hôm 19/2 và bị tấn công bằng súng cối (Ảnh: Đông Phương).

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrsky thị sát mặt trận hôm 19/2 và bị tấn công bằng súng cối (Ảnh: Đông Phương).

Lực lượng ly khai thân Nga đang kiểm soát Donetsk và Luhansk, cùng với lực lượng chính phủ, cáo buộc nhau nổ súng. Truyền thông Anh dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, phái bộ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã ghi nhận gần 2.000 cuộc tấn công vào chiến tuyến miền đông Ukraine vi phạm thỏa thuận ngừng bắn vào ngày 19/2.

Theo Đông Phương ngày 20/2, Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrsky đã bị tấn công bằng súng cối khi đang thị sát mặt trận phía đông vào thứ Bảy (19/2), ông và đoàn tùy tùng phải nằm xuống đất và tìm chỗ ẩn nấp, sau đó di tản đến hầm trú ẩn phòng không, không có ai thương vong. Sau khi gặp gỡ những người lính ngoài tiền tuyến, Monastyrsky cho biết quân đội Ukraine đã sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

Ông Monastirsky đi thị sát chiến tuyến ở miền đông Ukraine cùng với một số quan chức quân sự cấp cao và các phóng viên báo chí nước ngoài, nhóm này bất ngờ gặp phải pháo kích, đạn pháo rơi ngay gần đám đông, họ phải chạy để tránh và tìm chỗ nấp. Một phóng viên đi cùng chỉ ra rằng khi đó có khoảng hơn 10 quả đạn cối rơi trong phạm vi khoảng 300 mét xung quanh.

Monastyrsky nói đây là lần đầu tiên ông gặp pháo kích. Ông đi xe quân sự đi thị sát tiền duyên, mỗi khi nghe thấy tiếng nổ, đều phải dừng lại và chạy ra khỏi xe để tìm nơi ẩn nấp. Ông nói rằng sau khi gặp gỡ những người lính ngoài tiền tuyến, ông rất khâm phục dũng khí trên tiền tuyến bảo vệ đất nước của họ, mọi người đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.

Theo RIA NovostiSputnik, “Cộng hòa nhân dân Luhansk” (RPL), nhà nước tự tuyên bố độc lập ở miền đông Ukraine, hôm 20/2 tố cáo quân chính phủ Ukraine thuộc Lữ đoàn đổ bộ đường không số 79 sáng sớm cùng ngày đã vượt sông Bắc Donets dưới làn đạn pháo yểm hộ định chiếm làng Pionerskoye, nhưng cuối cùng đã bị thiệt hại nặng và phải rút lui. Trong quá trình này, 5 ngôi nhà ở Luhansk đã bị phá hủy, 2 thường dân bị chết, thi thể đều cháy thành than.

Vào sáng sớm ngày 20, phái đoàn của Trung tâm Điều phối và Kiểm soát ngừng bắn chung (JCCC) ở Donetsk, cũng cáo buộc quân chính phủ Ukraine đã nã pháo vào nửa đêm ngày 19 và đã tấn công nhiều dân thường ở phía đông nam khu vực sinh sống, và việc sử dụng vũ khí bị cấm theo Thỏa thuận Minsk.