Những dấu ấn đáng tự hào trong chuyển đổi số của Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành TT&TT TP ước đạt 34.293 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 132 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ; kinh tế số đóng góp 17% GRDP…
Trung tâm hành chính tập trung TP Đà Nẵng
Trung tâm hành chính tập trung TP Đà Nẵng

Những con số “biết nói”

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2022, hoạt động chuyển đổi số, thông tin-truyền thông (TT&TT) của Đà Nẵng đã giành được nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Tổng doanh thu toàn ngành TT&TT TP Đà Nẵng ước đạt 34.293 tỷ đồng, bằng 103,4% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 132 triệu USD, đạt 120% so với kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021; kinh tế số của Đà Nẵng năm 2022 đóng góp 17% GRDP.

Công tác triển khai chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tại địa phương trong năm 2022 đạt nhiều kết quả vượt bậc. Nhiều chỉ số/chỉ tiêu đạt, vượt từ 1,5-2 lần so với toàn quốc, đơn cử là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 71% (gấp 1,5 lần so với trung bình toàn quốc).

Tính đến tháng 12/2022, 100% dịch vụ công ở Đà Nẵng đã được triển khai trực tuyến mức 4, tỷ lệ dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 96% (vượt mục tiêu theo kế hoạch của TP cuối năm 2022 là 85%, gấp 2 lần so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn TP đạt 73% (vượt mục tiêu theo kế hoạch của TP cuối năm 2022 là 65%, gấp 1,5 lần so với trung bình toàn quốc); tích hợp 1.476 dịch vụ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia… Và trở thành địa phương có số lượng dịch vụ công trực tuyến tích hợp nhiều thứ 4 cả nước.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã bắt đầu đưa thủ tục ngoài 1 cửa lên cung cấp trực tuyến mức 4 và dịch vụ sự nghiệp công lên trực tuyến mức 4 trên Cổng dịch vụ công TP; đưa vào sử dụng Kho dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính số TP (1 phân hệ trên Hệ thống eGov); đưa vào sử dụng Ứng dụng quản lý, giám sát hành trình xe cứu thương 115 (dạng Web https://danang-dashboard-prod.bsmart.city/; App Mobile: phân hệ DanaMap tích hợp trên Danang Smart city)…

UBND TP Đà Nẵng đạt Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc tại VDA 2022
UBND TP Đà Nẵng đạt Giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc tại VDA 2022

Năm 2022, Đà Nẵng còn đánh dấu bước phất triển của chuyển đổi số bằng việc đưa vào sử dụng Nền tảng công dân số, ứng dụng xe cấp cứu 115 công nghệ; bắt đầu triển khai các hợp phần quan trọng như: Trung tâm dữ liệu mở rộng, Trung tâm giám sát điều hành thông minh – IOC; Trung tâm phòng tránh thiên tai thông minh – ENSURE…

Đối với Nền tảng công dân số, Đà Nẵng sử dụng tài khoản công dân số để người dân chỉ cung cấp thông tin một lần (đầu) sử dụng dịch vụ công, sử dụng dữ liệu số thay thế một số thành phần hồ sơ giấy; bắt đầu triển khai đưa các thủ tục ngoài một cửa và dịch vụ sự nghiệp công lên Cổng DVC trực tuyến TP cung cấp 600 bộ dữ liệu mở; tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân đạt 2,27 (gấp 3 trung bình toàn quốc là 0,7); số lượng tài khoản công dân số đạt khoảng 43% dân số trưởng thành; tỷ lệ hộ gia đình kết nối Internet cáp quang băng rộng đạt 99,61%; tỷ lệ hộ gia đình có địa chỉ số đạt 45,77%,…

Song song với chính quyền số, số lượng doanh nghiệp CNTT trong năm 2022 đã phát triển mạnh mẽ với 2,3 DN/1.000 dân (gấp 3 lần trung bình toàn quốc); nhân lực CNTT trong lực lượng lao động là 7,7%,… không chỉ đóng góp trong phạm vi ngành thuần ICT mà còn đóng góp cho doanh nghiệp ngành nghề khác phát triển; hình thành nền kinh tế số.

Theo Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ TTTT, năm 2022, kinh tế số của Đà Nẵng đóng góp khoảng 17% GRDP.

Trong năm 2022, nhiều sản phẩm doanh nghiệp Đà Nẵng được công nhận, đạt giải thưởng lớn; nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm toàn quốc và ở nước ngoài; nhiều doanh nghiệp 2-3 năm hoạt động đã có sản phẩm chủ lực, doanh thu trên 1 triệu USD, .. Một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến Đà Nẵng: LG (R&D); R&D của MOMO, Xe máy điện AhaFast.

Ứng dụng nền tảng công dân số Đà Nẵng

Ứng dụng nền tảng công dân số Đà Nẵng

Cũng trong năm 2022, người dân Đà Nẵng đã tham gia tích cực chuyển đổi số, sử dụng nhiều dịch vụ, tiện ích số… Nhất là đã có 43% dân số trưởng thành có tài khoản số, kho dữ liệu số và 1 QR duy nhất để sử dụng thuận lợi trong các giao dịch, điểm đến.

Vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét

Theo ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP Đà Nẵng - bên cạnh những kết quả chuyển đổi số, TT&TT mà Đà Nẵng đạt được của năm 2022, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải phấn đấu nhiều hơn.

Trong khi số lượng nhân lực ngành CNTT, TT&TT của Đà Nẵng chiếm 3,9% so với 1,2 triệu lao động trên cả nước, thì doanh thu toàn ngành của Đà Nẵng chỉ đạt 1% so với tổng doanh thu cả nước, cho thấy năng suất lao động chưa cao.

“Bên cạnh đó, năm 2022 là năm thứ 2 liên tiếp TP Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số chuyển đổi số - DTI, tuy nhiên, các chỉ số tác động đến các trụ cột chuyển đổi số so với các địa phương trên cả nước vẫn còn hạn chế.

"Cụ thể, chỉ số nhận thức số chỉ đạt 0,8 điểm, xếp thứ 16 so với cả nước; chỉ số thể chế số chỉ đạt 0,7 điểm, xếp thứ 6; chỉ số hạ tầng số đạt 0,72 điểm, xếp thứ 3 cả nước sau TP HCM và Huế… Đây là những số liệu mà ngành TT&TT Đà Nẵng cần suy nghĩ” – ông Nguyễn Quang Thanh nói.

Mặc dù hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn đã phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn còn tình trạng chậm trễ trong triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số được giao, còn nhiều hồ sơ dự án chưa kịp triển khai, các cơ sở dữ liệu nền quốc gia, các ứng dụng của bộ, ngành Trung ương được triển khai ở địa phương và do địa phương thu thập, nhập liệu nhưng đóng kín, chưa chia sẻ lại cho địa phương sử dụng…

Bên cạnh đó, hạ tầng số chưa được triển khai đột phá để đóng vai trò đi trước, dẫn dắt triển khai chuyển đổi số; việc hợp chuẩn, hợp quy các thiết bị IoT sử dụng vô tuyến điện vẫn còn chưa đồng bộ, khiến công tác hợp chuẩn hợp quy đối với thiết bị đầu cuối còn khó khăn…

Lãnh đạo TP Đà Nẵng nhận Giải thưởng TP thông minh Việt Nam 2022

Lãnh đạo TP Đà Nẵng nhận Giải thưởng TP thông minh Việt Nam 2022

“Chính vì vậy, trong năm 2023, ngành TT&TT TP Đà Nẵng cần có những chuyển biến tích cực, cải thiện các chỉ số để chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội TP”- ông Nguyễn Quang Thanh chia sẻ.

Lối đi nào trong năm 2023?

Theo ông Nguyễn Quang Thanh, với chủ đề của năm 2023 là: “Tập trung khơi thông các nguồn lực, đặc biệt là từ dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, sản phẩm mới, phát triển ngành/lĩnh vực mới; góp phần giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, ngành TT&TT Đà Nẵng đặt mục tiêu doanh thu đạt 36.200 tỷ đồng, tăng 105,56% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 146 triệu USD, tăng 110%; kinh tế số đóng góp vào GRDP TP khoảng 20%;

Không những vậy, ngành TT&TT sẽ có đóng góp rõ nét trong sử dụng dữ liệu số trong vận hành mô hình chính quyền đô thị và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích cho người dân.

Để đạt được mục tiêu trên, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Xây dựng TP thông minh”; Đề án Chuyển đổi số; xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; hoàn thiện hệ thống thông tin chính quyền điện tử, nâng cao số lượng và chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo nền tảng đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP Đà Nẵng

Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số TP Đà Nẵng

Đà Nẵng sẽ phát triển công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực cạnh tranh toàn cầu...

Trong năm 2023, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, phát triển hạ tầng dịch vụ CNTT, viễn thông với công nghệ hiện đại, cung cấp ứng dụng cho nhiều lĩnh vực như: Chính quyền điện tử, giáo dục, y tế, thương mại, giao thông, du lịch, nông nghiệp…; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng số, các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số như: công nghệ 5G, IoT, Big Data, AI đồng bộ hiện đại để thúc đẩy chuyển đổi số, phục vụ xây dựng Đề án xây dựng TP thông minh tại TP Đà Nẵng.

Ngoài ra, trong năm 2023, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển hạ tầng các khu công nghiệp CNTT, hoàn thiện các dự án Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1); Dự án Không gian sáng tạo Hoà Xuân… thúc đẩy thu hút đầu tư để góp phần tăng trưởng tỷ lệ kinh tế số trong cơ cấu GRDP của TP.

Những danh hiệu chuyển đổi số đáng ghi nhận của Đà Nẵng

TP Đà Nẵng xếp vị trí thứ nhất chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021, đây là năm thứ 32 liên tiếp (2020-2021) Đà Nẵng dẫn đầu chỉ số DTI.

TP Đà Nẵng có năm thứ ba liên tiếp đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022 ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”; Lần thứ ba liên tiếp đạt Giải thưởng TP thông minh Việt Nam năm 2022;

Đà Nẵng được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chứng nhận cho hạng mục cơ quan nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia tại Diễn đàn TOP CÔNG NGHIỆP 4.0 Việt Nam.

Năm 2022, nhiều sản phẩm doanh nghiệp Đà Nẵng đã được công nhận và đạt giải thưởng lớn về CNTT và chuyển đổi số như: Retex (nền tảng dệt may; Giải thưởng VietSolution); IRTech (Cảng thông minh, Giải thưởng Sao Khuê); Toàn Cầu Xanh (Giải pháp Green Data), Điện lực Miền Trung (ERP, trạm sạc nhanh ô tô điện) cùng đạt giải thưởng Make in Việt Nam...