Những bất ngờ trong sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria: 800 tù nhân IS trốn trại, chính phủ Syria và người Kurd bắt tay nhau chống xâm lược

VietTimes -- Từ ngày 8/10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một cuộc tấn công vào miền bắc Syria. Chính quyền người Kurd thông báo: gần 800 tù nhân là các phần tử tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” ISIS cực đoan đã thừa cơ bỏ trốn khỏi trại giam.  
Ngày 8/10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên giới vào miền Bắc Syria đánh chiếm khu vực do người Kurd kiểm soát. Ảnh: AP.
Ngày 8/10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên giới vào miền Bắc Syria đánh chiếm khu vực do người Kurd kiểm soát. Ảnh: AP.

800 phần tử khủng bố IS thừa cơ trốn khỏi trại giam khiến quốc tế lo lắng

Sau khi quân đội Mỹ rút hàng ngàn quân khỏi khu vực Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức phát động cuộc tấn công dữ dội vào lực lượng người Kurd ly khai chống chính phủ ở phía bắc Syria, và lực lượng người Kurd đóng quân trong thành phố buộc phải rút lui. Ngày 13 tháng 10, chính quyền người Kurd cho biết gần 800 tù nhân ISIS bị họ bắt giữ đã thừa cơ trốn thoát thành công khỏi trại giam ở thành phố Ain Issa, miền bắc Syria.

Trong suốt thời gian qua, lực lượng quân đội Mỹ đã giúp đỡ lực lượng người Kurd địa phương đánh lui lực lượng của tổ chức khủng bố ISIS tại vùng này và bắt giữ nhiều thành viên của chúng. Một phần các tù nhân ISIS đã bị giam giữ trong các trại định cư do người Kurd kiểm soát, chờ chuyển giao tiếp. Việc chúng trốn thoát khỏi trại tạm giam đã gây nên mối lo ngại về an ninh không những cho Syria mà cả các quốc gia khác trong, ngoài khu vực.

Một thành phố ở Bắc Syria bị máy bay của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ oanh tạc
Một thành phố ở Bắc Syria bị máy bay của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ oanh tạc

Tổng thống Pháp Makron và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 13 tháng 10 đã gặp nhau tại Paris. Hai người cho biết họ đã lần lượt gọi điện cho cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay các hoạt động quân sự. Tổng thống Makron nói ông và bà Merkel đều tin rằng hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ mang lại sự nguy hiểm và lo ngại sẽ xuất hiện cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn tại đấy, đồng thời bày tỏ lo lắng các phần tử thuộc tổ chức Hồi giáo cực đoan ISIS sẽ quay trở lại. Trước đó, theo AFP, ngày 12/10 cả Pháp và Đức đều tuyên bố tạm ngừng việc bán và vận chuyển vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ để buộc nước này chấm dứt hành động quân sự tại Syria.

Ngày 12/10, Liên đoàn Ả Rập họp Hội nghị ngoại trưởng khẩn cấp tại Cairo ra tuyên bố lên án cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria
Ngày 12/10, Liên đoàn Ả Rập họp Hội nghị ngoại trưởng khẩn cấp tại Cairo ra tuyên bố lên án cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria

Theo trang tin Đa Chiều, cho đến nay nhiều quốc gia châu Âu đã lên án hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria, trong đó có Đức, Pháp, Áo, Thụy Sỹ, Hy Lạp, Phần Lan, Na Uy... Chính phủ Hà Lan đã sớm ra tuyên bố trước đó ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 12/10, Liên đoàn các nước Ả Rập cũng họp Hội nghị các ngoại trưởng khẩn cấp tại Cairo (Ai Cập) và ra tuyên bố lên án Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Syria, yêu cầu chính quyền Ankara rút ngay toàn bộ quân đội về nước. Các nước Qatar và Somalia là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ tuy bảo lưu việc lên án, nhưng không ngăn cản việc Liên đoàn ra Tuyên bố lên án Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Aboul-Gheit, Tổng thư ký Liên đoàn các nước Ả Rập đã phê phán hành động tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ là xâm lược, trực tiếp đe dọa an ninh của một quốc gia Ả Rập. Ông nói, Liên đoàn sẽ xem xét biện pháp khẩn cấp chống lại cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các hành động về ngoại giao và kinh tế, kể cả hợp tác quân sự để chung tay chống lại cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ càn quét ở miền Bắc Syria
Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ càn quét ở miền Bắc Syria

Chính phủ Syria chấp nhận bắt tay với lực lượng người Kurd chống xâm lược

Trong khi đó, trang tin Đa Chiều ngày 14/10 cho biết, trước việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên giới tấn công vào các khu vực của người Kurd ở miền bắc Syria, chính quyền người Kurd đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria để tập trung chống lại cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền người Kurd cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Syria. Theo đó, lực lượng quân đội chính phủ Syria sẽ có thể tiến vào khu vực miền Bắc do họ kiểm soát và người Kurd sẽ hợp tác với chính phủ để giải phóng các vùng lãnh thổ và thành phố bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ.

Chính phủ Syria nói cuộc đàm phán giữa họ với lực lượng người Kurd được tổ chức tại thủ đô Damascus, nhưng các quan chức người Kurd lại nói việc thương lượng được diễn ra tại căn cứ quân sự của quân đội Nga ở tỉnh Latakia với sự tham gia cuộc họp của các quan chức Nga.

Ông Faisal Maqdad, Thứ trưởng Ngoại giao Syria ngày 11/10 phát biểu từ chối bắt tay lực lượng người Kurd, nhưng chỉ một ngày sau chính phủ Syria đã chấp nhận hợp tác để cùng nhau chống quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
Ông Faisal Maqdad, Thứ trưởng Ngoại giao Syria ngày 11/10 phát biểu từ chối bắt tay lực lượng người Kurd, nhưng chỉ một ngày sau chính phủ Syria đã chấp nhận hợp tác để cùng nhau chống quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Là một đồng minh của Mỹ, lực lượng ly khai người Kurd đã giúp quân đội Mỹ chiến đấu chống lại tổ chức cực đoan ISIS ở địa phương và kiềm chế quân đội chính phủ Syria. Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Bắc Syria đã buộc chính quyền người Kurd phải thay đổi lập trường. Nhà lãnh đạo quân sự người Kurd, ông Mazloum Abdi nói, họ không tin vào cam kết của chính phủ Syria, nhưng vì sự sống còn của dân tộc, người Kurd phải lựa chọn thỏa hiệp với chính phủ. Ông Mazloum Abdi cũng chỉ trích sự rút quân của Mỹ là “đâm dao sau lưng” và bán đứng đồng minh là họ.

Theo trang tin Quan sát (Trung Quốc), trước đó, hôm 10/10 sau 3 ngày bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công mãnh liệt, lực lượng người Kurd đã bị mất nhiều đất, phải rút lui. Khi đó, lực lượng người Kurd đã đề nghị lực lượng chính phủ Syria giúp đỡ để chống lại cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ngày 11/10, chính phủ Syria đã từ chối lời đề nghị của người Kurd. Ông Faisal Maqdad, Thứ trưởng Ngoại giao Syria đã nói: chính phủ cự tuyệt yêu cầu giúp đỡ của lực lượng vũ trang người Kurd vì họ đã bán đứng lợi ích quốc gia, thực thi hành động ly khai, tạo cớ để Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm chủ quyền đất nước. Ông nói: “Chúng tôi sẽ không chấp nhận đối thoại với những kẻ đã chấp nhận làm con tin cho nước ngoài đó. Những kẻ là đại diện cho Washington sẽ không có chỗ đứng chân trên đất nước Syria”.

Thế nhưng, chỉ một ngày sau, phía chính phủ Syria đã thay đổi lập trường, quyết định bắt tay với lực lượng người Kurd để cùng nhau chống lại cuộc xâm lược của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Đa Chiều, Guancha