Nhóm lợi ích nhìn từ những câu chuyện thực

Chủ nghĩa thân hữu trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và Nhà nước đã nảy nở như thế nào ở Việt Nam? Đã xuất hiện hiện tượng các doanh nghiệp bao cấp cho một số quan chức hoặc người thân của họ các dịch vụ như chơi golf, du học, du lịch.
Nhóm lợi ích nhìn từ những câu chuyện thực

Vụ bắt giữ đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga, đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) hồi cuối tuần qua khiến nhiều người bất ngờ, trong đó có những người đã từng bỏ phiếu bầu bà Nga vào vị trí đại biểu Quốc hội.

Báo chí đưa tin, kết quả xác minh ban đầu từ cơ quan công an, từ 2008 đến nay, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội chưa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp giấy phép xây dựng, nhưng bà Châu Thị Thu Nga và đồng sự tại Housing Group đã tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ, rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn và thu hơn 377 tỉ đồng của nhà đầu tư, đến nay không còn khả năng chi trả. Hành vi của bà Châu Thị Thu Nga bị cho là phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 139 Bộ luật Hình sự.

Câu hỏi đặt ra, vì sao bà Nga và các đồng sự có thể “lừa đảo” trong một thời gian rất dài. Lô đất trên rộng hàng ngàn mét vuông, nằm ngay tại Hà Nội, không lẽ các cơ quan quản lý nhà nước như xây dựng, tài nguyên môi trường, ủy ban nhân dân quận… không biết? Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ, công trình xây dựng đến lúc nào thì chủ đầu tư mới được huy động vốn. Rõ ràng, các cơ quan quản lý nhà nước đã lơ là, thậm chí làm ngơ, trong quá trình này. Trong khi đó, người dân nếu chỉ xây thêm một tầng không phép, là thanh tra xây dựng đã có mặt ngay để can thiệp.

Một đề tài nghiên cứu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nhìn nhận, xung quanh một số nhân vật chủ chốt có vai trò quan trọng trong các quyết sách về kinh tế của Nhà nước đã thấp thoáng sự hiện diện của các doanh nhân thuộc các loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Có rất nhiều các dự án bất động sản ở Hà Nội, cũng như nhiều địa phương khác, có kết cục tương tự như dự án của bà Nga. Chủ đầu tư huy động được vốn của người dân rồi biến mất, để lại dự án dang dở, nợ nần cho người dân.

Trên bình diện rộng hơn, những dự án kiểu như dự án của bà Nga đã tước đoạt cơ hội của những doanh nghiệp chân chính, làm băng hoại môi trường kinh doanh để tạo ra cái gọi là nhóm lợi ích và tham nhũng.

Gần đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể, bà biết nhiều lãnh đạo tỉnh lập công ty sân sau cho con cái, người thân quản lý rất tinh vi. Họ thỏa thuận với lãnh đạo tỉnh khác, bà kể, anh cho tôi trúng thầu con đường này ở tỉnh anh; đổi lại tôi sẽ cho công ty của con anh trúng thầu ở tỉnh tôi. “Hiện tượng này đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều đó tước đoạt đi rất nhiêu cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân khác”, bà nói.

Những câu chuyện trên đây chỉ là những nét chấm phá của mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp thân hữu. Mối quan hệ đó được Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (trong một đề tài nghiên cứu được công bố hồi tháng 4-2013) nhìn nhận, xung quanh một số nhân vật chủ chốt có vai trò quan trọng trong các quyết sách về kinh tế của Nhà nước đã thấp thoáng sự hiện diện của các doanh nhân thuộc các loại hình doanh nghiệp khác nhau.

Nhóm thân hữu manh nha này có quan hệ hai chiều trong việc quan chức dàn xếp để doanh nghiệp nhận được ưu đãi, ngược lại, doanh nghiệp hoặc là đóng góp vào sự phát triển của địa phương để làm nổi bật thành tích của quan chức, hoặc là cung cấp cho bản thân quan chức các phương tiện để có thể lên những nấc thang cao hơn, để lo lót, chạy chọt khi doanh nghiệp phạm sai lầm và là “nhà tài trợ” cho những người thân của quan chức. Đã xuất hiện hiện tượng các doanh nghiệp bao cấp cho một số quan chức hoặc người thân của họ các dịch vụ như chơi golf, du học, du lịch.

Một báo cáo của chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) năm 2014 cho biết, hầu như không có sự biến đổi tích cực nào trong ba năm từ 2011 đến 2013 về mức độ công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù thu hồi đất. Có tới 8 trong 10 người được hỏi không được biết đến quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Có nơi chỉ có 1,6% số người được hỏi được biết đến quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất. Rõ ràng, càng không công khai thông tin đất đai, thì những người có chức quyền liên quan trong bộ máy càng có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp sân sau của mình.

Gần đây, một quan chức trong một ủy ban của Quốc hội nói với TBKTSG: “Giờ ở Việt Nam đã hình thành tầng lớp các đại gia là hiện thân của chủ nghĩa tư bản thân hữu. Họ tận dụng được thời cơ, khiếm khuyết trong hệ thống pháp luật, tận dụng được thời điểm lịch sử, và Nhà nước thì buông quản lý”. Ông cho rằng, dù có trở nên giàu có, nhưng những doanh nhân như thế “không phải tài ba gì”. Cách kiếm tiền bằng quan hệ rõ ràng đang làm thui chột tinh thần kinh doanh và nuôi dưỡng tham nhũng. Nhận xét đó chắc mới chỉ phản ánh được một phần thực tế ở Việt Nam.

Theo Thời  báo kinh tế Sài Gòn