Nhóm An Quý Hưng đang “căng” tiền sau thương vụ Vinaconex?

VietTimes --  Nếu các tay chơi non vốn và không có một hạ tầng tài chính phía sau làm bệ đỡ, thì hậu "game", áp lực xử lý các khoản vay "nóng" sẽ là một vấn đề...
Mặc dù thương vụ thâu tóm Vinaconex  đã xong nhưng nhóm An Quý Hưng vẫn còn đó không ít mối lo (Ảnh: Internet)
Mặc dù thương vụ thâu tóm Vinaconex đã xong nhưng nhóm An Quý Hưng vẫn còn đó không ít mối lo (Ảnh: Internet)

Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) và công ty con là Công ty TNHH An Quý Hưng Land (An Quý Hưng Land) vừa công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ của với tổng quy mô lên tới 5.300 tỷ đồng.

Theo đó, An Quý Hưng đã thực hiện chào bán riêng lẻ lô trái phiếu có giá trị 2.600 tỷ đồng trái phiếu (mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu) với kỳ hạn 3 năm, loại hình trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có quyền mua lại trước hạn mà không chịu phạt trả trước hạn.

An Quý Hưng Land (công ty con của An Quý Hưng) cũng thực hiện phát hành riêng lẻ lô trái phiếu lên tới 2.700 tỷ đồng, với nhiều đặc điểm tương đồng.

Nhưng kết quả được công bố mới đây cho thấy, đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của An Quý Hưng và An Quý Hưng Land đã thất bại. Không có lấy một nhà đầu tư nào tham gia thương vụ, lô trái phiếu bị "ế" toàn bộ.

Hay nói cách khác, dù tham vọng huy động tới 5.300 tỷ đồng nhưng nhóm An Quý Hưng đã không thu về nổi một đồng qua đợt phát hành.

Lãi suất cao nhưng vẫn "ế"

Trước tiên hãy nhìn vào mức lãi suất mà An Quý Hưng và An Quý Hưng Land đã chào cho lô trái phiếu: tối thiểu 12%/năm.

"Lãi suất danh nghĩa và kỳ hạn trả lãi:

- Kỳ tính lãi đầu tiên: 12%/năm.

- Kỳ điều chỉnh lãi: 06 tháng/lần.

- Các kỳ tính lãi tiếp theo: Được điều chỉnh 06 tháng/lần: Lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo được xác định bằng lãi suất tiết kiệm trả sau thông thường (không bao gồm tiền gửi tiết kiệm online) kỳ hạn 12 tháng dành cho khách hàng cá nhân (được xác định bằng lãi suất bình quân được công bố trên website của bốn ngân hàng là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại ngày điều chỉnh của kỳ tính lãi tiếp theo) đối với loại tiền VND cộng (+) biên độ 4,5% nhưng không thấp hơn 12%/năm" - thông báo viết.

Cần thiết phải nói rằng với mức lãi suất trên, An Quý Hưng và An Quý Hưng Land đang cam kết dành cho các trái chủ mức lợi tức trái phiếu rất cạnh tranh, nếu không muốn nói là rất cao.

Nó gần gấp đôi mức lãi suất huy động phổ biến mà hầu hết các ngân hàng hiện đang mời chào các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm (dao động từ 6 - 7%/năm tùy ngân hàng) và khó có thể thấp hơn mức lãi suất cho vay phổ biến mà các nhà băng đang cung cấp cho các khoản vay đạt chuẩn.

Nguồn lực ngân hàng trong thương vụ phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu của NewCo
Vậy với các thương vụ trái phiếu tương tự thì sao? VietTimes vừa có bản tin về thương vụ phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu của CTCP Dịch vụ NewCo (NewCo).

TCBS đã chấp nhận mua toàn bộ lô trái phiếu của NewCo với quyền lợi hạn chế hơn nhiều những gì nhóm An Quý Hưng đã chào và thất bại: Đối với kỳ tính lãi đầu tiên, lãi suất danh nghĩa là 10,35%/năm. Đối với kỳ tính lãi cho 3 kỳ sau kỳ tính lãi đầu tiên, lãi suất được tính bằng tổng của 2,42%/năm và lãi suất tham chiếu. Còn đối với các kỳ tính lãi tiếp theo, mức lãi suất bằng tổng của 3,42%/năm và lãi suất tham chiếu.

Hay như, VCBS và Vietinbank Insurance cũng vừa quyết định mua trọn lô 200 tỷ đồng trái phiếu (kỳ hạn 2 năm kể từ ngày 18/03/2019) của CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) với lãi suất cố định áp dụng cho năm đầu tiên là 9,5%/năm và năm sau là 9,7%/năm.

Dĩ nhiên, lãi suất hay lợi tức không phải yếu tố duy nhất và chưa hẳn là tiên quyết để các nhà đầu tư ra quyết định. Nhưng ở giác độ nào đó, việc tham chiếu thương vụ phát hành của NewCo hay VPI cũng phần nào cho thấy độ "chịu chi" của nhóm An Quý Hưng.

Lý do nào khiến nhóm An Quý Hưng "chịu chi" đến vậy?

Hẳn họ đang rất cần tiền (?!). Phán đoán này càng tỏ ra khả dĩ, nếu xét đến quy mô rất lớn của dòng vốn mà An Quý Hưng và An Quý Hưng Land muốn huy động: 5.300 tỷ đồng.

Vậy, nhóm này cần dòng tiền lớn đền vậy để làm gì?

An Quý Hưng và An Quý Hưng Land đều không công bố rộng rãi về mục đích sử dụng vốn cho đợt phát hành. Tuy nhiên, các động thái từ thị trường và cả lô tài sản mà nhóm này đem ra để đảm bảo cho việc phát hành có thể đem đến những gợi ý.

Tài sản đảm bảo cho thương vụ phát hành trái phiếu của cả An Quý Hưng và An Quý Hưng Land đều là và đều chỉ bằng cổ phiếu Vinaconex (HNX: VCG).

An Quý Hưng sử dụng 125.045.849 cổ phiếu VCG làm tài sản đảm bảo cho 2.600 tỷ đồng trái phiếu, Còn An Quý Hưng Land sử dụng 129.855.304 cổ phiếu VCG làm tài sản đảm bảo cho 2.700 tỷ đồng trái phiếu.

Kết quả phiên đấu giá lô cổ phần Vinaconex do SCIC sở hữu vào tháng 11/2018 (Ảnh: P.D)
Kết quả phiên đấu giá lô cổ phần Vinaconex do SCIC sở hữu vào tháng 11/2018 (Ảnh: P.D)

Nhấn mạnh rằng, toàn bộ số cổ phiếu VCG  nêu trên đều "thuộc sở hữu của Công ty TNHH An Quý Hưng". Nó cũng là toàn bộ số cổ phiếu VCG mà An Quý Hưng sở hữu, sau thương vụ đấu giá tốn kém và cũng tốn nhiều giấy mực vào tháng 11/2018.

Khi ấy, để thay thế Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ 57,71% cổ phần Vinaconex, An Quý Hưng đã chấp nhận chi ra tới 7.366,6 tỷ đồng, cao hơn tới 35,6% giá khởi điểm và bỏ xa 30% so với cái tên đứng sau.

Đây là một số tiền khổng lồ, kể cả với các đại gia, chứ chưa nói đến một doanh nghiệp chỉ có quy mô tài sản khiêm tốn An Quý Hưng. Trong bản công bố thông tin khi tham gia đấu giá, An Quý Hưng cho hay, theo Báo cáo tài chính được kiểm toán (kết thúc ngày 31/12/2017), công ty này có tổng nguồn vốn chỉ ở mức 999,6 tỷ đồng (trong đó vốn điều lệ là 360 tỷ đồng).

An Quý Hưng và “thế trận” Vinaconex hậu đấu giá...

Ấy vậy mà tới hạn chót, An Quý Hưng vẫn kịp thu xếp đủ tiền để chuyển cho SCIC và hoàn tất thương vụ!

Thị trường đặt ra nghi ngờ về việc An Quý Hưng chỉ là đại diện của một nhóm các nhà đầu tư và còn có nhiều cái tên đứng sau doanh nhân Nguyễn Xuân Đông. Trao đổi với VietTimes khi ấy, một đại gia trong nhóm "G7 Hà Nội" từng xác nhận việc có nhận được lời mời của ông Nguyễn Xuân Đông về việc hùn vốn tham gia đấu giá Vinaconex.

Dù vị đại gia này đã từ chối vào phút cuối thì ông Nguyễn Xuân Đông vẫn tìm được một số cái tên đồng hành. Sự xuất hiện của ông chủ Tập đoàn Conata Đào Ngọc Thanh trên vai trò Chủ tịch HĐQT Vinaconex hiện tại chính là một trong những minh chứng sống động.

Nhưng kể có thế thì việc thu xếp số "tiền tươi" hơn 7.000 tỷ đồng để thanh toán cho SCIC cũng không phải là đơn giản. Trong một "game" lớn thế này, nguồn vốn tự có hẳn chỉ đóng vai trò thứ yếu. Giải pháp khả dĩ và cũng gần như duy nhất là cạy nhờ đến các ngân hàng. Chỉ các tổ chức tín dụng mới có thể thu xếp được những nguồn tiền lớn như vậy. Đã có những dấu hiệu cho thấy, An Quý Hưng đã phải thế chấp hàng loạt tài sản vào ngân hàng ngay từ giai đoạn đặt cọc để tham gia đấu giá.

Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng các khoản cấp tín dụng/hỗ trợ tài chính/thu xếp cho những “deal” kiểu này thường kèm theo những điều kiện khá “rắn” và chi phí tương đối cao. Đã thế, thời gian cho vay lại không dài, thường chỉ 3 tháng, 6 tháng hay cùng lắm là 1 năm. Một phần do thời gian gấp và quy mô vốn lại lớn, nên bên cho vay cũng phải phải sử dụng nhiều "kỹ thuật" để lách các hàng rào về chuẩn mực và chuẩn cấp vốn.

Nếu các "tay chơi" non vốn và không có một "hạ tầng tài chính" phía sau làm bệ đỡ, thì hậu "game", áp lực xử lý các khoản vay "nóng" sẽ là một vấn đề. Họ phải thu xếp được nguồn lực trả nợ/đảo nợ bằng giải pháp căn cơ và có tính dài hơi hơn. Việc "khai thác" nguồn lực từ tài sản trúng đấu giá về cũng là một cách nhưng nó không dễ và khá mất thời gian.

- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

- Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư 36/2014/TT-NHNN

Trở lại thương vụ phát hành trái phiếu của An Quý Hưng và An Quý Hưng Land, với kỳ hạn lên tới 3 năm, đây rõ ràng là một giải pháp thu xếp vốn "có chiều sâu" mà nhóm chi phối Vinaconex đang kỳ vọng.

Song tổng quy mô huy động lên tới 5.300 tỷ đồng lại là một thách thức cho khả năng hấp thụ của thị trường. Nó gần như bất khả thi với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Với quy mô phát hành này thì nhà đầu tư tiềm năng nhất có lẽ chỉ là các... ngân hàng - nhất là các ngân hàng đã từng tham gia thu xếp vốn "nóng" trước đó.

Nhưng như đã thấy, An Quý Hưng và An Quý Hưng Land vừa thất bại hoàn toàn trong thương vụ phát hành trái phiếu, với đại lý phát hành được lựa chọn là Công ty cổ phần Chứng khoán VPS (công ty con của VPBank - một ngân hàng gần đây có giao dịch khá tích cực với An Quý Hưng).

Nên nhớ rằng, nhân vật đứng sau nhóm cổ đông lớn đối trọng với nhóm An Quý Hưng ở Vinaconex cũng là một "tay chơi" lọc lõi và rất có vị thế trong giới buôn tiền.

Lo ngại nhóm lãnh đạo "thân" An Quý Hưng lạm quyền...

Sau sự thoái lui của các cổ đông SCIC, Viettel và Pyn Elite Fund, Vinaconex đã đón nhận sự tham gia của các “ông chủ” mới là An Quý Hưng (57,71%), Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (21,28%) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (7,57%).

Tới ngày 11/1/2019, Vinaconex tổ chức phiên họp Đại hội đổng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2019 (diễn ra ngày 11/1/2019) tiến hành bầu thay thế toàn bộ HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, các cổ đông Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest và 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Quang Trung và Thân Thế Hà đã gửi đơn khiếu kiện lên TAND Quận Đống Đa (Hà Nội) yêu cầu hủy bỏ nghị quyết phiên họp ĐHĐCĐ bất thường nêu trên.

Nguyên nhân được Công ty TNHH Đầu tư Star Invest tiết lộ cho rằng từ khi HĐQT mới được bầu ra, các thành viên do An Quý Hưng cử vào đã thông qua một số quyết định phục vụ lợi ích nhóm cổ đông của mình.

Cụ thể, tại phiên họp đầu tiên của HĐQT (sau khi bầu) diễn ra ngày 21/1/2019, các thành viên từ An Quý Hưng đã đề xuất sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT và Quy chế quản lý tài chính.

Theo đó, quyền bổ nhiệm cán bộ đại diện vốn sẽ thuộc cá nhân Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc. Bên cạnh đó, đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT Vinaconex sẽ được quyền quyết định mọi giao dịch có giá trị lên đến 1.000 tỷ đồng, Tổng Giám đốc quyết tới 500 tỷ đồng mà ko cần thông qua HĐQT.

Trước đây, khi Vinaconex còn được kiểm soát bởi hai cổ đông nhà nước là SCIC và Viettel thì Chủ tịch HĐQT được quyết định đến 15 tỷ đồng, Tổng giám đốc được quyết định đến 5 tỷ đồng.

Lo ngại những rủi ro khi trao quyền tự quyết định quá lớn cho các cá nhân, một số thành viên HĐQT khác đã đưa ra những cảnh báo. Tuy nhiên, theo phản ánh của các cổ đông tiến hành nộp đơn, các ý kiến này đều bị các thành viên liên quan đến nhóm An Quý Hưng bỏ qua.

Được biết, các chức vụ Chủ tịch HĐQT và CEO của Vinaconex lần lượt do ông Đào Ngọc Thanh và ông Nguyễn Xuân Đông đảm nhiệm. Cả 2 nhân vật này đều có nhiều mối liên hệ với An Quý Hưng.

Cụ thể, ông Đào Ngọc Thanh từng tham gia phiên họp ĐHĐCĐ bất thường của Vinaconex với vai trò người đại diện cho nhóm cổ đông này. Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Đông từng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của An Quý Hưng.

Các nhân sự chủ chốt khác của Vinaconex như Trưởng Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng cũng được một số cổ đông tố là "người" của nhóm An Quý Hưng./.