Năm 2018: EU đứng trước kỷ nguyên bất định và bất ổn

VietTimes -- Năm 2018 sắp qua đi chứng kiến cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội chưa có dấu hiệu lắng dịu ở Pháp cùng với nhiều sự kiện lớn phản ánh sự chuyển dịch chưa từng có trong cục diện chính trị Châu Âu, cũng như thế giới đang đưa Liên minh Châu Âu (EU) tới trước tương lai bất định và bất ổn, thậm chí có thể không tránh được sự tan rã của “siêu quốc gia này” trong thập kỷ tới.
EU đang nằm trong kỷ nguyên bất ổn và bất định.
EU đang nằm trong kỷ nguyên bất ổn và bất định.

Dự báo bi quan về tương lai của EU

Nếu vào trang tìm kiếm của Google.com gõ từ khóa “tương lai của EU” bằng tiếng Anh (Future of EU) hay tiếng Nga (будущее ЕС) người đọc có thể tìm thấy hàng nghìn bài viết và công trình nghiên cứu dự báo, trong đó đưa ra nhận định khá bi quan về tương lai bất ổn và bất định, thậm chí là nguy cơ tan rã của EU trong thập kỷ tới. Đơn cử là nhận định của Cựu Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức, ông Frank-Walter Steinmeier, cho rằng EU đang trên bờ vực sụp đổ mà nguyên nhân có thể là Brexit, cuộc khủng hoảng di cư, khủng hoảng tài chính, chủ nghĩa dân tộc và dân túy, đưa châu lục này vào vòng xoáy bất ổn lâu dài [1].  

Còn Tiến sỹ kinh tế Joseph Stiglitz, người từng đoạt Giải Nobel kinh tế năm 2001, trong bài trả lời phỏng vấn báo Đức Die Welt, đưa ra dự báo rằng EU có thể tan rã trong những năm tới xuất phát từ sự sụp đổ của Liên minh tiền tệ Châu Âu. Theo ông, các nhà chính trị EU có thể đạt được thỏa thuận nhằm níu kéo liên minh này tránh khỏi sụp đổ nhưng thực tế nghiệt ngã lại có xu hướng trái ngược với nỗ lực đó [2]. Để tránh tương lai sụp đổ, đã đến lúc EU phải cải tổ một cách căn bản [3,4]

EU bước vào kỷ nguyên bất ổn và bất định

Ngày 29/10/2018 đánh dấu quyết định lịch sử của Thủ tướng Đức Angela Merken rút khỏi chính trường, đồng nghĩa với việc chấm dứt “kỷ nguyên Merkel” và có thể sẽ là “cơn ác mộng” thật sự đối với Châu Âu. Trước hết, cần nhận thấy, chính sách mở cửa của Thủ tướng Đức Angela Merken để xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư lớn nhất ở Châu Âu kể từ sau Thế Chiến II mặc dù đưa bà trở thành nhân vật của năm 2015 trên Tạp chí “Time” danh tiếng nhất thế giới, nhưng lại là một nhân tố quan trọng dẫn đến những thất bại chính trị của bà tại Đức vào thời điểm này. Hơn 1,5 triệu người nhập cư đến nước Đức kể từ năm 2014 đã và đang gây ra vô vàn chuyện tiêu cực, lộn xộn, không chỉ trong xã hội Đức mà còn ở nhiều nước thành viên EU, khiến đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ - Cơ đốc giáo mất đi sự ủng hộ của các cử tri, trước hết là các cứ tri ủng hộ đường lối bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc.

Tiếp sau quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merke rút khỏi chính trường là cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội bùng nổ ở Pháp trong tháng 11.2018 đã khiến cho bộ đôi Đức - Pháp đóng vai trò là trụ cột của EU bị lung lay từ nền tảng. Do đó, trong “kỷ nguyên hậu Merkel” và khủng hoảng ở Pháp, EU sẽ rơi vào trạng thái bất ổn và bất định do tác động của rất nhiều yếu tố.

(1) Bất ổn và bất định từ sự kiện Brexit. Theo giới phân tích, Brexit phản ánh sự chuyển dịch địa chính trị chưa từng có không chỉ ở Châu Âu mà cả trên thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua, kể từ sau Thế Chiến II. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Pháp, trong số các yêu sách của người biểu tình gửi tới chính phủ có Frexit nhằm “noi gương” nước Anh chia tay với EU. Brexit hay là Frexit phản ánh xu thế trỗi dậy chủ nghĩa dân tộc hướng tới chủ quyền quốc gia nhằm né tránh cơn bão toàn cầu hóa đang xóa nhà biên giới các quốc gia [5].

(2) Bất ổn và bất định từ sự bế tắc trong việc hóa giải cuộc khủng hoảng nhập cư. Cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay của các nước Châu Âu chỉ hóa giải “phần nổi của tảng băng chìm”, còn căn nguyên sâu xa là tình trạng bất ổn kéo dài gần như bất tận ở các nước Bắc Phi - Trung Đông (MENA) mà chính các quốc gia thành viên EU cũng “có tội” gây ra khi họ tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Libya và tiếp tục can thiệp vào chủ quyền của nhiều nước khác.

Không phải ngẫu nhiên mà những người biểu tình ở Pháp đề ra yêu sách đòi chính phủ Pháp chấm dứt hành động đưa quân xâm lược các nước khác. Chính Pháp là quốc gia phát động chiến dịch can thiệp quân sự ở Mali trong năm 2013 sau khi kết thúc chiến tranh xâm lược Libya trong năm 2011.  Đến này, các nước Châu Âu vẫn chỉ tài trợ nhỏ giọt để tái thiết các nước Bắc Phi - Trung Đông sau khi bị chiến tranh và xung đột tàn phá. Cựu Tổng thống Libya, ông Muammar al-Gaddafi, từng cảnh báo nếu các nước Châu  Âu xâm lược và xóa sổ nhà nước Libya thỉ họ sẽ phải hứng chịu “cơn đại hồng hủy” thời hiện đại mang tên “làn sóng di cư” từ Bắc Phi - Trung Đông [6,7].

(3) Bất ổn và bất định từ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp ước về tên lửa tầm trung (INF) ở Châu Âu. Bằng quyết định rút khỏi INF, các tập đoàn tài phiệt Mỹ theo đuổi tham vọng biến Châu Âu thành chiến trường bày sẵn cho một cuộc chiến tranh thế giới mới như họ đã từng làm trong Thế Chiến I và Thế Chiến II. Trước đây, hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX đã từng đưa Mỹ trở thành siêu cường số 1 thế giới, thì cuộc chiến tranh thế giới mới ở Châu Âu sẽ làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”. 

(4) Bất ổn và bất định do sự chia rẽ trong việc đối phó với chiến lược “vành đai - con đường” của Trung Quốc. Chiến lược “vành đai - con đường” thực chất là biểu hiện của trật tự thế giới mới theo kiểu Trung Quốc, thay thế trật tự thế giới do Mỹ kiểm soát. Chiến lược này không chỉ gây chia rẽ giữa nhiều nước trên thế giới mà ngay cả trong nội bộ EU. Vì thế, EU đã đề ra chiến lược kết nối Châu Á nhằm đối trọng với chiến lược “vành đai - con đường” của Trung Quốc.

(5) Bất ổn và bất định trong chủ trương cấm vận Nga. Nhiều nước thành viên EU đã nhận thấy cấm vận Nga là “con dao hai lưỡi” khía vào chính túi tiền của các doanh nghiệp châu Âu. Hiện nay nhiều chính khách ở châu Âu kêu gọi EU dỡ bỏ lệnh cấm vận này.

(6) Sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc. Chia rẽ chính trị ở châu Âu sẽ tiếp tục diễn ra do sự nỗi lên của chủ nghĩa dân tộc ở Đông Âu và các nước quanh khu vực Địa Trung Hải. Thất bại của Đảng Dân chủ - Xã hội ở Thụy Điển trong năm 2018 trong cuộc bầu cử lập pháp trước đảng cực hữu chống người nhập cư cùng với xu hướng nổi lên các đảng cực hữu với tư tưởng bài ngoại, chống người nhập cư, đòi thắt chặt biên giới không ngừng giành được tỷ lệ ủng hộ lớn ở nhiều cuộc bầu cử trên khắp Châu Âu, sẽ là cú hích dẫn tới sự thay đổi hoàn toàn bộ mặt của châu lục này.

(7) Tương lai bất định của bộ đôi Đức - Pháp trụ cột của EU.  Trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chịu áp lực ngày càng tăng sau 18 tháng cầm quyền do những cải cách không mang lại kết quả như mong muốn dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội đã làm suy giảm đáng kể vị thế của nước Pháp. Trong khi đó, nước Đức cũng đang đứng trước tương lai bất định sau khi Thủ tướng Angela Merken rút khỏi chính trường. Động thái này khiến vai trò trụ cột EU của Pháp và Đức đang bị lung lay.

(8) Chủ trương xây dựng Quân đội Châu Âu đang đứng trước dấu hỏi nghi vấn. Ngay trước thềm lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến I vào ngày 11.11.2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính thức tuyên bố chủ trương xây dựng Quân đội Châu Âu, độc lập với NATO, để bảo vệ châu lục này chống lại bất kỳ mối đe dọa chiến tranh nào từ Trung Quốc, Nga và cả Mỹ nữa. Tuyên bố này nhận  được sự ủng hộ nhiệt tình của Thủ tướng Đức Angela Merken nhưng lại bị Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối. Ông Donald Trump coi chủ trương của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xây dựng Quân đội Châu Âu là “lời xúc phạm nước Mỹ” và đưa ra lời cảnh báo rằng trước khi Châu Âu xây dựng quân đội riêng thì nên nộp khoản đóng góp bình đẳng của họ cho NATO.

(9) Sự rạn nứt ngày một nghiêm trọng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Trong hai năm 2000 - 2001, Chính phủ Mỹ cho phép giải mật các tài liệu của Cục lưu trữ quốc gia chứng tỏ sau Thế Chiến II, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) xây dựng hai đề án để kiểm soát Châu Âu. Đó  là Đề án thành lập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào năm 1949 để kiểm soát châu Âu về an ninh và Đề án thành lập Liên minh châu Âu để kiểm soát Châu Âu về kinh tế và chính trị [8,9]. Điều này giải thích câu hỏi vì sao các nước thành viên EU cũng như thành viên NATO nhất cử nhất động làm theo chỉ thị của Mỹ trong quan hệ với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay.

Hiện nay, với khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn các nước thành viên EU trở thành các quốc gia độc lập, có chủ quyền, và sẽ ký hết các hiệp định kinh tế trực tiếp với Mỹ nhưng vẫn là thành viên NATO. Chính vì thế, ông Donald Trump cổ súy cho Brexit và khuyên các nước thành viên EU khác nên “noi gương” nước Anh. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merken tuyên bố rằng đã đến lúc EU cần phải “làm chủ vận mệnh của mình” và xem xét lại quan hệ xuyên Đại Tây Dương [10]. Liệu EU có thể thoát khỏi “vòng kim cô” của Mỹ hay không, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ bởi./.  

Tài liệu tham khảo

[1] Евросоюз может распасться, – Штайнмайер. https://novostimira.com/novosti_mira_173946.html

[2]Еврозона может распасться на северную и южную части, – Нобелевский лауреат. https://24tv.ua/ru/evrozona_mozhet_raspastsja_na_severnuju_i_juzhnuju_chasti__nobelevskij_laureat_n734528

[3] Юнкер: Пришло время для ЕС стать самостоятельным. https://korrespondent.net/world/4010355-yunker-pryshlo-vremia-dlia-es-stat-samostoiatelnym

[4] Пришло время создать Европейский оборонный союз, - министр обороны Германии. .https://censor.net.ua/news/405159/prishlo_vremya_sozdat_evropeyiskiyi_oboronnyyi_soyuz_ministr_oborony_germanii

[5]Brexit – Will The EU Collapse Anyway? https://www.zerohedge.com/news/2018-08-07/brexit-will-eu-collapse-anyway

[6]"Точечный халифат" в Европе. https://ria.ru/20160125/1363435503.html

[7] Муаммар Каддафи. https://doc.rt.com/filmy/muammar-kaddafi/

[8] The European Union always was a CIA project, as Brexiteers discover. http://www.telegraph.co.uk/business/2016/04/27/the-european-union-always-was-a-cia-project-as-brexiteers-discov/

[9] The European Union Was Always an American-Led Project, and Now Washington Is in Panic Mode. http://www.huffingtonpost.com/riley-waggaman/the-european-union-was-al_b_10739324.html

[10] МИД ФРГ: Пришло время переоценить трансатлантическое партнерство с США. https://aurora.network/articles/153-geopolitika/61162-mid-frg-prishlo-vremja-pereotsenit-transatlanticheskoe-partnerstvo-s-ssha