Nhìn lại hai năm đầu của Tổng thống Donald John Trump qua 8 biểu đồ

Hai năm đầu tiên trong Nhà Trắng của Trump đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Hãy cùng nhìn lại hai năm cầm quyền của ông Trump xem ông đã làm được gì và đối diện với những thách thức nào?
Hai năm đầu ông Trump vào Nhà Trắng.
Hai năm đầu ông Trump vào Nhà Trắng.

Mức độ ủng hộ ông Trump

Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ của mình như một trong những tổng thống không được ưa chuộng nhất trong thời kỳ hiện đại và ông hiện giờ vẫn như vậy.

Tỷ lệ ủng hộ của ông chỉ là 37%, theo Gallup. Mức ủng hộ của Tổng thống Barack Obama (50%), George W Bush (58%) và Bill Clinton (54%) đều cao hơn Trump vào thời điểm này.

Tổng thống duy nhất trong những thập kỷ gần đây có mức ủng hộ gần thấp như ông Trump trong giai đoạn này, có lẽ đáng ngạc nhiên, là Ronald Reagan, người cũng đang bị suy yếu ở mức 37% vào năm 1983. Nhưng con số này dần cải thiện sau đó và ông tiếp tục giành được nhiệm kỳ thứ hai với tư cách tổng thống.

Một điểm tốt cho ông Trump là ông vẫn có sự ủng hộ của cử tri đảng Cộng hòa - 88% trong số họ tán thành nhiệm kỳ tổng thống của ông. Nếu con số đó vẫn ở mức cao, ông sẽ không có nguy cơ phải đối mặt với một thách thức nghiêm trọng để trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa vào năm 2020.

Tổng thống Trump điều hành Nhà trắng ra sao?

Chính quyền của Tổng thống Trump đã nhiều lần bị các nhà phê bình coi là hỗn loạn và rối loạn chức năng.

Có một danh sách dài các quan chức cấp cao đã nghỉ việc, bị sa thải hoặc buộc phải rời khỏi Nhà Trắng - nhưng số nhân viên nghỉ việc liệu có tồi tệ hơn các chính quyền trước đây?

Câu trả lời là có. Nghiên cứu của Viện Brookings cho thấy 65% cố vấn cấp cao của Trump đã rời bỏ công việc của họ trong vòng hai năm. Con số này cao hơn đáng kể so với hầu hết những người tiền nhiệm gần đây của ông.

Thông thường, đội ngũ hàng đầu của một tổng thống gắn bó với nhau trong năm đầu tiên và sau đó thay đổi một chút trong năm thứ hai - nhưng đối với ông Trump, sự ra đi của các cố vấn cao cấp đã khá đều đặn kể từ ngày đầu tiên.

Ông Trump giữ lời hứa khi tranh cử thế nào?

Sự thiếu ổn định trong Nhà Trắng đã thể hiện khi người ta đánh giá thành công của ông Trump với các chính sách.

Ông Trump gặp khó khăn trong việc giữ đúng lời hứa ở những lãnh vực cần phải len qua các hành lang của Quốc hội, mặc dù ông đã kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện trong suốt hai năm, cho đến khi đảng Dân chủ giành lại Hạ viện vào đầu tháng 1.

Sắc lệnh nào gây ảnh hưởng lớn nhất?

Chẳng hạn, về chăm sóc sức khỏe, ông đã thất bại trong lời hứa sẽ dẹp bỏ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá phải chăng của Tổng thống Obama (Obamacare), điều này đã giúp hơn 20 triệu người Mỹ không có bảo hiểm trước đây giờ được bảo hiểm y tế nhưng phải chịu phí bảo hiểm tăng.

Thành công lập pháp chính của ông là thông qua một dự luật cải cách thuế lớn, trong đó thuế doanh nghiệp giảm từ 35% xuống 21%. Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế cá nhân cho các gia đình đã thất bại trong việc giúp đỡ đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Thành công lớn khác của ông là bổ nhiệm được hai thẩm phán vào Tối cao Pháp viện, vừa mới được xác nhận, trong đó có Thẩm phán Brett Kavanaugh, người phải đối mặt với cáo buộc tấn công tình dục trong quá trình xác nhận.

Ở những lãnh vực khác, tổng thống đã sử dụng các mệnh lệnh hành pháp để đáp ứng các mục tiêu chính sách mang tính biểu tượng như chuyển đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem và rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Ông cũng đã ra lệnh giảm quân số Hoa Kỳ ở nước ngoài, bao gồm cả ở Afghanistan và Syria.

Nhưng tổng thể, trang web kiểm tra thực tế độc lập Politifact nói rằng Tổng thống Trump đã thực hiện tương đối ít lời hứa trong chiến dịch tranh cử của mình, trong khi gần một nửa đã bị chặn hoặc bỏ.

Ông có thực hiện được vấn đề cải tổ di trú?

Xây dựng một bức tường biên giới và bắt Mexico phải trả tiền là lời hứa nổi bật và then chốt của Tổng thống Trump trong chiến dịch tranh cử, nhưng dường như nó vẫn chưa xảy ra.

Quốc hội đã thông qua $1,7 tỷ đôla tài trợ cho 124 dặm tường mới và thay thế hàng rào kể từ khi ông Trump bước vào Nhà Trắng, nhưng ước tính để xây dựng dải tường mong muốn của ông thì phải tốn từ $12 tỉ đến $70 tỷ.

Vào tháng 12, sau những chỉ trích về sự thiếu tiến bộ trong việc xây tường từ một số nhà bình luận bảo thủ, Tổng thống Trump đã khởi động việc chính phủ đóng cửa một phần kéo dài 35 ngày chưa từng có của chính phủ Mỹ.

Ông Trump chấp nhận mở cửa Chính phủ

Ông Trump đã hy vọng việc đóng cửa chính phủ sẽ gây được áp lực cho đảng Dân chủ phải thỏa thuận tài trợ việc xây tường, nhưng cuối cùng ông buộc phải mở lại chính phủ mà không đạt được thỏa thuận nào.

Nền kinh tế Mỹ đã mất 11 tỷ đôla trong thời gian năm tuần chính phủ đóng cửa nhưng khoảng 8 tỷ đôla sẽ được thu hồi khi nhân viên nhận lại tiền lương, theo Văn phòng Ngân sách không đảng phái của Quốc hội.

Trong suốt thời gian chính phủ đóng cửa, ông Trump lập luận rằng bức tường cần thiết cho việc ngăn chặn một "cuộc khủng hoảng an ninh và nhân đạo đang gia tăng ở biên giới phía nam của chúng ta", liên quan đến "hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp".

Tuy nhiên, số liệu cho thấy rằng việc vượt biên bất hợp pháp đã suy giảm tổng thể kể từ năm 2000.

Tổng thống Trump tiếp tục áp lực Quốc hội thay đổi luật di trú Hoa Kỳ, bao gồm chấm dứt hệ thống xổ số visa và "bảo lãnh dây chuyền" ưu tiên cho người thân của cư dân hợp pháp của Hoa Kỳ.

Tối cao Pháp viện cũng trao cho ông một chiến thắng vào tháng 6 năm ngoái, khi giữ nguyên lệnh cấm người dân từ một số quốc gia đa số Hồi giáo vào Mỹ với lý do an ninh quốc gia.

Kinh tế dưới thời Tổng thống Trump

 Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ tạo ra 25 triệu việc làm trong hơn 10 năm và trở thành "tổng thống việc làm vĩ đại nhất ... chưa từng có".

Ông từng tuyên bố tỷ lệ thất nghiệp thực tế là hơn 40%. Bây giờ là Giám đốc điều hành của nước Mỹ, ông đang ôm ấp những tỷ lệ thất nghiệp mà trước đây ông từng nói là "giả mạo".

Tuy nhiên, những con số đó cho thấy rằng việc tạo việc làm dưới thời ông Trump trong hai năm đầu cầm quyền đã giảm nhẹ so với hai năm cuối cùng của Tổng thống Obama.

Tuy nhiên, quỹ đạo cơ bản của nền kinh tế dưới thời Tổng thống Trump giống như dưới thời Tổng thống Obama - tỷ lệ thất nghiệp thấp trong lịch sử và tiền lương đang tăng với tốc độ nhanh hơn trong những tháng gần đây.

Nhưng có một số điều đáng lo ngại cho ông Trump. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang đi xuống và quyết định bắt đầu một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc của ông đã dẫn đến việc Trung Quốc trả đũa bằng cách đánh thuế lên hàng trăm tỷ đôla hàng hóa của Mỹ.

Tổng thống đã nhanh chóng kể công cho sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong vài năm qua, nhưng thị trường này đã bắt đầu chao đảo trong những tuần gần đây.

Viễn cảnh của năm 2020 sẽ như thế nào?

Cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp có thể còn hơn 18 tháng nữa, nhưng chiến dịch tranh cử đã bắt đầu.

Được khích lệ bởi một loạt các kết quả tốt trong cuộc bầu cử giữa kỳ, đảng Dân chủ rất lạc quan trong việc chiếm lại Nhà Trắng.

Một số ứng cử viên đã tuyên bố rằng họ muốn ra ứng cử cho đảng Dân chủ, với hai người nổi trội nhất là hai thượng nghị sĩ - Elizabeth Warren và Kamala Harris. Những tiềm năng khác, như cựu Phó Tổng thống Joe Biden, vẫn đang cân nhắc.

Nhưng bất kể ứng cử viên là ai, những dấu hiệu ban đầu là Tổng thống Trump sẽ phải tham gia vào một cuộc tranh cử khó khăn khác.

Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy bảy đối thủ tiềm năng của đảng Dân chủ đều vượt trội so với tổng thống trong các cuộc đối đầu giả định. Trong khi những kết quả thăm dò nên được ghi nhận một cách cẩn trọng, vì ngày bầu cử còn rất xa, chúng vẫn khiến đảng Cộng hòa cảm thấy hơi lo lắng.