Nhiều tổ chức vi phạm tỷ lệ nắm giữ tại Ngân hàng Quân đội

Có 5 nhà đầu tư tổ chức đã mua cổ phiếu MBB trong đợt chào bán vừa qua và tăng mạnh tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này. Hiện Viettel, SCIC, Vietcombank, MaritimeBank, Tân cảng Sài Gòn cùng hai đơn vị khác đang sở hữu hơn 66% vốn của MB.
Nhiều tổ chức vi phạm tỷ lệ nắm giữ tại Ngân hàng Quân đội

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – MBB) vừa công bố kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

Theo đó, MB đăng ký chào bán hơn 390,6 triệu cổ phần với số vốn huy động dự kiến là 3.906 tỷ đồng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thời giant hực hiện từ ngày 01 đến 18/9/2015.

Tuy nhiên, kết quả chào bán cổ phiếu đã đạt kết quả tốt hơn mong đợi. 100% số cổ phiếu đã được chào bán hết với giá bán thấp nhất là 10.500 đồng/cổ phiếu và giá cao nhất là 11.655 đồng/cổ phiếu.

Tổng số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu là 4.286 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí ngân hàng có khoản thu ròng là hơn 4.286 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có 5 nhà đầu tư tổ chức là cổ đông lớn đã mua cổ phiếu của MB trong đợt phát hành này bao gồm:

Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) mua thêm hơn 60,8 triệu cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu MBB mà đơn vị này sở hữu lên 240 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn của MB - là cổ đông lớn nhất.

Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và XNK Viettel mua hơn 26,8 triệu cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên hơn 74,2 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,64% vốn MB.

Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn mua thêm hơn 71,4 triệu cổ phiếu, nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 122,4 triệu cổ phiếu, chiếm 7,65% vốn của MB. Tỷ lệ sở hữu trước khi mua thêm cổ phiếu của công ty này là 4,27%.

Tổng công ty Trực thăng Việt Nam – Công ty TNHH mua 71,4 triệu cổ phiếu, nâng số cổ phần lên 127,5 triệu cổ phần, tương đương 7,97% vốn MB. Trước đó đơn vị này chỉ sở hữu 4,7% vốn của MB.

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua 160 triệu cổ phiếu, chiếm 10% vốn của MB.

Như vậy SCIC đã chính thức trở thành cổ đông lớn của MB sau nhiều thông tin "úp mở" trước đó về việc muốn sở hữu cổ phần của nhà băng này.

5 đơn vị kể trên như vậy đang sở hữu trên 45% vốn của MB, cùng với các cổ đông lớn khác như Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank) hơn 12%; Vietcombank 9,6%. Các cổ đông khác chỉ sở hữu khoảng 33% vốn của MB.

Cơ cấu cổ đông của MBB cập nhật tại ngày 18/9/2015 như sau:

Theo Trí thức trẻ

Trước đó, ngày 20/8/2015, sau khi sáp nhập thành công MekongBank, MaritimeBank (MSB) đã sở hữu gần 140 triệu, tương ứng trên 12% vốn điều lệ cổ phiếu Ngân hàng Quân đội, tương đương gần 2.000 tỷ đồng với giá cổ phiếu hiện tại.

MaritimeBank đã có báo cáo về thay đổi sở hữu cổ đông lớn tại  Ngân hàng Quân đội.

Tổng số cổ phiếu Ngân hàng Quân đội mà MaritimeBank nhận từ MekongBank là hơn 22 triệu cổ phiếu (22.027.621 cp). Ngoài ra, MaritimeBank nắm trực tiếp hơn 137,3 triệu cổ phiếu ( 9,946%) và hơn 2,5 triệu cổ phiếu (0,219%) sở hữu gián tiếp thông qua CTCP Quản lý Quỹ Tín Phát. Đến ngày 20/8/2015, tổng số cổ phiếu Ngân hàng Quân đội mà MaritimeBank là 12,06% (trong đó trực tiếp nắm 11,846%).

Tại Ngân hàng Quân đội, Viettel hiện là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 15%. MaritimeBank là cổ đông lớn thứ hai với hơn 12% cổ phần. Vietcombank là cổ đông lớn thứ ba với gần 9,6%.

Theo quy định tại Thông tư 36, từ cuối năm nay, ngân hàng này sẽ không được sở hữu quá 5% vốn tại một ngân hàng khác và giới hạn tối đa được 2 tổ chức tín dụng. Như vậy cả MaritimeBank và Vietcombank đều đang đối mặt với việc phải thoái bớt vốn tại Ngân hàng Quân đội.