Nhiều quy định làm khó cho DN trong lĩnh vực thực phẩm được sửa đổi

VietTimes -- Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2012/NĐ-CP đang dần được Bộ Y tế hoàn thiện chỉnh sửa theo hướng quy định cho các doanh nghiệp (DN) được tự công bố hợp quy đối với thực phẩm thường đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
Bộ Y tế sửa triệt để nghị định 38 để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Bùi Phú
Bộ Y tế sửa triệt để nghị định 38 để hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Bùi Phú

Thay đổi nguyên tắc quản lý

Cụ thể, với thực phẩm thường đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, DN tự công bố, bao gồm cả công bố hợp quy (đối với sản phẩm đã có quy chuẩn) và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn) và nộp bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Hồ sơ công bố gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận pháp nhân; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; Bản công bố sản phẩm theo mẫu đính kèm; kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong thời gian 12 tháng, gồm các chỉ tiêu an toàn, do phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm độc lập được công nhận hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận (bản gốc hoặc bản sao chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự).

Trong thời gian 7 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xem xét hồ sơ, nếu không có ý kiến bằng văn bản, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo những nội dung đã công bố. Trường hợp hồ sơ không đúng quy định, cơ quan quản lý nhà nước có văn bản yêu cầu DN sửa đổi, bổ sung. DN chỉ được phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm đúng với nội dung mà cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Sau 60 ngày làm việc, kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung, nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì cơ quan quản lý nhà nước hủy hồ sơ công bố sản phẩm.

Đối với thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe, DN nộp hồ sơ công bố đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồ sơ công bố gồm: Hồ sơ pháp lý (Giấy đăng ký chứng nhận doanh nghiệp, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP); Bản công bố sản phẩm theo mẫu; kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong thời hạn 12 tháng, gồm các chỉ tiêu chất lượng và an toàn, do phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được thừa nhận; thông tin, tài liệu khoa học chứng minh tác dụng của mỗi thành phần tạo nên chức năng đã công bố (đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe).

Đối với sản phẩm nhập khẩu nộp thêm các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận lưu hành tự do/Giấy chứng nhận xuất khẩu của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ/xuất khẩu cấp có đầy đủ nội theo quy định; Thư ủy quyền của nhà sản xuất cho DN nhập khẩu; tiêu chuẩn sản phẩm của nhà sản xuất.

Thời gian thẩm xét là 30 ngày thẩm định hồ sơ và các nội dung ghi nhãn của sản phẩm phù hợp quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa và có công văn đồng ý hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ và các nội dung ghi nhãn của sản phẩm để sản phẩm được phép lưu thông trên thị trường. Trong trường hợp yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì sau 10 ngày làm việc, kể từ khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và có văn bản trả lời.

Theo đại diện Bộ Y tế, điểm mới trong hướng sửa đổi thủ tục là DN được tự công bố mà không cần chờ Giấy tiếp nhận công bố của cơ quan quản lý. Đồng thời loại bỏ hình thức cấp lại, nếu DN không có bất kỳ sự thay đổi nào…

"Nghe" kiến nghị của doanh nghiệp

Trước đó, trong nhiều cuộc họp và chương trình lấy ý kiến tìm hướng, tập hợp ý kiến sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP, nhiều DN có ý kiến về thời gian công bố sản phẩm đối với nhóm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến hoặc các thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe trong vòng 30 ngày như dự thảo là quá lâu. Ghi nhận quan điểm này, Bộ Y tế đã nghiên cứu và thẩm định nhằm rút thời gian công bố.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng cho cho biết nhóm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến hoặc các thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe sẽ công bố tại Bộ Y tế, còn tất cả sản phẩm còn lại, cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố của các DN sẽ là Sở Y tế.

Liên quan tới việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết hướng sẽ bổ sung quy định là sẽ miễn kiểm tra an toàn thực phẩm với những trường hợp sau 3 lần kiểm tra liên tiếp đều thực hiện tốt các quy định về an toàn thực  phẩm, đồng thời cũng sẽ yêu cầu bổ sung các trường hợp miễn kiểm tra lại đối với trường hợp sản phẩm của DN đã đạt tiêu chuẩn ISO, GMP, HACCP…

Theo đại diện Bộ Y tế, thời gian cải cách thủ tục của Bộ bị "kêu" chậm là do gốc của các thủ tục liên quan đến thực phẩm là Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Khi bắt tay vào sửa nghị định này, tổng kết lại ý kiến từ các cơ quan chức năng và DN, có tới 26/28 điều của nghị định phải sửa nên thời gian có kéo dài. Tuy nhiên, Bộ Y tế tin tưởng sau khi hoàn thành, nghị định sửa đổi sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của DN và quản lý nhà nước trong lĩnh vực thực phẩm.