Nhiều phi công muốn nghỉ việc, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nói gì?

VietTimes -- “Còn các anh vẫn thấy chưa thỏa đáng thì đó là quyền quyết định của các anh. Mình rất dân chủ, rất thẳng thắn, rất cởi mở. Thế thôi. Mà cái khó của tổng công ty, chính sách này là để cho mọi người lao động, để cho hàng nghìn phi công chứ đâu phải là chỉ vài chục người gửi đơn”.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành. (Ảnh: Thanhnien)
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành. (Ảnh: Thanhnien)

Phi công Việt Nam “cầu cứu” Phó Thủ tướng vì 2 Thông tư của Bộ GTVT

Ngày 28/5, trao đổi với VietTimes, phi công Vietnam Airlines (VNA) đứng tên đại diện gửi đơn lên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết việc Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã có thông báo về kế hoạch làm việc giữa Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc với họ. Theo kế hoạch, buổi làm việc dự kiến diễn ra vào sáng Thứ Tư, ngày 30/5/2018.

Buổi làm việc này, trên thực tế, đã diễn ra. Tuy nhiên trao đổi với PV VietTimes, ông Dương Trí Thành – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines – cho biết buổi làm việc không chỉ cho mục đích duy nhất để giải quyết khiếu nại của các phi công Việt Nam. “Lần này lãnh đạo Vietnam Airlines vào làm việc, nó kết hợp rất nhiều ý, chuẩn bị cho mùa cao điểm”, ông Thành nói.

Theo vị CEO: “Điều quan trọng nhất là hơn một nghìn phi công của Vietnam Airlines vẫn rất là tin tưởng, yên tâm công tác. Đương nhiên cũng như mọi người lao động, người ta cũng muốn được cải thiện về lương và các điều kiện khác. Đâu chỉ là lương. Chẳng hạn như đi công tác nước ngoài, khách sạn có hơi xa, rồi chế độ bảo hiểm sức khỏe có lúc chưa được như ý muốn”.

Người đứng đầu ban điều hành Vietnam Airlines cho hay, từ ngày 01/06/2018, Vietnam Airlines sẽ bắt đầu áp dụng các chế độ mới cho toàn tổng công ty - từ phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, cán bộ mặt đất. “Đặc biệt, cũng như mọi khi, phần quan tâm lớn nhất là dành cho phi công. Đương nhiên là anh em cũng cơ bản là thấy có tiến bộ và phấn khởi”.

Tuy vậy, ông Dương Trí Thành cũng thừa nhận “vẫn có những người bảo chưa được, người ta mong nhiều hơn”. “Thì mình cũng phải giải thích với người ta. Mình là hãng hàng không quốc gia, nhiệm vụ chính trị- xã hội rất nhiều. Mình cũng phải quản lý chi phí, cũng đảm bảo nhiều thứ.”

Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, tại buổi làm việc, lãnh đạo tổng công ty này đã trao đổi với anh em, là bây giờ lương phi công của các anh 250 – 300 triệu đồng/tháng. “Các anh mà kêu là thấp ấy thì xã hội có nghe các anh không?”, ông Thành đặt vấn đề.

Trước khiếu nại của nhóm phi công về các quy định mà họ cho là bất cập, chẳng hạn như khi nghỉ việc, phi công phải thông báo trước 120 ngày chứ không phải là 45 theo như quy định tại Luật Lao động, ông Thành giải thích rằng, phi công là một nghề đặc thù, có liên quan đến việc đảm bảo ổn định, trách nhiệm an ninh quốc phòng nên Bộ Giao thông có quy định riêng. “Thì đấy là quy định của Bộ, mà tổng công ty nhà nước như chúng tôi phải chấp hành” – ông Thành nói.

CEO Vietnam Airlines một lần nữa tái khẳng định, rằng sau khi được lãnh đạo tổng công ty giải thích, về cơ bản các phi công của hãng đều thống nhất rất cao. Chỉ có vài chục phi công cho rằng chưa thỏa đáng.

“Còn các anh vẫn thấy chưa thỏa đáng thì đó là quyền quyết định của các anh. Mình rất dân chủ, rất thẳng thắn, rất cởi mở. Thế thôi. Mà cái khó của tổng công ty, chính sách này là để cho mọi người lao động, để cho hàng nghìn phi công chứ đâu phải là chỉ vài chục người gửi đơn”, ông Thành chia sẻ và khẳng định: “Còn mấy chục anh em thấy chưa được mà vẫn đi thì thì áp dụng theo đúng luật, theo hợp đồng mà làm. Vui vẻ thôi”.

Theo lãnh đạo VNA, việc tăng lương, điều chỉnh thu nhập cho phi công nói riêng và người lao động không phải muốn là làm được. Nó cần có lộ trình, có kế hoạch, thông qua phê chuẩn của Đại hội đồng cổ đông và các cơ quan hữu quan. “Chứ mình không phải là doanh nghiệp tư nhân mà hôm nay hứng lên hoặc là mình cần thế này thì điều chỉnh đột ngột ngay”.

Ông Thành lấy ví dụ như việc điều chỉnh thu nhập cho người lao động từ ngày 01/06/2018 này, thực tế nó đã được nghiên cứu từ năm trước rồi. Khi mà tăng lương chúng ta phải căn cứ vào nguồn của mình, đảm bảo Nhà nước và các cổ đông vẫn có lợi nhuận thu được, căn cứ tình hình đầu tư phát triển, kinh doanh.

Tổng Giám đốc VNA nói trong mỗi lần tăng lương thì phần cao nhất luôn dành cho các phi công. “Phi công lương họ đã sẵn cao rồi. Mà chỉ cần tăng mấy % thì là lớn lắm”.

“Riêng hơn một nghìn phi công thì lương của họ đã chiếm đến gần một nửa quỹ lương toàn tổng công ty. Mình có 6.700 người thì hơn một nghìn phi công đã chiếm một nửa rồi, còn phần còn lại thì chia nhau hơn nửa còn lại”, ông Thành chia sẻ, phi công mới ra trường (đào tạo về), lương của họ cũng 70 – 80 triệu rồi.

“Nó rất là cao chứ. Mình cũng biết rằng đó là một nghề rất đặc biệt và nó rất xứng đáng. Nhưng ngược lại, anh em cũng nên trân trọng những nỗ lực của tất cả mọi người ủng hộ cho mình”, vị CEO bày tỏ. “Còn chúng tôi rất đề nghị, rất mong muốn anh em gắn bó, gây dựng cùng với nhau để mà có truyền thống, xây dựng doanh nghiệp, có trách nhiệm xã hội. Bao nhiêu cái đáng quý như thế thì mình rất trân trọng, làm mọi việc tốt nhất có thể để giữ các anh em, để các anh em thấy thỏa đáng.”

CEO Vietnam Airlines chia sẻ thêm: “Có người khác còn hỏi là họ đi thế có ảnh hưởng gì đến an toàn khai thác không (vì thiếu người), câu trả lời của VNA là VNA không đánh đổi cái gì cho an toàn. Nếu mà thiếu người, các anh đi thì chúng tôi phải thuê bổ sung. Còn nếu thuê bổ sung không được thì chúng tôi không thể tăng nhanh như mong muốn, chúng tôi có thể bớt máy bay đi. Ở đâu đó còn những người không có đầy đủ thông tin, có góc nhìn và cách tiếp cận cực đoan, thì mình phải có trách nhiệm giải thích, lôi kéo lại, giác ngộ.”

Thu nhập của phi công Việt Nam thực tế không cao như lãnh đạo VNA nói (?)

Chia sẻ với VietTimes, nhóm phi công đang xin nghỉ việc cho rằng, buổi làm việc với lãnh đạo Vietnam Airlines hầu như không đem lại kết quả. “Mức tăng lương chỉ là từ 3 đến 8 triệu đồng”, đại diện nhóm phi công cho biết.

“Cuộc họp chủ yếu là thông tin vĩ mô, tầm nhìn 2030 với phi công để làm gì khi quá xa vời và là 2 nhiệm kỳ nữa (?); Ai sẽ thực hiện và cam kết như thế (?). Phi công cũng có ai quan tâm điều đó không khi không có nói gì về môi trường làm việc và điều kiện làm việc”, một Cơ trưởng đang công tác tại đội bay A321 chia sẻ.

Phi công này cũng cho rằng, bảng lương mà tổng công ty đưa ra tại buổi làm việc không hợp lý, khai khống 20-25% giá trị thực tế phi công nhận được trước thuế, còn nếu với sau thuế là 40-45% giá trị.

Họ cũng nói rằng không được những người chủ tọa cho phát biểu hết nhẽ về tính minh bạch trong lương, và sẽ chênh lệch – mà theo họ là bất công – giữa phi công Việt Nam và phi công nước ngoài mà VNA thuê về.

Một Cơ trưởng thuộc Đội bay 787 thậm chí còn cho rằng, lãnh đạo VNA đã coi thường phi công khi nêu khống lương của họ ngay tại cuộc họp. “Tôi bay cả đời chưa bao giờ đạt được con số mà Tổng công ty đưa ra cả”.

Một Cơ trưởng A321, nêu tên là Thắng, dẫn chứng, mức lương hiện tại của anh tháng cao nhất, bay hết sức chỉ là 120 triệu. Trong khi, với vị trí tương đương, nếu làm cho các hãng bay khác trong nước, mức lương lên đến 250 triệu đồng. “Tôi muốn chuyển hãng nhưng họ bắt đền 1,9 tỷ đồng. Trong khi tôi bay đã 12 năm, nếu tính công sức và đóng góp so với lương cũng là VNA trả cho phi công ngoại quốc, họ phải trả ngược lại tôi 5 - 7 tỷ đồng. Tôi không hiểu khoản tiền 550 triệu đồng và 50 triệu đồng Phá vỡ hợp đồng và Tiền Tìm Phi Công là tiền gì. Hợp đồng tôi ký không hề có điều khoản nào nói về số tiền này, chưa kể các hợp đồng khác cũng không có điều khoản bồi hoàn”, anh này bày tỏ.

Một bất cập khác, theo các phi công Việt Nam đang xin nghỉ việc tại Vietnam Airlines, đó là lương phi Công Việt Nam ký hợp đồng với VNA nhưng được cử đi làm tại các công ty con của VNA - như Jetstar Pacific, Angkor Air - lương lại rất cao, nhưng phi công đó về công ty mẹ thì lương lại thấp.

Nhóm phi công này khẳng định sẽ tiến hành khởi kiện hành chính hai văn bản của Bộ Giao thông Vận tải, là Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT ngày 12 tháng 08 năm 2015 và Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30 tháng 06 năm 2017. Theo họ, những văn bản này là trái luật và là chiếc “vòng kim cô” ngăn cản nguyện vọng chuyển việc của họ./.