Nhiều người dân Hà Nội đang hoang mang thái quá vì COVID-19

VietTimes -- Khi thấy có trường hợp COVID-19 dương tính ở Núi Trúc (Hà Nội), nhiều người lo sợ sẽ bị lây nhiễm bệnh dù mới chỉ đi qua khu phố này.
PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: Minh Thúy.
PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: Minh Thúy.

"Nhiều người dân Hà Nội đang hoang mang thái quá vì COVID-19" - đó là quan điểm của PGS.TS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam – trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề hội nghị trực tuyến "Tập huấn về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19", diễn ra ngày 15/3.

“Thực ra, virus này chỉ lây lan khi có tiếp xúc gần, nghĩa là phải có giao tiếp với người bệnh hoặc người đã từng tiếp xúc gần (dưới 2m) với người bệnh đó. Vì thế người dân không nên lo lắng quá. Chúng ta cần phải biết cách thức lây lan của virus để có ứng xử đúng” - TS. Trần Đắc Phu lưu ý.

TS. Trần Đắc Phu cũng dẫn ra một ví dụ khác, về trường hợp tương tự, nhưng ở chung cư: Có người lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình khi chung cư chị ở có người đang được cách ly.

"Tôi trả lời đơn giản: Một là đừng sang nhà người kia nữa và người đó cũng phải thực hiện cách ly nghiêm chỉnh là không được sang các căn hộ khác. Thứ hai, cần kiểm tra lại xem có giao tiếp gì chung với người đang cách ly không, như tay nắm cửa, cầu thang, nút bấm cầu thang,…", PGS. Trần Đắc Phu nói.

Nhiều người dân tỏ ra lo lắng dù mới chỉ di chuyển xung quanh vùng đang cách ly vì COVID-19. Ảnh: Anh Lê
Nhiều người dân tỏ ra lo lắng dù mới chỉ di chuyển xung quanh vùng đang cách ly vì COVID-19. Ảnh: Anh Lê

PGS. Phu cũng cho biết nhiều trường hợp tự nhận thấy mình thuộc diện F3 và F4 tỏ ra hoang mang và không biết làm như thế nào. Trong lúc này, PGS. Phu khuyến cáo mọi người nên bình tĩnh, tự theo dõi sức khỏe của mình và những người trước đó F1, F2 để có thông tin dịch bệnh chính xác.

Để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, trong nhiều việc cần làm như đeo khẩu trang, đứng xa trên 2m, việc khử khuẩn tay (rửa tay bằng xà phòng hay nước rửa tay khô) là quan trọng nhất.

Sau khi đi xe buýt hay taxi, việc đầu tiên cần làm là rửa tay, rồi mới đến các việc tiếp theo như tháo khẩu trang đúng cách, bỏ áo khoác ngoài và các hoạt động khác. Nếu đôi tay chưa rửa lại đưa lên mắt, mũi, miệng thì còn nguy hại hơn.

Cùng với đó, người dân cũng cần lưu ý đeo khẩu trang đúng cách: Giặt khẩu trang vải hàng ngày và hủy khẩu trang y tế sau mỗi lần sử dụng.

PGS. Trần Đắc Phu nhiều lần nhấn mạnh quy tắc nằm lòng mọi người cần nhớ về "phòng bệnh cá nhân": Đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân bằng rửa tay thường xuyên với xà phòng, nước rửa tay khô, hạn chế nơi đông người.

Khi tiếp xúc với người ngoài, các nơi công cộng đông người thì cách tốt nhất là thường xuyên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa ray và bỏ thói quen xoa tay lên mặt.