Nhiều ngân hàng còn dè dặt khi bắt tay với công ty FinTech

Các công ty FinTech tại Việt Nam hiện quy mô còn nhỏ, các chính sách, quy định dành cho những công ty này còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn còn dè dặt trong quyết định hợp tác với các công ty FinTech.

Khảo sát được EY Việt Nam công bố ngày 12/4

Theo “Khảo sát toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018” do EY thực hiện, ngành dịch vụ tài chính khu vực ASEAN đang phát triển nhanh chóng hết với sự đột phá của các công ty công nghệ tài chính thế hệ mới (FinTech).

FinTech kết hợp các mô hình kinh doanh sáng tạo cung cấp các dịch vụ tài chính đang ngày càng phổ biến trong khu vực cũng như thế giới.

Trong khi các nền kinh tế trong khu vực có tốc độ phát triển nhanh chóng với dân số trẻ, ở thành thị và hiểu biết tốt về công nghệ, mức độ tiếp xúc với thiết bị di động và Internet ngày một tăng thì khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, người tiêu dùng của các tổ chức tài chính truyền thống là chưa đủ.

Tất cả những yếu tố trên đã thúc đẩy cho quá trình tiếp nhận các dịch vụ FinTech tại ASEAN.

Với nền tảng vững chắc và mức độ tiếp nhận FinTech cao, ASEAN được ví như cỗ máy tăng trưởng kinh tế đã và đang thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Theo số liệu của tổ chức Tracxn, năm 2017, riêng vốn đầu tư vào lĩnh vực FinTech toàn khu vực đã tăng vọt lên 45% so với năm ngoái, đạt mức 366 triệu USD.

Nhìn chung, các doanh nghiệp FinTech đều khá lạc quan về tình hình tăng trưởng trong tương lai của ngành, có tới 89%tin rằng khách hàng đã sẵn sàng chấp nhận các dịch vụ của họ, 61% dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng doanh thu như mục tiêu trong vòng 12 tháng tới và có tới 87% đang có kế hoạch mở rộng thị trường trong vòng 12 tháng tới.

Ngoài các nước Đông Nam Á, những điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp FinTech để đẩy mạnh phát triển và mở rộng thị trường là Mỹ, Anh và Trung Quốc.

Mặc dù có khát vọng tăng trưởng mạnh mẽ, các FinTech vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về tài chính.

Khảo sát cũng chỉ rõ, với hầu hết các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu phát triển, họ sẽ cần nhiều vốn hơn cho các giai đoạn tăng trưởng sau này và 60% doanh nghiệp được khảo sát mong đợi sẽ có 1 triệu USD cho vòng gọi vốn tiếp theo.

Tuy nhiên, 68% trong số doanh nghiệp được khảo sát có ít hơn một năm để lập kế hoạch và gây quỹ cho tăng trưởng.

Trên thực tế, 45% trong số đó tự gây quỹ. Trong khi hầu hết (76%) trong số đó đồng ý rằng có đủ các kênh huy động vốn, 52% vẫn gặp khó khăn trong vấn đề tự huy động vốn.

Ông Brian Thung, lãnh đạo phụ trách thị trường ASEAN của EY chia sẻ: "Cũng giống như hầu hết các công ty start-up, các công ty FinTech có thể thấy mình bị giới hạn bởi các lựa chọn về huy động vốn.

Các nhà đầu tư mạo hiểm và các ngân hàng thường là sự lựa chọn đầu tiên cho việc kiếm quỹ, mặc dù hầu hết các nhà đầu tư mạo hiểm và các ngân hàng sẽ không chịu rủi ro tín dụng của các công ty có hồ sơ ít hơn 3 năm.

Tuy nhiên, có rất nhiều chương trình vườn ươm khởi nghiệp, xúc tiến khởi nghiệp và ngay cả các kênh của chính phủ cho các công ty của FinTech có thể tận dụng để xin tài trợ.

Quan trọng hơn, họ nên tìm cách tiếp cận để mở rộng mạng lưới kinh doanh, tìm kiếm cơ hội từ các nhà đầu tư khác, ví dụ như từ nhà đầu tư mạo hiểm - những người có thể giúp họ nâng tầm doanh nghiệp và cũng là một trong những nguồn tài trợ.

Trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có số lượng các chương trình vườn ươm khởi nghiệp, xúc tiến khởi nghiệp và các chương trình tương tự nhiều thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore. Đây là một tín hiệu tốt đáng ghi nhận cho sự phát triển về FinTech tại Việt Nam.

Việt Nam có một lợi thế nữa là có dân số trẻ và am hiểu về công nghệ. Trong một báo cáo khác của EY, vẫn có tới 90% khoản thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt. Do đó, các công ty FinTech tại Việt Nam tập trung khá nhiều vào lĩnh vực thanh toán (chiếm 47%), cao nhất trong khu vực.

Việt Nam hiện cũng đã có câu lạc bộ chuyên biệt về FinTech trực thuộc các hiệp hội cơ quan nhà nước để các doanh nghiệp trong ngành có thể gặp gỡ, cập nhật, nâng cao kiến thức, hỗ trợ, chia sẻ các kinh nghiệm liên quan và quan trọng nhất là cùng nhau xây dựng khung pháp lý cho mảng dịch vụ này.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Bộ phận Dịch vụ Tài chính và Tư vấn Công nghệ của EY Việt Nam, hiện cũng là Phó Chủ tịch CLB VietFinTech chia sẻ: “Các công ty FinTech hiện quy mô còn nhỏ, các chính sách, quy định dành cho những công ty này cũng vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, nhiều ngân hàng hiện nay vẫn còn dè dặt trong quyết định hợp tác với các công ty FinTech mà không nhận ra rằng, với số người chưa từng mở tài khoản ngân hàng còn nhiều và số người sử dụng smartphone ngày một tăng. FinTech chính là cầu nối giúp họ mang các dịch vụ ngân hàng tới nhiều người dân hơn nữa”.

Ngoài vấn đề liên quan tới tài chính, thiếu hụt nhân sự và các quy định pháp lý của chính phủ cũng là hai vấn đề thách thức lớn khác mà các công ty FinTech Việt cũng như khu vực cùng phải đối mặt.

Theo các chuyên gia của EY, việc hỗ trợ về mặt chính sách từ các cơ quan chức năng sẽ là yếu tố hình thành nên một hệ sinh thái FinTech, khuyến khích sự sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/internet/blockchain/nhieu-ngan-hang-con-de-dat-khi-bat-tay-voi-cong-ty-fintech-166355.ict