Nhiều hãng sữa âm thầm đổi chuẩn: Lách luật để tăng giá?

Mặc dù Bộ Tài chính đã yêu cầu các hãng giảm chi phí quảng cáo trong giá sữa cho trẻ dưới 2 tuổi nhưng đến thời điểm này giá sữa vẫn giữ nguyên...
Người tiêu dùng đặt nghi vấn, phải chăng một số hãng sữa thay đổi phân chia dòng sữa theo độ tuổi để lách quy định giảm giá sữa cho trẻ dưới 2 tuổi sau khi bỏ chi phí quảng cáo?
Người tiêu dùng đặt nghi vấn, phải chăng một số hãng sữa thay đổi phân chia dòng sữa theo độ tuổi để lách quy định giảm giá sữa cho trẻ dưới 2 tuổi sau khi bỏ chi phí quảng cáo?

Nghịch lý: Chi phí quảng cáo giảm, giá sữa… tăng

Cho đến thời điểm này dù theo nghị định 100 của Chính phủ từ ngày 1/3/2015, các sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi sẽ không phải đội thêm chi phí quảng cáo, theo đó, các giá sữa của những sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 2 tuổi sẽ giảm giá.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các dòng sữa có khối lượng 900 gram nhập ngoại như Enfamil A số 2+ (dành cho trẻ từ 1 - 2 tuổi) có giá 473 nghìn đồng, Enfagrow A 3 + có giá 420.000 đồng, Enfagrow 4 + có giá 365.000 đồng...

Sữa Simmilac IQ 1 có giá 505.000 đồng/hộp, Similac số 2 có giá 495.000 đồng/hộp, Similac Gain plus có giá 395.000 đồng/hộp.

Các loại sữa bột như Abbott Grow số 3 giá 255.000 - 275.000đ/hộp 900 gram, Friso Gold số 4 loại 900 gram giá 379.000 – 385.000 đồng/hộp 900 gram, sữa Meiji số 9 có giá 410.000 - 420.000 đồng/hộp, sữa Meiji số 0 có giá 520.000 -535.000 đồng/hộp tùy từng cửa hàng.

Anh Minh - chủ shop sữa tại Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội cho biết giá sữa này so với thời điểm trước 1/3 không thay đổi, thậm chí một vài hãng sữa có khả năng sẽ tăng giá thêm 7 - 8%.

Đến thời điểm này, anh Minh cho rằng hãng sữa Abbott rục rịch tăng giá sớm nhất nên các sản phẩm bán giá cũ không còn nhiều.

Trong khi đó, Bộ Tài Chính vừa đưa ra văn bản số 90/QLG-NLTS yêu cầu cắt giảm chi phí quảng cáo cho loại sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi nhưng cho đến thời điểm này, theo báo giá tại cử hàng sữa của anh Minh, chưa có hãng sữa nào cắt giảm chi phí này.

Nói về thị trường sữa và giá sữa tại Việt Nam, anh Minh cho biết: Đến nay sữa tại nước ta vẫn có các sản phẩm khác nhau chia thành 3 phân khúc rõ rệt như các loại sữa có giá trung bình, giá ở mức khá và giá cao cấp.

Ba phân khúc này chia người tiêu dùng thành những nhóm tiêu thụ khác nhau, trong đó dễ dàng nhận biết nhóm giá trung bình chuyên tiêu dùng các nhãn hiệu như Dutch Lady thường, Nestlé, Dielac, Nutifood…; nhóm giá ở mức khá có Friso, Abbott IQ, Enfa thường; các dòng sữa cao cấp hơn thường được người tiêu dùng chọn mua tập trung vào các sản phẩm như Friso Gold, Dumex Gold, GainPlus, Enfa Gold A++..., Bellamy của Úc, Aptamil của Anh, và một số dòng sữa Pháp, Nhật nhập khẩu nguyên lon.

Nói về phân khúc theo giá này có phải do thương hiệu hay thực sự sữa đắt mới tốt, anh Minh và một số khách hàng mua sữa cho rằng: Có thể có sự khác nhau về chất lượng.

Sự khác biệt giữa dòng sữa trung bình với khá là sữa có tăng cường thêm một số thành phần bổ sung như DHA, ARA, Taurin, Cholin…

Dòng sữa cao cấp thể hiện khác với dòng sữa dành cho thu nhập khá ở chữ Gold, ở các A++ với các thành phần bổ sung có nhiều chất hơn, hàm lượng các chất tăng cao hơn.

Giá sữa có tăng hay không, sau ngày 15/4 mới rõ

Tại buổi họp báo mới đây nhất của Bộ Tài chính, lãnh đạo Cục Quản lý Giá cho hay, theo quy định mới về cấm quảng cáo đối với sữa dành cho trẻ em dưới 2 tuổi, Cục đã có công văn gửi tới Sở Tài chính địa phương, trong quá trình tiếp nhận kê khai giá của doanh nghiệp thì phải loại trừ chi phí quảng cáo trong giá thành và yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá trước 15/4.

Trên cơ sở kết quả kê khai giá của doanh nghiệp, Cục sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát và “Phải chờ sau ngày 15/4 xem các doanh nghiệp kê khai giá như thế nào mới trả lời được là giá sữa có tăng hay không”.

Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn lo lắng không biết sản phẩm sữa sẽ được quản lý giá như thế nào. Nhiều bà mẹ than thở rằng, nhà quản lý cấm quảng cáo để loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa trong khi đó các hãng lại tìm cách thay đổi bao bì, phân chia lại độ tuổi để phù hợp với yêu cầu quản lý.

Còn trên thực tế, nếu quan sát và đối chiếu công thức sữa bao bì mới loại dành cho trẻ từ 1-2 tuổi và bao bì cũ (loại dành cho trẻ 1-3 tuổi), dễ dàng nhận thấy sản phẩm mới không hề có đột phá, khác biệt nào về công thức. Hàm lượng các thành phần đa số không thay đổi, thành phần nào có điều chỉnh thì sự thay đổi cũng không đáng kể.

Chị Hà - chủ đại lý sữa ở Lê Trọng Tấn, Hà Nội cho biết: Mỗi lần phía cơ quan có những biện pháp hành chính quản lý thị trường sữa thì các hãng sữa thường thay đổi mẫu mã, bao bì, trọng lượng sản phẩm, còn giá thường vẫn giữ nguyên, thậm chí tăng.

Vì thế lần thay đổi này, cửa hàng chị cũng không kỳ vọng giá sữa sẽ giảm, nên nếu có tăng giá chị cũng không bất ngờ. Chỉ có người tiêu dùng thấy hụt hẫng vì dù có động thái của cơ quan chức năng nhưng hãng sữa vẫn không giảm giá.

Theo GDVN