Nhiều giải pháp CNTT nổi bật được giới thiệu tại Hội thảo do Bộ Y tế tổ chức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hội thảo "Ứng dụng các giải pháp CNTT góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh" do Bộ Y tế tổ chức đã cho thấy quá trình chuyển đổi số ngành Y tế trong những năm qua.
Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia cho phép người dùng có thể thanh toán các khoản tiền khám chữa bệnh, mua sắm, du lịch
Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia cho phép người dùng có thể thanh toán các khoản tiền khám chữa bệnh, mua sắm, du lịch

Một trong những giải pháp ứng dụng CNTT nổi bật được Công ty OneLink (thành viên của Tập đoàn công nghệ Vietsens) giới thiệu tại Hội thảo là "Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia".
Đây là loại hình thẻ tích hợp nhiều dịch vụ, cho phép người dùng có thể làm thẻ thanh toán khám, chữa bệnh, thay thế vé vào các khu du lịch, hoặc thanh toán mua hàng tại các siêu thị. Sử dụng thẻ sẽ giúp loại bỏ thanh toán bằng tiền mặt, giúp người dân thuận tiện hơn khi khám bệnh, du lịch hoặc giải trí.

"Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia” thuộc chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia 2014 - 2020 giữa Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế).

Một sản phẩm nổi bật khác là công cụ xây dựng Kho dữ liệu y tế (FPT.HIE) của công ty FPT Information System. Kho dữ liệu là công cụ giúp các Sở Y tế hoặc các bệnh viện quản lý, hoạch định dữ liệu, tự chủ dữ liệu, phân tích dự báo, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung. Công cụ này của FPT Information System đã được ứng dụng thành công tại một số đơn vị, trong đó có Sở Y tế Đồng Tháp.

Công cụ này cho phép đơn vị triển khai tạo ra Dashboard điều hành thông minh (thiết lập các chỉ số cảnh báo tức thời các loại bệnh; tính cấu trúc chi phí, mô hình bệnh tật). Công cụ cũng giúp đơn vị quản lý khai thác dữ liệu từ kho dữ liệu lâm sàng, truy vấn hồ sơ sức khỏe người dân một cách tiện lợi, phân tích giám sát chỉ số sức khỏe người dân.

Đại diện Bệnh viện Trung ương Huế đã giới thiệu việc ứng dụng robot trong hoạt động khám, chữa bệnh. Bệnh viện đã triển khai robot tư vấn sức khỏe trực tuyến từ xa và robot đào tạo. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19, Bệnh viện này đã sử dụng robot Ohmni và Tâm An trong việc khám và điều trị các bệnh nhân bị cách ly.
Hệ thống camera của robot có thể ghi lại hình ảnh và theo dõi sức khỏe bệnh nhân. Robot có thể vận chuyển thuốc men, nhu yếu phẩm tới phòng bệnh. Bệnh viện cũng đã bước đầu triển khai robot Lễ tân - sử dụng tại các quầy tiếp đón của Bệnh viện để giới thiệu thông tin về Bệnh viện và hướng dẫn người bệnh làm thủ tục khám bệnh.

Thử nghiệm dùng "Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia" tại kiosk để đăng ký khám, chữa bệnh

Thử nghiệm dùng "Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia" tại kiosk để đăng ký khám, chữa bệnh

Ngoài ra, còn có thể kể đến các giải pháp như bệnh án điện tử được áp dụng tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải pháp thanh toán phí dịch vụ y tế trên Cổng dịch vụ công quốc gia, giải pháp quầy thuốc thông minh E-Store của nhóm 5 tác giả áp dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái...

Hệ thống xếp hàng, đón tiếp tự động bệnh nhân

Hệ thống xếp hàng, đón tiếp tự động bệnh nhân

Bên cạnh các giải pháp được trình bày tại Hội thảo, những người tham dự cũng đã được lắng nghe các ý kiến chia sẻ từ lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong bài phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã tóm lược thành quả mà ngành Y tế đã đạt được trong 2 năm vừa qua, trong đó có việc triển khai thành công đề án "Khám, chữa bệnh từ xa" và khai trương 1.000 điểm cầu trên cả nước. Đến nay, đề án đang được các địa phương tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra 5 hạn chế trong ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đó là: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý; Hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau; An toàn thông tin và nhiều yêu cầu về công nghệ thông tin còn chậm triển khai; Nguồn lực dành cho công nghệ thông tin còn hạn chế; Sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn chưa đồng bộ,…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội thảo

Là một đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế ngay từ thời điểm giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sự hỗ trợ về chuyên gia và công nghệ, giúp Bộ Y tế triển khai các chương trình chuyển đổi số ở quy mô quốc gia cho đến từng địa phương.
Chia sẻ ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nói rằng Y tế đã là ngành tiên phong trong việc triển khai các nền tảng số dùng chung quốc gia, nhằm đưa công nghệ tới gần bác sĩ và người dân hơn, giúp các bác sĩ thực hiện công việc của mình tốt hơn và người dân được khám, chữa bệnh thuận lợi hơn.

Ngành CNTT và truyền thông cũng đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong việc triển khai chuyển đổi số trong công tác phòng chống dịch. Đây là những tiền đề để hai ngành tiếp tục thực hiện các chương trình chuyển đổi số. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói rằng ông đồng tình với ý kiến cho rằng Bộ Y tế cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác khám, chữa bệnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, hưởng ứng Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia, cũng như Quyết định số 505 của Thủ tướng về Ngày chuyển đổi số quốc gia, ngày 28/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định số 2955 phê duyệt kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã đề cập đến 3 nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đặt ra với ngành trong thời gian tới là: Bảo vệ thành quả chống dịch Covid-19; Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân; Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh

Ngoài ra, ông Lương Ngọc Khuê cũng đã nêu ra 4 mục tiêu ưu tiên chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, bao gồm: 100% các cơ sở y tế có bộ phận khám chữa bệnh từ xa; Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên công nghệ số; Thử nghiệm triển khai sáng kiến mỗi người dân có một bác sĩ riêng; Tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện triển khai khám chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân.

Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế)

Ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế)

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Trường Nam - Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế) - đã tóm lược quá trình phát triển CNTT trong lĩnh vực y tế trên thế giới từ những năm 1950 đến nay.

Đối với Việt Nam, ông Nguyễn Trường Nam đã nêu tầm nhìn đến năm 2030 của ngành Y tế là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành; Hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo