Nhiều đại gia tiếp tục đổ vốn vào ngành thép

Đến cuối năm 2016, khi khánh thành 3 bến cảng đầu tiên, Công ty cổ phần thép Nghi Sơn sẽ khởi công xây dựng giai đoạn I, Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Nhiều đại gia tiếp tục đổ vốn vào ngành thép

Việc khởi công xây dựng Cảng Tổng hợp quốc tế Gang thép Nghi Sơn, với tổng vốn đầu tư 5.850 tỷ đồng giữa tuần này được xem là bước đi quan trọng trong dự án Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn có quy mô dự kiến 7 triệu tấn thép một năm của Công ty cổ phần thép Nghi Sơn.

Cảng Tổng hợp quốc tế Gang thép Nghi Sơn có quy mô 71 ha, gồm bến cảng và khu hậu cần kho bãi chứa nguyên liệu và hàng hóa. Có thiết kế gồm 9 bến, với tổng chiều dài 2.250 m, tổng vốn đầu tư là 5.850 tỷ đồng, Cảng Tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 50.000 tấn (và sẽ mở rộng lên đến tàu 100.000 tấn), năng lực xếp dỡ 30 triệu tấn hàng hóa một năm.

Ông Nguyễn Bảo Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thép Nghi Sơn cho hay, 3 bến cảng đầu tiên sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2016. Các bến còn lại sẽ lần lượt được hoàn thành tiếp theo cho tới năm 2021. Khi khánh thành 3 bến cảng đầu tiên, công ty sẽ khởi công giai đoạn I, Khu liên hợp Gang thép Nghi Sơn. Ở thời điểm hiện tại, Công ty đã đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu cho hơn 210 ha, với chi phí giải phóng mặt bằng gần 2.000 tỷ đồng.

Là Chủ tịch Hội đồng quản trị của 6 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thép, trong đó có Công ty Thép Nghi Sơn, ông Giang bày tỏ “khát vọng xây dựng một doanh nghiệp xứng tầm khu vực”.

Việc có thêm một nhà đầu tư tư nhân trong nước muốn làm thép ở quy mô lớn tại thời điểm này cho thấy, ngành công nghiệp thép vẫn cuốn hút các nhà đầu tư, dù siêu dự án thép của Tập đoàn Formosa tại Hà Tĩnh chuẩn bị đi vào hoạt động.

Mặc dù đã bị chậm lại so kế hoạch ban đầu là tháng 5 sẽ đưa lò cao số 1 của dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương vào hoạt động, nhưng đại diện Tập đoàn Formosa luôn khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để dự án đi vào vào hoạt động sớm nhất có thể.

Theo kế hoạch nâng tổng vốn đầu tư của siêu dự án này lên 27 tỷ USD để trở thành khu liên hợp gang thép lớn nhất Đông Nam Á về quy mô, vào năm 2020, sản lượng thép thô tại dự án sẽ đạt 22,5 triệu tấn và có 32 bến tàu hoạt động trong cảng Sơn Dương, với lượng hàng hoá thông qua là 85 triệu tấn một năm.

Siêu dự án này cũng sẽ nhập khẩu 100% than mỡ để luyện coke, nhập khẩu 100% nguyên liệu quặng sắt từ Brazil và Australia để luyện phôi bởi hàm lượng sắt cao, tới 63 - 65%.

Trong giai đoạn I, sản phẩm sẽ là thép cuộn cán nóng phục vụ cho sản xuất nồi hơi, thép kết cấu ô tô, làm ống, làm thân tàu, thép cường độ cao và dùng làm nguyên liệu cho cán nguội với sản lượng 5,153 triệu tấn một năm. Ngoài ra, sẽ có 1,2 triệu tấn thép sợi gồm các loại thép kết cấu carbon chất lượng cao, thép hợp kim, thép lò xo, làm trục khuỷu cùng 467.000 tấn phôi vuông.

“Dự án thép của Formosa chủ yếu là sản xuất thép cuộn cán nóng và thép sợi có chất lượng cao, chỉ có 467.000 tấn phôi thép vuông (trong đó 40% sẽ xuất khẩu, 60% được tiêu thụ trong nước)” là nhận định của Bộ Công thương trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ vào giữa năm 2014, khi được yêu cầu đánh giá thực trạng ngành thép, bởi rất nhiều doanh nghiệp thép lo ngại về khả năng chèn ép của siêu dự án này.

Tuy nhiên, là người trong cuộc, khi được hỏi về khả năng cạnh tranh với các nhà đầu tư khổng lồ như Formosa, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Thép Hoà Phát (HPG) đã thẳng thắn cho biết: “Không có Formosa thì cũng có doanh nghiệp khác, nên đừng hy vọng thị trường không có cạnh tranh”.

Với mục tiêu làm thật để cạnh tranh sòng phẳng với thép Trung Quốc trên thị trường Việt Nam và ở các thị trường xuất khẩu mà HPG đang thâm nhập, ông Long cho biết, chính sách của HPG là không xây dựng giá quặng đầu vào rẻ, mà lấy giá quặng thế giới để xây dựng giá thành để từ đó nhìn nhận rõ các yếu tố cạnh tranh. Trong quá trình thực hiện, mua được quặng rẻ hơn thì hiệu quả tăng lên.

Theo báo cáo mới nhất mà HPG vừa công bố, sản lượng sản xuất và bán hàng của HPG trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, cao hơn rất nhiều so với mức tăng bình quân của ngành thép Việt Nam.

Cụ thể, HPG đã sản xuất được 924.000 tấn thép cán thành phẩm các loại, tăng 48% so với 8 tháng đầu năm 2014 và bán được 892.000 tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, xuất khẩu gần 30.000 tấn sang Lào, Campuchia.

HPG cũng cho hay, nhờ làm chủ được công nghệ và thiết bị, nên hoạt động sản xuất luôn ổn định, tiêu hao nguyên nhiên liệu ngày càng giảm, hiệu suất thiết bị tăng rõ rệt. Thực tế cho thấy, sản lượng thép cán đã vượt xa công suất thiết kế. Trong 6 tháng đầu năm, HPG lãi 1.252 tỷ đồng, trong đó đóng góp của mảng thép chiếm tới 70%.

Nhà sản xuất thép đang có thị phần lớn nhất Việt Nam này cho rằng, mục tiêu bán hàng 1,2 triệu tấn thép xây dựng năm 2015 hoàn toàn trong tầm tay.

Theo Vnexpress