Nhiều bệnh viện trên cả nước thiếu thuốc điều trị do chậm đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc các bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế đang "nở rộ" ở nhiều địa phương trên cả nước, mà nguyên nhân là do chậm đấu thầu mua sắm. Điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người bệnh.
Bệnh viện ở nhiều địa phương thiếu thuốc do chậm đấu thầu mua sắm (ảnh minh hoạ)
Bệnh viện ở nhiều địa phương thiếu thuốc do chậm đấu thầu mua sắm (ảnh minh hoạ)

Tại nhiều bệnh viện ở các tỉnh phía Nam như: Cần Thơ, Hậu Giang, TP HCM, TP Thủ Đức, Khánh Hoà… bệnh nhân đi khám, điều trị theo diện bảo hiểm y tế buộc phải ra ngoài mua thuốc, do bệnh viện không đủ thuốc theo danh mục kê đơn của bác sĩ. Trong khi đó, nếu theo diện cấp phát thuốc bảo hiểm y tế thì người bệnh không phải trả tiền.

Anh Nam (trú ở TP Thủ Đức) cho biết, người nhà anh điều trị ung thư tại Bệnh viện TP Thủ Đức. Đây cũng là nơi đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu của bệnh nhân, nhưng khi người nhà phải cấp cứu, bác sĩ tiến hành hóa trị đợt 1 với 5 loại thuốc theo đơn của bác sĩ thì nhà thuốc bệnh viện chỉ có 1 loại. 4 loại thuốc còn lại anh Nam phải tự tìm mua ở các nhà thuốc tư nhân bên ngoài Bệnh viện Ung bướu TP HCM với giá rất cao, chưa kể mất thời gian đi lại. Trong khi đó, nếu cấp phát theo diện bảo hiểm y tế thì chi phí điều trị giảm rất nhiều.

“Bệnh này đâu chỉ điều trị 1 lần mà rất nhiều lần. Cứ thế này thì làm sao mà gồng nổi, trong khi nhà nước vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế ”- anh Nam chia sẻ.

Cũng không khác anh Nam ở TP Thủ Đức, nhiều bệnh nhân ở các bệnh viện lớn khác đều lâm vào tình trạng thiếu cả thuốc điều trị lẫn vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm y tế nhiều tháng qua. Việc này khiến bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài, trong khi vẫn tham gia bảo hiểm y tế.

Đại diện các bệnh viện đều thừa nhận tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế đã diễn ra khoảng hai tháng qua, trong đó, đặc biệt thiếu các loại thuốc đặc trị giá cao và thuốc dùng trong phẫu thuật. Không còn cách nào khác, các bệnh viện phải giải thích cho bệnh nhân và mong nhận được sự thông cảm.

Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế không chỉ diễn ra ở các tỉnh thành phía Nam, mà ở cả phía Bắc như: Bắc Giang, Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Hà Giang, Hà Nội… khiến người dân phải chi trả chi phí điều trị cao và đối mặt với tình trạng giá thuốc leo thang.

Giải thích tình trạng trên, lãnh đạo Sở Y tế và bệnh viện các tỉnh thành cho biết, nguyên nhân thiếu nguồn thuốc cấp phát cho người bệnh là do phải tuân thủ đầy đủ các quy định về đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế nên các bệnh viện không có thuốc để cấp phát kịp thời cho người dân.

Họ cũng đã báo cáo tình trạng trên với cơ quan cấp trên để sớm có chỉ đạo về quy trình đấu thầu giá thuốc, tiến tới thực hiện đàm phán giá thuốc và đấu thầu tập trung cấp quốc gia, nhằm đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở y tế trên địa bàn.

“Sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhu cầu điều trị và sử dụng thuốc của bệnh viện tăng. Trong khi đó, quy định của nhà nước về đấu thầu thuốc và vật tư y tế phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ về kê khai giá, danh mục…, trong khi đơn vị cung ứng chưa kê khai được nên việc mua thuốc gặp khó khăn”- lãnh đạo một bệnh viện cho hay.

Không những vậy, theo vị giám đốc bệnh viện này, trước những sự việc gần đây liên quan đến thanh tra, kiểm toán, điều tra về mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên phạm vi cả nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các nhà quản lý bệnh viện, nên cả bệnh viện là người mua và đơn vị cung ứng là người bán cũng dè dặt trong việc hoàn thiện các hồ sơ thủ tục đấu thầu mua sắm theo quy định.

“Đây là một nguyên nhân khiến việc mua sắm thuốc men, vật tư y tế bị ảnh hưởng và điều này tác động trực tiếp đến người bệnh" - Giám đốc một bệnh viện phía Nam chia sẻ.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản hoả tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh… đôn đốc đẩy nhanh quy trình mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế . Bộ Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia khẩn trương triển khai đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá, nhằm tháo gỡ tình trạng khan hiếm thuốc trong điều trị của bệnh nhân bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm thuốc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh vẫn chưa được khắc phục.

Trả lời trên VnExpress ngày 9/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đã ghi nhận tình trạng thiếu thuốc và đang có chỉ đạo cụ thể đến các địa phương.

Trước đó, như VietTimes đã đưa tin, ngày 2/6, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã gia hạn hơn 6.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc, tạo điều kiện để các nhà cung ứng có thể tiếp tục nhập khẩu, sản xuất thuốc trong bối cảnh đang thiếu thuốc hiện nay.