Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế)

“Nhiều bạn trẻ hiểu biết nông cạn về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng, tránh thai“

VietTimes -- Ngày 23/9, bên lề sự kiện hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới 26/9 do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức tại Hà Nội, ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục của Tổng cục đã có những chia sẻ xung quanh tình trạng phá thai ở người vị thành niên, thanh niên.
Ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn sáng 23/9.
Ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn sáng 23/9.

Hiểu sai dẫn tới hành động sai

Sáng 23/9, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới 26/9 lần thứ 12.

Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai đúng cách.

Theo ông Dương, người ở tuổi vị thành niên và thanh niên là nhóm dân số cần được quan tâm đặc biệt về sức khỏe sinh sản, bởi nhóm này phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan tới sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục.
Họ thiếu kỹ năng cần thiết để chăm sóc, giữ gìn an toàn cho bản thân, nên tỷ lệ mang thai cao; thiếu kỹ năng, cách ứng xử khi mang thai, do đó lựa chọn việc phá thai, để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe sinh sản.

“Không chỉ tỷ lệ phá thai cao, nhiều bạn còn hiểu sai nên uống thuốc tránh thai khẩn cấp hoặc mua thuốc phá thai để uống sau khi quan hệ tình dục. Có bạn trẻ sử dụng các loại thuốc trên với tuần suất 1 lần/tháng” – Ông Đinh Huy Dương chia sẻ.

Ông Dương đánh giá, các hành động nói trên thể hiện sự  hiểu biết nông cạn về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng, tránh thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.

“Các bạn tưởng đó là cách tốt để phòng, tránh thai nhưng thực tế các biện pháp này không được khuyến khích. Việc uống thuốc phá thai, tránh thai khẩn cấp, hoặc phá thai quá nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, gây ra vô sinh thứ phát” – Ông nói.

Vụ trưởng Đinh Huy Dương cũng chỉ ra một thực tế khác: Đa số thanh niên và vị thành niên có thai ngoài ý muốn là chưa kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân, nên có tâm lý e ngại khi sử dụng dịch vụ phá thai tại các cơ sở y tế công lập có uy tín. Họ thường lựa chọn dịch vụ của các cơ sở y tế tư nhân. Song, các cơ sở này không đảm bảo điều kiện an toàn, nhân viên y tế không có tay nghề, dễ gây biến chứng cho người sử dụng dịch vụ, khó tránh khỏi hậu quả về sức khỏe sinh sản.

Ngoài ra, nhiều bạn trẻ lựa chọn kết hôn, lập gia đình khi mang thai ngoài ý muốn. Khi lựa chọn rẽ sang ngang, lập gia đình, các bạn trẻ đó lúng túng, thiếu kỹ năng trong chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phát biểu tại sự kiện hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới.
Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) phát biểu tại sự kiện hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới.

“Chúng ta chưa có một cuộc điều tra nào trên quy mô cả nước để nắm được con số thực tế về tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn ở vị thành niên, thanh niên. Tuy nhiên, từ những thông tin ở các cơ sở y tế, tôi được biết số người vị thành niên mang thai lớn. Do đó, chúng ta phải làm sao để cung cấp thông tin đầy đủ, giúp các bạn trẻ đó quan hệ tình dục an toàn, tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn” – Ông Dương nói.

Cung cấp đủ thông tin để hành động đúng

Theo thống kê chính thức năm 2017, Việt Nam có 250 – 300 nghìn ca phá thai. Trong đó, tỷ số phá thai trên 100 ca trẻ đẻ sống là 0,16; tỷ lệ có thai vị thành niên là 2,4%; tỷ lệ phá thai ở vị thành niên là 1,5%.

Dự báo, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi tiếp tục gia tăng và sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028, đặt ra vấn đề đáp ứng nhu cầu sử dụng các biện pháp phòng, tránh thai đang tiếp tục tăng lên.

Trước thực tế trên, trong thời gian tới, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai; đảm bảo tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp đối với các nhóm dân cư; xóa bỏ sự khác biệt trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình – theo ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

Ông mong các bạn trẻ sẽ chủ động nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, sử dụng dịch vụ có chất lượng, không bao giờ phải nói câu ân hận vì đã mang thai ngoài ý muốn.

Ông Đinh Huy Dương cũng chia sẻ, việc quan trọng nhất là cung cấp đầy đủ thông tin, giúp người vị thành niên, thanh niên hiểu rõ về sức khỏe sinh sản, để họ biết cách tự bảo vệ mình. Ngoài ra, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ phối hợp với các bên liên quan đẩy mạnh cung cấp các biện pháp tránh thai miễn phí; phát triển các kênh tiếp thị, đảm bảo chất lượng của các biện pháp tránh thai đưa đến cho người dân, người vị thành niên, thanh niên.

Khi nạo phá thai, người phụ nữ sẽ phải đối mặt với các nguy cơ tai biến như: chảy máu âm đạo nhiều, hoặc ứ máu trong tử cung; tử cung nhão do sinh đẻ nhiều lần; rách cổ tử cung do cổ tử cung siết cứng ở người chưa sinh; thủng tử cung do tư thế tử cung bất thường; một số trường hợp có thể gặp tai biến do gây mê, tê hoặc do dị ứng thuốc 

Bên cạnh đó, nạo phá thai có thể khiến chị em phải chịu đựng các biến chứng muộn hơn, ví dụ: sót nhau, sót thai; đau bụng, chảy máu có mùi hôi, sốt, ớn lạnh; nhiễm trùng; rong kinh; dính buồng tử cung gây vô kinh vì tiền sử nạo thai nhiều lần; ức chế về mặt tình cảm; vô sinh; thai ngoài tử cung đe dọa tính mạng chị em.

(Theo Bệnh viện Từ Dũ)