'Nhiệm vụ bất khả thi' của Fed

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Fed có thể sớm nhận ra rằng họ phải đối mặt với một lựa chọn hết sức khó khăn, gần như bất khả thi.
Fed đang đứng trước lựa chọn hết sức khó khăn trong cuộc chiến chống lạm phát (Ảnh: The Hill)
Fed đang đứng trước lựa chọn hết sức khó khăn trong cuộc chiến chống lạm phát (Ảnh: The Hill)

2023 được dự báo sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc kiềm chế lạm phát.

VietTimes trân trọng giới thiệu bài chuyển ngữ nêu quan điểm của Sonia Meskin - chuyên gia kinh tế từng làm việc tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Standard Chartered, Trưởng bộ phận vĩ mô tại BNY Mellon Investment Management - trên tờ Barron's về nội dung này.

Fed có thể sớm nhận ra họ đang ở giữa ngã ba đường. Toàn dụng lao động và bình ổn giá - 2 nhiệm vụ chính của Fed - dường như đang mâu thuẫn nhau.

Fed có 2 sự lựa chọn: hy sinh số lượng lớn việc làm để giảm lạm phát một cách bền vững, hoặc chấp nhận áp dụng mức lạm phát mục tiêu cao hơn so với mức mà họ từng cam kết vào tháng 1/2012.

Cả hai lựa chọn này đều gây ra những thức thức chính trị và thể chế to lớn đối với Fed và có thể gây ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan này.

Tình thế này là điều không thể tránh khỏi? Câu trả lời là không và đại dịch khiến tình hình trở nên khó đoán hơn.

Mặc dù nhiều nhà kinh tế học nhất có sự đồng thuận rằng đại dịch đã làm thay đổi các mối quan hệ kinh tế trong thập kỷ qua, nhưng rất khó để nói liệu những thay đổi đó chỉ là nhất thời hay vĩnh viễn.

Những người tin rằng sự mất cân bằng cung/cầu do COVID-19 chỉ là diễn ra nhất thời cho rằng lạm phát lõi 2% sẽ sớm đạt được. Nhóm này nhấn mạnh rằng xu hướng GDP tăng trưởng thấp (gần 1,5%), tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP, tỷ lệ đóng góp của vốn và lao động trong thu nhập quốc gia gần giống với giai đoạn tiền COVID.

Trong các mô hình kinh tế, những biến số này chủ yếu được sử dụng để đưa ra những con số ước tính về cái gọi là lãi suất trung lập (neutral real policy rate), hay mức lãi suất giữ cho sản lượng và giá cả ổn định. Trong giai đoạn ổn định của thập kỷ trước, lãi suất chính sách thực của Mỹ được ước tính ở trong khoảng 0-1%, phù hợp với ước tính lãi suất chính sách sách danh nghĩa dài hạn 2-3% mà Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) đưa ra.

Giả định cấu trúc của nền kinh tế không thay đổi thì quan điểm mà nhóm này đưa ra là đúng. Lạm phát cuối cùng sẽ giảm từ mức cao hiện tại và trở về con số sát với mức lạm phát mục tiêu 2%. Nhưng quan trọng là khi nào điều này xảy ra?.

Nhóm còn lại tin rằng những thay đổi về cấu trúc sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian. Nhóm này chỉ ra nhiều tín hiệu rằng, cán cân tổng cung/tổng cầu thay đổi có thể duy trì lạm phát ở mức cao hơn so với giai đoạn tiền đại dịch.

Về phía cung, những sự thay đổi như vậy có thể kể tới: tình trạng thiếu lao động ở các nền kinh tế phát triển. Thị trường lao động Mỹ hiện đang thiếu gần 5 triệu người, so với giai đoạn tiền COVID, và rất khó khắc phục.

Nên nhớ rằng, chủ điểm của nền kinh tế Mỹ trong năm 2021 chính là niềm hy vọng về một làn sóng gia nhập lực lượng lao động khi mà những khoản phúc lợi mà chính phủ cung cấp để chống dịch không còn nữa. Niềm hy vọng đó đã bị dập tắt. Thay vào đó, đà tăng trưởng nguồn cung lao động vẫn bị hạn chế do số người tử vong do COVID-19 và tình trạng nghỉ hưu sớm, những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh rời khỏi lực lượng lao động, và số lượng người nhập cư thấp.

Do tình trạng khan hiếm lao động kéo dài, những người đang có công ăn việc làm có thể yêu cầu mức lương cao hơn.

Trên thực tế, mức thu nhập trung bình theo giờ ở Mỹ đã tăng gần 5% trong năm 2022, so với năm trước đó, và cao hơn 3% so với mức phù hợp với lạm phát lõi ổn định 2%. Tăng lương đặc biệt phổ biến trong ngành dịch vụ, đặc biệt là nghỉ dưỡng và dịch vụ, ngoài ra còn ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhiều ngành nghề khác. Mức tăng lương theo giờ đã giảm phần nào trong khoảng thời gian gần đây, nhưng vẫn ở mức cao hơn so với giai đoạn tiền đại dịch.

Nếu như các thị trường lao động vẫn khỏe mạnh và đà tăng lương vẫn duy trì trong giai đoạn kéo dài, kỳ vọng về lạm phát có thể khó đo lường được. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các chuyên gia đo lường vốn sử dụng các mô hình dựa chủ yếu vào kỳ vọng lạm phát ổn định.

Nó cũng là thách thức của Fed. Bởi lẽ, các quan điểm chính sách của họ dựa vào kỳ vọng lạm phát dài hạn ổn định. Không phân tích được sự ổn định đó có thể khiến Fed mất uy tín và khiến nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ của họ thêm phần khó khăn.

Đối với một nền kinh tế khá khép kín và được thống trị bởi ngành dịch vụ, lạm phát dịch vụ có xu hướng gắn kết chặt chẽ với sức ép về lương, đặc biệt là khi nguồn cung lao động bị hạn chế. Tình trạng này càng kéo dài, nguy cơ về “vòng xoáy tiền lương-giá cả” càng tăng; đây là hiện tượng giá cả tăng khiến người lao động đòi hỏi mức lương cao hơn, ngược lại khiến cho các công ty tăng giá hàng hóa thay vì tăng sản lượng. Thường thì một khi lao vào vòng xoáy này, cách duy nhất để thoát khỏi nó là giảm cầu hoặc có một thị trường lao động yếu hơn.

Fed có thể chọn cách chờ đợi trong nửa đầu năm 2023 thay vì tiếp tục nâng lãi suất.

Sự suy yếu trong lĩnh vực hàng hóa và những hiệu ứng tích cực từ những đợt tăng giá trong nửa đầu năm 2022 đã mang lại kết quả nhãn tiền về lạm phát. Điều này có thể khiến Fed nâng lãi suất thêm khoảng 50 hoặc 100 điểm cơ bản trong đầu năm 2023, sau đó án binh bất động để chờ hiệu quả đến chậm của chính sách tiền tệ.

Mỹ cũng có thể rơi vào một cuộc suy thoái trong năm 2023, kéo theo tình trạng thất nghiệp tăng, từ đó mà làm giảm cầu. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái nhẹ khó có thể làm suy yếu thị trường lao động, cũng khó có thể làm giảm lạm phát dịch vụ.

Như vậy, Fed có thể đối mặt với lựa chọn hết sức khó khăn. Một là thừa nhận rằng xu hướng của lạm phát lõi thích hợp với toàn dụng lao động về cấu trúc đã cao hơn so với thập kỷ trước. Điều này sẽ cho phép họ thay đổi mức lạm phát mục tiêu là 2%. Fed sẽ không phải giảm số lượng việc làm. Tuy nhiên, nâng mức lạm phát mục tiêu có thể làm tổn hại uy tín của Fed và càng khiến cho kỳ vọng lạm phát khó dự đoán hơn.

Lựa chọn còn lại là phải tạo ra một cuộc suy thoái sâu rộng, khiến cho số lượng việc làm bị mất đi đủ để gây ra tình trạng thiếu việc làm dai dẳng và giảm lạm phát. Điều này sẽ cho phép Fed bảo vệ được mức lạm phát mục tiêu 2%, nhưng lại khiến Quốc hội, Nhà Trắng và cộng đồng người dân không bất bình.

Cả hai lựa chọn trên đều có sức hấp dẫn, và cũng đều có thể mang tới những tổn thất nhất định cho Fed, ngay trong lúc cơ quan này đang nỗ lực xây dựng lại hình tượng của mình từ thời cựu Chủ tịch Paul Volcker và chiến dịch chống lạm phát nổi tiếng của ông./.

Theo Barron's