Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ đua phát triển "mắt thần vũ trụ"

VietTimes -- Cuộc chạy đua về xây dựng hạ tầng hệ thống định vị toàn cầu ngày càng quyết liệt, khả năng cung cấp dịch vụ vệ tinh sẽ quyết định khả năng cạnh tranh dịch vụ hàng không vũ trụ của các nước lớn.
Vệ tinh Michibiki Nhật Bản. Ảnh: JAXA.
Vệ tinh Michibiki Nhật Bản. Ảnh: JAXA.

Tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản gần đây cho biết vào ngày 10/10, Công nghiệp nặng Mitsubishi và Cơ quan nghiên cứu phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản đã phóng thành công tên lửa đẩy H2A số 36 mang theo vệ tinh Michibiki 4.

Đến đây, Nhật Bản đã hoàn thành phóng 4 vệ tinh nhằm tăng cường độ chính xác cho hệ thống định vị toàn cầu của mình.

Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ đi trước một bước trên phương diện số lượng vệ tinh đưa vào sử dụng. Cuộc cạnh tranh lớn về hạ tầng hệ thống định vị toàn cầu đã ngày càng quyết liệt.

Trung Quốc đang đẩy nhanh phát triển hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu riêng, làm cho độ chính xác của Bắc Đẩu 3 tăng gấp 2 - 3 lần so với Bắc Đẩu 2 hiện nay.

Trung Quốc chuẩn bị phóng 4 vệ tinh trước cuối năm 2017, sẽ hình thành hệ thống 35 vệ tinh vào năm 2020. Trung Quốc muốn hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu phủ sóng toàn cầu.

Nhân viên tham gia phát triển hệ thống Bắc Đẩu khẳng định rằng: "Hệ thống định vị vệ tinh là nền tảng của an ninh quốc gia. Không thể để lệ thuộc vào Mỹ".

Ấn Độ cũng có 7 vệ tinh định vị đã vận hành trên quỹ đạo, sẽ mở rộng lên thành hệ thống 11 vệ tinh trong tương lai. Hệ thống vệ tinh của Ấn Độ do Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ phụ trách phát triển, dự tính NavIC (GPS phiên bản Ấn Độ) sẽ được đưa vào sử dụng.

Ngày 10/10/2017, Nhật Bản phóng vệ tinh Michibiki 4. Ảnh: Reuters.
Ngày 10/10/2017, Nhật Bản phóng vệ tinh Michibiki 4. Ảnh: Reuters.

GPS phiên bản Ấn Độ chủ yếu tìm cách phủ sóng lãnh thổ của Ấn Độ cũng như phạm vi 1.500 km xung quanh Ấn Độ Dương, thông tin được truyền từ vệ tinh sẽ còn mở cho các doanh nghiệp tư nhân cung cấp các dịch vụ như thông tin bản đồ.

Vệ tinh Michibiki cũng không phải là vệ tinh cuối cùng trong hệ thống vệ tinh của Nhật Bản. Nhật Bản có kế hoạch đến năm 2023 sẽ phóng được tổng cộng 7 vệ tinh. Tháng tới bắt đầu tiến hành thử nghiệm kiểm chứng việc điều khiển tự động của xe giao thông công cộng ở tỉnh Okinawa, mở rộng phạm vi ứng dụng thực tế.

Khả năng cung cấp dịch vụ vệ tinh không chỉ quyết định khả năng cạnh tranh dịch vụ hàng không vũ trụ của các nước, mà còn liên quan đến dịch vụ sử dụng thông tin vị trí và cạnh tranh quyền chủ đạo các công nghệ mới hướng vào ứng dụng thực tế như điều khiển tự động.

Sau khi Nhật Bản phóng vệ tinh Michibiki, cuộc cạnh tranh hướng tới 10 - 20 năm tới mới chỉ bắt đầu.