Nhật lo Trung Quốc “chẹn” Biển Đông, Mỹ “chơi bài” phong tỏa

Tuyến đường biển được Nhật Bản coi như sinh mệnh đi qua Biển Đông sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng nếu như Trung Quốc đủ khả năng kiểm soát toàn bộ Biển Đông, biên tập viên Yasu Ota của nhật báo Nikkei bình luận hôm 21/9.
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C của Trung Quốc tại cuộc duyệt binh hôm 3/9
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C của Trung Quốc tại cuộc duyệt binh hôm 3/9

Ông Ota cho biết, khoảng một phần tư trong số 350 tàu đi qua eo biển Malacca mỗi ngày thuộc về các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuyến đường biển kéo dài từ eo biển Malacca qua khu vực Biển Đông và eo biển Đài Loan được xem là tuyến đường huyết mạch sống còn đối với Nhật Bản. Nó cung cấp cho các doanh nghiệp đói khát nguyên nhiên liệu của Nhật những mặt hàng chiến lược như dầu lửa từ Trung Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại hung hăng yêu sách chủ quyền đối với cả Biển Đông và eo biển Đài Loan. Nếu như Bắc Kinh ra tay áp đặt quyền kiểm soát đối với các vùng biển nói trên, nền kinh tế Nhật Bản sẽ bị Trung Quốc khống chế, Nikkei nhận định. Nhằm ngăn chặn nguy cơ này xảy ra, Mỹ đang cố gắng lôi kéo Malaysia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thậm chí ngay cả khi chính sách kinh tế của Malaysia không tự do như Singapore và Brunei, ông Ota viết.

Với sự trợ giúp của các nước trong khu vực như Malaysia, Brunei, Philippines, Việt Nam, Mỹ sẽ có thể phong tỏa Biển Đông nhằm ngăn chặn tham vọng độc chiếm vùng biển này và bành trướng kinh tế ra toàn bộ Đông Nam Á. Chính vì lẽ đó, thời gian qua Washington tập trung nỗ lực xây dựng các mối quan hệ đồng minh và đối tác với Tokyo, Manila, Hà Nội và Singapore nhằm gây áp lực với Bắc Kinh để kiềm chế tham vọng phi lý nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực.

Trong khi đó Tổ chức RAND Corporation của Mỹ vừa công bố phúc trình nêu rõ, Trung Quốc đang dần dần thách thức ảnh hưởng chinh trị và quân sự của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương. RAND cho biết quân đội Trung Quốc vẫn lạc hậu đáng kể so với hải quân Mỹ về công nghệ và kỹ năng chiến đấu, nhưng khoảng cách này đang thu hẹp trong giai đoạn 1996-2017. Báo cáo chọn ra 4 năm đặc thù bao gồm các năm 1996, 2003, 2010 và 2017 để trình bày khả năng gia tăng của quân đội Trung Quốc khi tiến hành các chiến dịch quân sự chống Mỹ và các đồng minh trong khu vực trong vòng hai thập kỷ qua.

Bản phúc trình nêu rõ dù sức mạnh của Trung Quốc đang tăng lên, song Mỹ vẫn chiếm ưu thế vượt trội so với Trung Quốc trong một cuộc xâm chiếm tiềm tàng đối với Đài Loan hoặc trong xung đột xảy ra tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. “Khả năng vươn quyền lực đến các khu vực xa xôi của Trung Quốc vẫn yếu, và Mỹ tiếp tục giữ ưu thế quyết định trong tất cả các kịch bản xung đột diễn ra tại châu Á nằm xa bờ biển Trung Quốc”, báo cáo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, RAND cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực thách thức Mỹ bằng cách kết hợp hai yếu tố địa chính trị và cự ly. Sau khi đưa vào phục vụ những hệ thống vũ khí tiên tiến như tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21C và tên lửa hành trình DH-10, tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực Viễn Đông, kể cả tại Nhật Bản và Hàn Quốc đều nằm trong tầm tấn công của Trung Quốc. Với các máy bay ném bom chiến lược H-6, tầm tấn công của tên lửa hành trình DH-10 có thể vươn tới tận đảo Guam của Mỹ.

Cư dân mạng Trung Quốc từng tung ra nhiều hình ảnh mô tả cuộc tấn công tiềm tàng của Trung Quốc nhằm vào quân đội Mỹ
Cư dân mạng Trung Quốc từng tung ra nhiều hình ảnh mô tả cuộc tấn công tiềm tàng của Trung Quốc nhằm vào quân đội Mỹ

Theo RAND, Washington nên bắt đầu chuẩn bị một chiến lược chủ động nhằm sớm đối phó trước với một cuộc tấn công từ Trung Quốc. Các lực lượng Mỹ trong khu vực nên phân tán mỏng hơn khi bắt đầu nổ ra xung đột và nằm xa đại lục để phòng ngừa một trận Trân Châu Cảng thứ hai.

Ngoài ra, giới quân sự cần đặt ra các ưu tiên nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của việc dựa vào chiến lược vượt trội và khả năng sống sót. Áp lực ngoại giao cũng cần tăng cường nhằm cảnh cáo Trung Quốc về hậu quả của việc phát động chiến tranh tại châu Á.

Theo QPAN