Nhật Bản tính đóng hàng loạt tàu sân bay chở F-35 đấu Trung Quốc

VietTimes -- Nhật Bản muốn phát triển tàu sân bay mới chở theo máy bay chiến đấu tàng hình F-35B, sức chiến đấu có thể đứng đầu châu Á và thách thức Trung Quốc, nhưng vấn đề đặt ra là tiến độ thời gian.
Tàu sân bay cỡ lớn luôn là mục tiêu theo đuổi của Nhật Bản. Ảnh: Sina.
Tàu sân bay cỡ lớn luôn là mục tiêu theo đuổi của Nhật Bản. Ảnh: Sina.

Cuối năm 2017, Nhật Bản đã bất ngờ công bố thông tin muốn mua sắm máy bay chiến đấu cất hạ cánh thẳng đứng F-35B. Theo kế hoạch, vào cuối năm 2018, Nhật Bản sẽ đưa ra Đại cương kế hoạch phòng vệ mới, tức là kế hoạch thực hiện phát triển quân bị.

Ngày 20/3 vừa qua, Nhật Bản đã công bố một văn kiện được coi như một dự thảo kế hoạch. Văn kiện này chỉ rõ, Nhật Bản muốn phát triển “tàu sân bay phòng thủ đa dụng”. Nhưng vậy, chương trình tàu sân bay tiếp theo của Nhật Bản đã lộ ra.

Từ lâu, Nhật Bản luôn tìm cách chế tạo tàu sân bay. Những tàu sân bay trực thăng hiện có đã là những tàu sân bay tiêu chuẩn. Việc Nhật Bản muốn phát triển tàu sân bay mới cho thấy Nhật Bản rất có tham vọng. Nhật Bản nói muốn phát triển “tàu sân bay phòng thủ” chứ không phải “tàu sân bay tấn công” được Sina Trung Quốc cho là “chơi chữ”.

Theo Sina, Nhật Bản có tiến hành cải tạo đối với tàu sân bay trực thăng lớp Izumo hay không thì còn chưa rõ, nhưng khả năng này hầu như không tồn tại. Bởi vì, lớp Izumo chỉ là lớp 30.000 tấn, giá trị cải tạo không lớn. Nhật Bản thực ra có thể chế tạo tàu sân bay có trọng tải lớn hơn. Nhật Bản không gặp khó khăn gì về công nghệ trên phương diện này.

Hồi năm 2016, có nguồn tin cho rằng Nhật Bản có kế hoạch chế tạo tàu sân bay lớp 40.000 tấn. Theo một quan điểm khác, Nhật Bản muốn tham khảo thiết kế của tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp Mỹ. Nhưng, điều này thực ra không cần thiết.

Chỉ cần lấy tàu lớp Izumo làm nền tảng, tăng cường trọng tải là có thể chế tạo được một loại tàu sân bay cỡ trung bình có lượng giãn nước tiêu chuẩn 40.000 tấn, lượng giãn nước đầy 50.000 tấn. Đường băng của tàu sân bay đó sẽ lớn hơn, có thể chở máy bay chiến đấu tàng hình F-35B; nhà chứa máy bay cũng sẽ lớn hơn, tổng số máy bay trên tàu sẽ không hề nhỏ.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo. Ảnh: Sina.

Hiện nay, tàu sân bay trực thăng lớp Izumo đã có 4 nhà chứa máy bay, đã “tiếp cận” tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Nếu tàu lớp Izumo được “phóng to” thì có thể chở được 2 trung đội hoặc 24 máy bay chiến đấu F-35B, chở thêm một số máy bay trực thăng cũng không thành vấn đề.

Nếu Nhật Bản nhập khẩu thành công máy bay chiến đấu F-35B thì tàu sân bay mới sẽ chở theo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, sức chiến đấu sẽ có khả năng thách thức tàu sân bay Liêu Ninh. Có quan điểm tại Nhật cho rằng sức chiến đấu của tàu sân bay mới sẽ đứng đầu châu Á.

Mặc dù không có vấn đề về công nghệ và tài chính, nhưng Nhật Bản còn gặp không ít vấn đề, chẳng hạn về mặt tiến độ, thời gian. Cuối năm 2018 mới xác định kế hoạch thì nhanh nhất là năm 2019 mới bắt đầu xây dựng và thực hiện kế hoạch, năm 2020 mới khởi công, năm 2025 mới đi vào hoạt động.

Trong quá trình này, Trung Quốc vẫn không ngừng tiến bước, có thể sẽ đưa tàu sân bay Type 004 đi vào hoạt động. Máy bay chiến đấu thể hệ thứ năm khi đó cũng có thể đã được Trung Quốc biên chế cho tàu sân bay. Sina Trung Quốc tự tin cho rằng, đến lúc đó, Nhật Bản muốn thay đổi cục diện thì cũng chỉ là “giấc mơ”.

Các tàu sân bay trực thăng lớp Izumo hiện có của Nhật Bản. Ảnh: Sina.