Nhật Bản: Sự từ chức "bình thường" của ông Abe và gánh nặng “không bình thường” của người kế nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes - Khi ông Abe được coi “là động lực và trí lực đằng sau một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, thì việc thoát ra khỏi cái bóng của người tiền nhiệm đã là điều khó khăn với người kế nhiệm (Suga), chứ chưa nói đến việc thực thi những chính sách mới.
Ông Suga chính thức trở thành tân thủ tướng Nhật Bản
Ông Suga chính thức trở thành tân thủ tướng Nhật Bản

Trong suốt gần một tháng qua, báo chí nhiều nước, trong đó có Việt Nam, coi việc Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ chức và ông Suga Yoshihide lên kế nhiệm một cách chóng vánh sau hai cuộc bầu cử mang tính thủ tục tại Đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) và tại Quốc hội nước này là vấn đề nóng, thậm chí còn nóng không kém đại dịch Covid-19 hiện nay.

Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra: có cần tốn nhiều giấy mực và ồn ào đến mức như vậy không, khi việc từ chức của các chính trị gia bao gồm cả thủ tướng tại một nước pháp trị như Nhật Bản là một hành động “bình thường”, hợp pháp, hợp hiến, thậm chí đã trở thành văn hóa thể hiện thái độ, tinh thần trách nhiệm của chính giới đối với quốc dân đồng bào?!

Xin nhắc lại chuỗi sự kiện theo trình tự thời gian như sau:

Chiều ngày 28/8/2020, ông Abe họp báo tuyên bố sẽ từ chức (bao gồm cả chức vụ Thủ tướng và chức vụ Chủ tịch Đảng LDP). Ngày 14/9, tức là chỉ hơn nửa tháng sau, LDP tổ chức bầu cử Chủ tịch đảng, ông Suga trúng cử. Và, chỉ 2 ngày sau đó, tức là ngày 16/9, Quốc hội nước này thông qua việc chỉ định ông Suga là Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản.

Nếu độc giả tinh ý, sẽ thấy sự chóng vánh này có thông điệp riêng của nó về một sự việc vốn dĩ luôn có khả năng xảy ra.

Đồn đoán và sự “bình thường”

Tuy nhiên, nhiều báo và nhiều nhà phân tích lại làm căng cứng sự việc. Có nhận định cho rằng ông Abe cảm thấy bất lực trong cuộc chiến với virus Corona nên từ chức. Lại cũng có thuyết cho rằng đây là kết quả của một chuỗi thất bại sau một thời gian quá dài nắm quyền lực.

Có người còn cho rằng ông Abe chỉ rút lui vào hậu trường để ủng hộ ông Suga nhằm cải tổ nội các còn mình sẽ thao túng phía sau. Có cơ quan báo chí nhận xét đây là quyết định thể hiện sự “kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần”v.v…

Người ta còn mô tả sự ra đi của ông Abe như một khủng hoảng chính trị nghiêm trọng của Nhật Bản với những hàng tít như: “Văn phòng thủ tướng Nhật hỗn loạn sau quyết định từ chức của ông Abe”, “Nội các Nhật Bản đồng loạt từ chức”, “chứng khoán lao dốc” …

Có báo còn cho rằng ông “giữ bí mật” về người kế nhiệm như thể để bảo vệ ông này đến phút chót, như cách hành xử khi chọn nhân sự cấp chiến lược ở một số nước khác. Thế nhưng, dường như đó chỉ là những đồn đoán ở đâu đó, nơi mà việc từ chức của các chính trị gia chưa trở thành văn hóa, và “pháp trị” vẫn chưa lấn át “nhân trị” như ở Nhật Bản.

Thực tế của chính trường Nhật Bản trong suốt mấy chục năm qua cho thấy việc ra đi của một vị thủ tướng không phải là sự bất thường. Đã có giai đoạn (2006-2012) chỉ trong 6 năm mà có tới 6 vị Thủ tướng tựu nhiệm và nhanh chóng từ chức. Có vị chỉ tại nhiệm được vẻn vẹn 64 ngày (Hata Tsutomu, từ tháng 4 năm 1994 đến tháng 6 cùng năm). Bản thân ông Abe ở nhiệm kỳ đầu tiên (2006-2007) cũng rời chức vụ sau 366 ngày làm Thủ tướng.

Các vị này từ chức vì rất, rất nhiều lý do. Có thể là vì sức khỏe, cũng có thể là do một quyết sách bị dư luận chỉ trích, cũng có khi là vì áp lực công việc, cũng có trường hợp là tự chịu trách nhiệm về một quyết sách bị coi là sai lầm của mình, hoặc vì một bê bối trong đời tư nào đó v.v…

Thủ tướng cứ từ chức, còn đời sống xã hội vẫn không ngừng cuộn chảy. Đó là sự thật tại Nhật Bản. Theo đó, đối với ông Abe, với 2.822 ngày tại nhiệm liên tục ở nhiệm kỳ II, vượt qua cả kỷ lục của cố Thủ tướng Sato Eisaku (1901-1975) – người trước ông Abe từng là người giữ chức vụ thủ tướng lâu nhất Nhật Bản với 2.798 ngày và là ông chú của ông Abe, thì việc từ chức với lý do sức khỏe không phải là không đáng tin.

Tại họp báo hôm 28/8, ông Abe cho biết sức khỏe của ông đã bắt đầu suy giảm vào khoảng giữa tháng trước và ông không muốn bệnh tình của mình dẫn tới những sai lầm trong quá trình đưa ra các quyết định chính sách quan trọng. "Tôi không thể là thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân. Do đó, tôi quyết định rời khỏi vị trí hiện tại", ông Abe giải thích.

Ông Abe nói rằng ông xin lỗi người dân Nhật Bản "từ tận đáy lòng", vì không thể làm tròn nghĩa vụ của mình. Thậm chí, phát biểu tại cuộc họp báo đang diễn ra, ông còn công bố công khai bệnh trạng của mình khi cho hay mình bị tái phát viêm loét đại tràng. Đây là điều mà không phải ai cũng muốn cho cả bàn dân thiên hạ biết, đặc biệt là một chính trị gia lão luyện. Nói như vậy để thấy lý do ông Abe nêu ra là đáng tin.

Tuy vậy, sự ra đi của ông Abe cũng để lại những hệ lụy không thể phủ nhận.

Gánh nặng “bất thường” của người kế nhiệm

Nếu như trong bối cảnh trước Covid-19 (tạm gọi là bình thường cũ), thì có lẽ câu chuyện của người kế nhiệm chức vụ Thủ tướng Nhật Bản đã không nặng nề đến vậy. Nhưng, trong bối cảnh hiện nay khi Nhật Bản vừa mới ngấp nghé “bình thường mới” thì dịch bệnh lại diễn biến phức tạp, người đứng đầu Chính phủ sẽ là người chịu trận đầu tiên, nếu virus Corona không bị chinh phục.

Để đạt tới “bình thường mới” đã bấp bênh thì việc quay lại “bình thường cũ” quả là rất xa vời. Bên cạnh đó là hàng loạt các vấn đề về kinh tế (bao gồm cả đối nội và đối ngoại), ngoại giao, an ninh….

Người viết đồng ý với một số phân tích cho rằng:

Sự xáo trộn còn diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Nhật, cũng như nhiều nước khác, chịu những đòn giáng mạnh mẽ vì đại dịch.”, hoặc: “sự ra đi của ông Abe có thể để lại những tác động lớn về địa chính trị, đặc biệt tại thời điểm căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng leo thang trên mọi lĩnh vực, từ thương mại đến quân sự.

Hay như: "Bối cảnh an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể đang chứng kiến cơn địa chấn lớn. Với việc ông Abe từ chức, khu vực sẽ mất đi một bên ủng hộ quan trọng với chính sách cạnh tranh và đối đầu Trung Quốc tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu".

Đây là những nhận xét xác đáng, phù hợp với thực trạng nội tình Nhật Bản và tình hình thế giới hiện nay. Đặc biệt, khi ông Abe được coi “là động lực và trí lực đằng sau một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, thì việc thoát ra khỏi cái bóng của người tiền nhiệm đã là điều khó khăn với người kế nhiệm, chứ chưa nói đến việc thực thi những chính sách mới, hoặc thay thế Abenomics bằng Suganomics như nhiều người đang hy vọng.

Theo đó, chặng đường tới đây của ông Suga sẽ lắm chông nhiều gai. Và những quyết sách của Chính phủ Nhật Bản tới đây sẽ là tâm điểm thu hút sự chú ý không chỉ của dư luận Nhật Bản mà còn của cả cộng đồng quốc tế.