Nhật Bản lên kế hoạch đóng chiến hạm Aegis tương lai với 128 ô phóng tên lửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã cung cấp chi tiết về kế hoạch đóng các chiến hạm tương lai, được trang bị hệ thống Aegis, khu trục hạm ASEV cho lực lượng phòng vệ hàng hải quốc gia này.

Mô hình chiến hạm tên lửa ASEV do Bộ Quốc phòng Nhật Bản cung cấp. Ảnh Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Mô hình chiến hạm tên lửa ASEV do Bộ Quốc phòng Nhật Bản cung cấp. Ảnh Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Ngày 3/6, hãng thông tấn Nhật Bản Jiji Press cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã chỉ định Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) phụ trách đóng khu trục hạm ASEV đầu tiên, Tập đoàn Japan Marine United (JMU) sẽ đóng chiếc thứ hai.

Cũng theo hãng tin này, các khu trục hạm ASEV sẽ được trang bị 128 ô hệ thống phóng thẳng đứng (VLS). Những ô phóng VLS được trang bị tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển SM-3 Block 2A do Nhật Bản và Mỹ cùng phát triển. SM-3 là tên lửa đất đối không, được sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm trung.

ASEV được trang bị các tên lửa SM-6 thực hiện tác chiến phòng không chiến hạm, chống tên lửa hành trình chống tàu và vũ khí siêu thanh, phòng thủ tên lửa đạn đạo và tác chiến chống tàu nổi.

Truyền thông Nhật Bản cũng đã đề cập đến khả năng trang bị tên lửa tấn công mặt đất (SSM) Type 12 sản xuất trong nước , loại vũ khí này dự kiến sẽ được gắn trên các bệ phóng phía trên boong chứ không lắp đặt trong VLS.

Các tài liệu của Bộ quốc phòng MoD cho biết, trong tương lai, Nhật Bản đang nghiên cứu trang bị cho ASEV với Vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh pha trượt (GPI ), hiện trong quá trình chạy đua để phát triển ở Mỹ.

Radar được lắp đặt trên chiến hạm sẽ là Lockheed Martin SPY-7, ban đầu được mua cho hệ thống Aegis Ashore trên đất liền và phiên bản của hệ thống Aegis là J7.B, được sửa đổi để tích hợp SPY-7 vào nền tảng hệ thống phòng thủ Baseline 9 Aegis (BL9).

Theo những bản tin của truyền thông Nhật Bản từ tháng 1/2023, ASEV được trang bị hệ thống “Khả năng liên kết phối hợp và chia sẻ thông tin” (CEC). Khả năng này cho phép các ASEV chia sẻ thông tin radar với các khu trục hạm DDG lớp Maya của JMSDF và các chiến hạm của Hải quân Mỹ thời gian thực.

Naval News dẫn các nguồn chính cho biết, Cơ quan Mua sắm, Công nghệ & Hậu cần (ATLA) của Nhật Bản đang lên kế hoạch lắp “Ăng-ten vô tuyến kết hợp thống nhất” (UNICORN) tiên tiến trên ASEV. Hệ thống UNICORN hiện đang được trang bị trên các khinh hạm FFM của JMSDF.

Những kế hoạch ban đầu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến thiết kế ASEV như các chiến hạm phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) chuyên dụng, có tốc độ chậm hơn và khu vực hoạt động giới hạn trên vùng biển ven bờ. Nhưng để đối phó với sự gia tăng sức mạnh quân sự của Hải quân Trung Quốc, kế hoạch được sửa đổi thành một chiến hạm đa chức năng phòng thủ tên lửa và tấn công tầm xa. ASEV được phát triển như một khu trục hạm Aegis tấn công bằng vũ khí thông thường. Chiến hạm ​​sẽ có khả năng phòng thủ chống tên lửa đạn đạo và vũ khí siêu thanh, tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu, chiến hạm nổi và chống ngầm.

Trong ngân sách quốc phòng năm 2023, Bộ quốc phòng Nhật Bản đã phân bổ 220,8 tỉ yên (1,568 tỉ USD) cho chi phí thiết kế và mua sắm trang thiết bị cho ASEV, bao gồm cả động cơ. ASEV sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo và vũ khí siêu thanh của Triều Tiên, tăng cường hỏa lực cho khu trục hạm Aegis của JMSDF. Đồng thời, các khu trục hạm Aegis Nhật Bản sẽ có điều kiện phối hợp với Hải quân Mỹ đáp trả các lực lượng quân sự của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến, chiến hạm ASEV đầu tiên sẽ được đưa vào biên chế sẵn sàng chiến đấu năm 2027, chiếc thứ 2 sẽ được hoàn thành và đưa vào hạm đội năm 2028. Theo một bản tin trên tờ Mainichi Shimbun của Nhật Bản , chương trình đóng chiếc ASEV đầu tiên bắt đầu vào năm 2024.

Theo Naval News